Theo sơ đồ trên Hình 3.15, cặp phần tử (xk, yk) trước tiên được xử lý bởi khối CORDIC - Vectoring. Tại đây, cặp (xk, yk) được quay đi một góc θ để triệt tiêu yk
về 0. Góc cần quay θ được gán cho phần tử z và trở thành đầu vào cho các khối CORDIC - Rotation. Các khối CORDIC - Rotation này có nhiệm vụ quay các cặp phần tử còn lại theo tín hiệu đầu vào z. Kết thúc quá trình tính toán, tất cả N cặp phần tử của vector đầu vào được quay đi một gócθ xác định bởi cặp phần tử(xk, yk)
ban đầu. Với cách thức thực hiện như trên, thời gian thực hiện mỗi phép quay Givens Rotation bằng hai lần thời gian thực hiện một phép toán CORDIC. Cụ thể, trong khoảng thời gian khối CORDIC - Vectoring xác định góc quay θ và quay cặp phần tử(xk, yk), các khối CORDIC - Rotation không hoạt động vì phải đợi giá trị z (chính là góc quay θ) để thực thi các phép toán. Như vậy, trong trường hợp này, năng lực phần cứng không được tận dụng triệt để, đồng thời phải có thêm các khối tính toán, xử lý cho góc quay θ.
Để gia tăng tốc độ thực hiện phép quay Givens Rotation trên phần cứng, một giải pháp được đưa ra là thực hiện quay đồng thời tất cả các cặp phần tử của vector đầu vào. Cụ thể, tại mỗi vòng lặp của thuật toán CORDIC - Vectoring, cặp phần tử (xk, yk) được quay đi một góc nhỏ nào đó dựa vào dấu của yk và chỉ số vòng lặp
i. Các tín hiệu điều khiển này đồng thời cũng được đưa vào các khối CORDIC còn lại để quay các cặp phần tử khác của vector đầu vào một góc tương tự như với cặp
(xk, yk). Kết thúc quá trình tính toán, tất cả các cặp phần tử của vector đầu vào đều được quay đi một gócθ mà không cần sử dụng đến khối tính toán góc như giải thuật ban đầu. Với giải pháp này, thời gian thực hiện mỗi phép quay Givens Rotation sẽ bằng thời gian thực hiện một phép toán CORDIC, tức tốc độ thực hiện phép quay đã được cải thiện gấp đôi. Đổi lại, ta cần thêm một khối CORDIC - Rotation nữa để thực hiện quay đồng thời toàn bộ N cặp phần tử của vector đầu vào so với kiến trúc ban đầu. Tuy nhiên, với bài toán phân tích ma trận SVD áp dụng trong máy thu TR-UWB, tốc độ thực thi là yếu tố cần được ưu tiên nhất với mong muốn đáp ứng yêu cầu xử lý ở thời gian thực. Do đó, cải tiến này là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đặt ra.