Giải pháp pháp luật

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng loài của bộ cá Nóc - Tetraodontiformes ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế (Trang 87 - 88)

II I IV V VI V

6.3.2. Giải pháp pháp luật

Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc làm chết nhiều người do ăn phải cá nóc và các loại thực phẩm từ cá nóc. Ngành y tế và các cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân biết về tác hại của cá nóc. Song do nhận thức của nhân dân chưa đầy đủ, việc kinh doanh, chế biến cá nóc đem lại lợi nhuận cao. Vì vậy, việc đánh bắt, chế biến, lưu thông, mua bán và sử dụng cá nóc vẫn diễn ra phức tạp. Để chấm dứt tình trạng nêu trên, cần có sự quản lý bằng pháp luật của Nhà nước nhằm để điều chỉnh, xử lý vi phạm một cách cương quyết, triệt để. Trên thực tế, đã có nhiều chỉ thị, công văn của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương nghiêm cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh, sử dụng cá nóc dưới mọi hình thức. Chẳng hạn như: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 681/CP-VX (ngày 23/V/2003); Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) ban hành Chỉ thị số 06/2003/CT-BTS; Chỉ thị số 12/CT-UB (ngày 02/IV/ 2003) của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế; Chỉ thị số 14/CT-UB (ngày 04/X/2002) của UBND thành phố Đà Nẵng; Chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An số 13/2003/CT-UB (ngày 06/V/2003).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc cấm tuyệt đối khai thác, chế biến và tiêu thụ cá nóc là chưa thỏa đáng, mà cần có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc nhưng cũng đồng thời tận dụng được nguồn thực phẩm này và tôn trọng tập quán của ngư dân. Vì thế, để thực hiện giải pháp pháp luật có hiệu quả nhất cần lưu ý những vấn đề sau:

+ Trước mắt, cấm tạm thời việc sơ chế, chế biến cá nóc thành hàng hóa thực phẩm cho mục đích tiêu thụ nội địa. Khi đã xác định rõ độc tố, kỹ thuật

chế biến và thiết lập xong hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cá nóc làm thực phẩm thì lệnh cấm này bãi bỏ.

+ Không cấm khai thác cá nóc, vì thực tế là không có nghề chuyên đánh bắt cá nóc. Mặt khác, với lượng cá nóc nhỏ, thường không sử dụng và được loại bỏ ngay sau khi đánh bắt lên, nhưng với lượng lớn, chúng được bảo quản như những loại hải sản khác. Do vậy, nếu cấm khai thác sẽ gây khó khăn cho ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản chung và việc loại bỏ lượng cá nóc lẫn trong nguyên liệu.

+ Không cấm xuất khẩu cá nóc, vì các nước đang mua và doanh nghiệp Việt Nam đang bán. Và đây cũng chính là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài về việc sơ chế, chế biến cá nóc và mở rộng hướng tận dụng nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu rủi ro, ngộ độc cá nóc và thu ngoại tệ về cho người dân. Tuy nhiên, cơ quan hữu trách cần lập danh sách những doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc và cùng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ quá trình thu mua, sơ chế và chế biến cá nóc cho riêng mục đích xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng loài của bộ cá Nóc - Tetraodontiformes ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế (Trang 87 - 88)