TÌNH HÌNH SỬ DỤNG CÁ NÓC

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng loài của bộ cá Nóc - Tetraodontiformes ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế (Trang 84 - 86)

II I IV V VI V

6.2. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG CÁ NÓC

Ở Thừa Thiên Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung, người dân (mà chủ yếu là ngư dân) đã sử dụng cá nóc làm thực phẩm từ rất lâu. Người dân sử dụng cá nóc làm thực phẩm tươi như kho, nấu canh chua, làm chả cá, nhân bánh,... hoặc phơi khô dùng dần. Những loài, những cá thể cá nóc nhỏ hoặc ít thịt không thể ăn tươi được, ngư dân dùng để chế biến nước mắm. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm cho người, ngư dân ở một số vùng còn dùng làm mồi nhử, thức ăn để nuôi thủy hải sản (ốc, cá, cua, tôm hùm,...) và người dân cũng ủ cá để làm phân bón.

Hầu hết những người chế biến và ăn thịt cá nóc biết rõ cá có chứa độc tố gây chết người. Họ truyền bá cho nhau kinh nghiệm nhận biết cá nóc và kinh nghiệm chế biến thành món ăn cho gia đình. Các tàu đánh cá trên biển, và tại bến cá, cá nóc thường được nhặt riêng và người mua cũng biết rõ họ đã mua loại cá nào. Nhiều ngư dân vì tin tưởng vào cách chế biến và cách nhận biết cá nóc độc hay không độc của mình mà tử nạn. Đặc biệt nguy hiểm, khi có một bộ phận ngư dân không chỉ sử dụng cá nóc cho bản thân mình mà còn có hành vi hám lợi, buôn bán cá nóc cho những người không biết. Cá nóc sau khi đã bỏ đầu lột da, được chế biến thành chả cá, làm nước mắm hoặc phơi khô, rồi được buôn bán như những sản phẩm hải sản khác. Các sản phẩm này thường được buôn bán ở các vùng sâu vùng xa, gây ra những vụ ngộ độc và những cái chết thương tâm cho những người thiếu hiểu biết.

Theo thống kế của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế, năm 2000 có 27 vụ với 129 người bị nhiễm độc và 29 người chết; Năm 2002 có 49 vụ với 211 người bị nhiễm độc và 29 người chết; Năm 2003 có 22 vụ, 82

người chết. Ngộ độc thực phẩm do cá nóc chiếm 15,1% tổng số vụ ngộ độc; 3,1% tổng số người bị nhiễm độc và 42,9% tổng số chết do ngộ độc thực phẩm nói chung (Thông tin KHCN Kinh tế Thủy sản, Số 01/2005, tr. 19 - 21) [62]. Trước tình hình thường xuyên có người chết do ngộ độc cá nóc, tại Việt Nam cho đến nay, các cấp từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (cũng như tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước) đều ban hành nhiều chỉ thị, công văn nghiêm cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh và sử dụng cá nóc dưới mọi hình thức. Trên thực tế, người dân vẫn công khai vi phạm quy định này tại không chỉ tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn ở tại nhiều tỉnh ven biển khác của Việt Nam, và các ca tử vong do ăn cá nóc vẫn tiếp tục xảy ra ở các cộng đồng ngư dân ven biển.

Tuy nhiên, cá nóc cũng là đối tượng xuất khẩu có giá trị. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang xuất cá nóc ướp đá sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức giá trên dưới 2,3 USD/kg. Nhưng đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa có con số thống kê chính thức lượng cá nóc đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc là bao nhiêu [61].

Được biết các cán bộ khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Hải dương học đang phối hợp với các nhà khoa học và chuyên gia của Hàn Quốc, Nhật Bản tìm cách đánh giá nguồn lợi cá nóc của biển Việt Nam và xây dựng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong việc sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Thực tế nguồn lợi cá nóc ở biển nước ta khá phong phú. Trong ngư dân ta, tập quán ăn cá nóc đã trở thành thói quen và theo đó việc ngộ độc cá nóc đang rình rập cho vùng ngư dân nghèo, cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, cho đến khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra được các quy định, cũng như hướng dẫn cụ thể việc chế biến và sử dụng cá nóc thì tốt nhất là chúng ta không nên dùng cá nóc làm thực phẩm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng loài của bộ cá Nóc - Tetraodontiformes ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế (Trang 84 - 86)