Nhóm tài liệu về tiêu chuẩn chức danh

Một phần của tài liệu Nguồn tài liệu về tổ chức cán bộ và lao động tiền lương trong phông lưu trữ ban tổ chức cán bộ chính phủ ( 1973 1994 ) bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III (Trang 70 - 75)

- Thông tin tài liệu của Phông Lưu trữ Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (19731994)

2.2.3.5. Nhóm tài liệu về tiêu chuẩn chức danh

Nhóm tài liệu về tiêu chuẩn chức danh trong Phông có từ hồ sơ số 523 đến hồ sơ số 553, gồm 31 hồ sơ, trong đó có nhiều thể loại văn bản khác nhau như: quyết định, chỉ thị, thông tư, công văn, thông báo, tờ trình, báo cáo của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cụ thể như sau:

* Tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh:

Trong Phông có nhóm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh như: Quyết định số 117-HĐBT ngày 15/7/1982 của HĐBT ban hành bản Danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước [169, 1-8]; Chỉ thị số 134- HĐBT ngày 07/11/1983 của HĐBT về đẩy mạnh công tác xây dựng chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước [171, 1-2]; Công văn của tiểu ban xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước về việc chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức năm 1982 [170].

Ban Tổ chức của Chính phủ tham gia nghiên cứu, hướng dẫn chung, đồng thời được phân công nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng chức danh tiêu chuẩn của bản thân các vụ tổ chức cán bộ của các bộ, và ban tổ chức chính quyền các tỉnh. Điều đó được phản ánh trong Báo cáo số 12 VP/TCCP ngày 16/1/1986 của Ban Tổ chức của Chính phủ kiểm điểm công tác năm 1985 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1986 về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lí Nhà nước [115, 174].

Chủ tịch HĐBT đã chỉ thị thủ trưởng các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc HĐBT và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương những công việc cần làm trong việc xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức. Cụ thể được thể hiện trong bản Chỉ thị số 134-HĐBT ngày 07/11/1983 của HĐBT về đẩy mạnh công tác xây dựng chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước. Bản chỉ thị có đoạn:

Thủ trưởng các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc HĐBT và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên

chức; có kế hoạch cụ thể tiến hành từ nay đến 12/1983 gửi Văn phòng HĐBT và Bộ Lao động; hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng HĐBT và Bộ Lao động [171, 1].

Qua nghiên cứu nhóm tài liệu về tiêu chuẩn chức danh, chúng tôi còn thấy có những tài liệu của cơ quan Đảng cũng đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn, việc xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh của tổ chức Đảng, đoàn thể được phản ánh trong Quyết định số 41-QĐ/TW ngày 05/4/1984 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tổ chức bộ máy và biên chế các cơ quan Đảng, đoàn thể. Quyết định quy định rõ: “Phải trên cơ sở xây dựng chức trách nhiệm vụ cụ thể của tổ chức để xác định cụ thể các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ từng chức danh. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các ban để nghiên cứu vấn đề này cho phù hợp với đặc điểm về tổ chức và hoạt động của Đảng và đoàn thể. Những chức danh trùng hợp với quy định đã có của Nhà nước như: bác sĩ, đánh máy, kế toán,…thì áp dụng theo quy định của Nhà nước.

Trong khi chưa xây dựng được tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh, từ nay khi tuyển chọn người vào các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc để làm công tác nghiên cứu, kiểm tra, phải chọn cán bộ có chất lượng, đã kinh qua công tác lãnh đạo ở các bộ, tổng cục, ở cấp tỉnh, huyện hoặc đơn vị cơ sở quốc doanh lớn, đã tốt nghiệp các trường chính trị trung, cao cấp của Đảng, có khả năng bảo đảm công tác được phân công; nếu chưa tốt nghiệp đại học thì phải qua thực tế công tác, hoạt động lâu năm trong ngành, được bồi dưỡng những vấn đề cơ bản theo chương trình trung cấp hoặc đại học. Các cán bộ khác, các nhân viên công tác cũng đều phải qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ [98, 3].

* Tài liệu về kết quả xây dựng tiêu chuẩn chức danh:

Dựa trên những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xây dựng tiêu chuẩn chức danh, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành công tác này và đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả đó được phản ánh qua các báo cáo như: Báo cáo số 22/DMTC ngày 13/9/1983 của Tiểu ban Danh mục và Tiêu

chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước (thuộc Hội đồng Bộ trưởng) về công tác xây dựng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước [171, 3-11].

Báo cáo phản ánh kết quả thực hiện như sau: Bản danh mục số 1 đã phát huy tác dụng rõ rệt là hướng dẫn các Bộ, ngành có căn cứ để nghiên cứu tiến hành rà soát lại các nội dung quản lý của toàn ngành để xây dựng các hệ thống chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn viên chức. Nhờ đó đã gây được một niềm tin mới trong viên chức, vì đó là phương hướng rõ rệt để phát triển tài năng và ổn định nghề nghiệp, đồng thời có những cơ sở khoa học để xác định biên chế gọn nhẹ và tăng cường hiệu lực của bộ máy [171, 6].

Trong tổng số 65 Bộ, Ủy ban, cơ quan trực thuộc HĐBT, đã có 40 cơ quan tiến hành xây dựng chức danh đầy đủ. Nhiều Bộ đã tiến hành khá nghiêm túc như: Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Văn hóa, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao..

Ở các tỉnh, thành phố, một số nơi đã triển khai tốt như: TP.Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ở các nơi đó đã tổ chức thành lập các tiểu ban, tập huấn cho cán bộ ở quy mô lớn [171, 6].

Báo cáo số 12 VP/TCCP ngày 16/1/1986 của Ban Tổ chức của Chính phủ kiểm điểm công tác năm 1985 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1986 về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lí Nhà nước cho thấy, theo nhận định của tiểu ban chức danh tiêu chuẩn và nghiệp vụ viên chức Nhà nước, so với trước, trong năm 1985, nhiều thủ trưởng bộ, ngành đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước như: Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Thủy lợi, Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Quản lí ruộng đất, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Viện Khoa học Việt Nam, Ủy ban Khoa học Xã hội. Quy trình nghiên cứu xây dựng chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ nhiều bộ, ngành đã thực hiện tương đối thống nhất [115, 174].

Trước khi đi vào xây dựng các chức danh đầy đủ, việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đã làm cho nhiều bộ, ngành thấy rõ được trong tình hình hiện nay cần phải khẩn trương sắp xếp lại tổ chức từ Trung

ương đến cơ sở, trong khi chức năng của nhiều tổ chức còn chồng chéo. Việc phân tích cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ thành nội dung công việc của các đơn vị cấu thành của từng tổ chức đã làm cho mỗi cá nhân, cán bộ công nhân viên chức nhìn rõ hơn tiêu chuẩn nghiệp vụ mình phải có để đảm đương chức trách được giao.

Tính đến tháng 1/1986, đã có trên 60 bộ, ngành đã và đang tiến hành xây dựng chức danh tiêu chuẩn của vụ tổ chức cán bộ, trong đó 20 bộ đã hoàn thành dự thảo. 25/40 tỉnh, thành, đặc khu đã tham gia ý kiến về tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh do Ban Tổ chức của Chính phủ gửi đến, trong đó có 25 ban tổ chức chính quyền tỉnh đã có phương án sắp xếp cán bộ từ chức trưởng, phó ban đến cán sự. Những nơi tiến hành khẩn trương và được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Thường trực Ủy ban nhân dân như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Phú Khánh, Minh Hải, Lâm Đồng…[115, 174].

Đánh giá khái quát, theo nhận xét của tiểu ban chức danh tiêu chuẩn và nghiệp vụ viên chức Nhà nước thì công tác xây dựng chức danh tiêu chuẩn và nghiệp vụ ở các bộ, ngành làm quá chậm, có phần do phương pháp làm còn nặng nề, chưa được cải tiến. Nguyên nhân quan trọng là thủ trưởng nhiều bộ, ngành chưa thấy được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng và do đó chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này. Mặt khác, một phần do cán bộ phụ trách công tác xây dựng chức danh tiêu chuẩn ở một số bộ, ngành và địa phương thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ và thường bị thay đổi [115, 174]. Những nguyên nhân nói trên đã dẫn đến những hạn chế nhất định được Báo cáo chỉ ra như: “Nhiều cán bộ viên chức trong bộ máy quản lí Nhà nước không đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định, không hiểu việc, không chịu làm việc, thậm chí có việc làm cũng được, không làm cũng được. Việc đánh giá cán bộ có nhiều trường hợp thiếu căn cứ chính xác [115, 175].

Đồng thời, trong Báo cáo cũng khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế với việc xây dựng chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước [115, 174].

Kết quả công tác xây dựng chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức cũng được phản ánh trong Báo cáo số 68/TCCP ngày 2/4/1988 của Ban Tổ chức của Chính phủ về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lí Nhà nước năm 1987 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1988, chẳng hạn như sau: Đến thời điểm tháng 4/1988, đã có 13 bộ, Ủy ban Nhà nước và các cơ quan khác được duyệt bản chức danh số 1 và 10 bộ khác đã nộp văn bản hoặc đang chuẩn bị trình duyệt, trong đó một số bộ làm khá liên tục và đạt kết quả như Bộ Văn hóa, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý ruộng đất, Cục Lưu trữ Nhà nước, Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Việt Nam…; 5 bộ đã ban hành tiêu chuẩn và đang tổ chức ứng dụng thí điểm sắp xếp cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn (tuy mới ở mức dự kiến) như Viện Khoa học Việt Nam, Tổng cục Bưu điện, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ngoài những kết quả đã đạt được, Tiểu ban chức danh tiêu chuẩn đã tiến hành xong việc dự thảo 4 tiêu chuẩn mẫu theo 4 hệ chức danh chính như sau: kĩ sư các cấp và kĩ thuật viên trong hệ kĩ thuật; chuyên viên các cấp và cán sự trong hệ quản lí; nghiên cứu viên các cấp trong hệ nghiên cứu; giảng viên các cấp trong hệ giảng dạy [64, 7].

Báo cáo cũng nhận định: kết quả đạt được của công tác xây dựng chức danh tiêu chuẩn còn chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của mỗi cán bộ viên chức, góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước các cấp. Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác xây dựng chức danh tiêu chuẩn cũng được đề cập đến như: Các chế độ, chính sách chưa được đồng bộ để tạo điều kiện kích thích việc áp dụng chức danh, tiêu chuẩn; Một số cơ quan thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thủ trưởng; Bản thân Tiểu ban chức danh tiêu chuẩn Nhà nước cũng còn quá thận trọng, cầu toàn và phương pháp làm còn lúng túng, hoạt động chưa đều; Các tổ chức giúp cho bộ, ngành xây dựng chức danh tiêu chuẩn chưa được chú ý kiện toàn, chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ...[64, 8].

Một phần của tài liệu Nguồn tài liệu về tổ chức cán bộ và lao động tiền lương trong phông lưu trữ ban tổ chức cán bộ chính phủ ( 1973 1994 ) bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)