Nhóm tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Một phần của tài liệu Nguồn tài liệu về tổ chức cán bộ và lao động tiền lương trong phông lưu trữ ban tổ chức cán bộ chính phủ ( 1973 1994 ) bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III (Trang 61 - 65)

- Thông tin tài liệu của Phông Lưu trữ Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (19731994)

2.2.3.3. Nhóm tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nâng cao trình độ nhận thức và kĩ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng một Nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Muốn thực hiện được mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là một khâu quan trọng bậc nhất của quản lí Nhà nước công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Có quy hoạch, kế hoạch thì việc bồi dưỡng mới khắc phục được tình trạng phân tán, tự phát tùy tiện, tránh được sự lãng phí sức người, sức của, thời gian của mỗi cán bộ cũng như toàn xã hội. Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới thực sự hiệu quả và chất lượng.

Trong Phông Lưu trữ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, số lượng tài liệu phản ánh về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có 27 hồ sơ, cụ thể là từ hồ sơ số 1291 đến 1317.

Phản ánh về vấn đề này có các thể loại văn bản khác nhau như: chỉ thị, kế hoạch, công văn, báo cáo... của các cơ quan từ cấp Trung ương đến cấp địa phương.

Qua việc nghiên cứu các văn bản phản ánh về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chúng ta thấy được nhận thức của cán bộ lãnh đạo về tầm quan trọng của công tác này cũng như những kết quả đã đạt được trong thực tế.

* Tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

Trong nhóm tài liệu này có các thể loại văn bản như: chỉ thị, quyết định...Chẳng hạn, Chỉ thị số 422/TTg ngày 15/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lí và công chức Nhà nước năm 1994 [217]; Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Phú Khánh, Đồng Nai mở lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ và củng cố về tổ chức các Trường Hành chính năm 1982 [216]; Quyết định số 46-CP ngày 11/02/1980 của HĐCP về việc đưa công nhân và cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn tại các nước xã hội chủ nghĩa [185, 3-4]....

* Tài liệu về tình hình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

Tình hình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được phản ánh qua các văn bản như: Báo cáo tổng kết lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ chính quyền cơ sở của các Trường Hành chính các tỉnh [215]...

Đề cập đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong Phông còn có những tài liệu của Đảng như: Chỉ thị số 10-CT-TW ngày 21/5/1977 về việc điều động, đào tạo và bồi dưỡng số cán bộ quân đội chuyển ra tăng cường cho các huyện.

Chỉ thị số 422/TTg ngày 15/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lí và công chức Nhà nước đã nêu rõ: “Tình hình đất nước đang mở rộng các mối quan hệ quốc tế, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lí và công chức Nhà nước phải tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, tiếp thu những kinh nghiệm về quản lí kinh tế hiện đại, thông thạo với cơ chế thị trường và các mối quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm sắp tới, mối quan hệ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tiếp xúc với cá nhân người nước ngoài sẽ ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến hơn. Yêu cầu bức bách đặt ra là cán bộ ở tất cả các cấp đều phải biết ngoại ngữ để trực tiếp giao dịch, làm việc với người nước ngoài và để có điều kiện tiếp tục học tập, nghiên cứu” [217, 1].

Bản Chỉ thị trên cũng nêu các công việc cụ thể mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải làm, ví dụ như:

- Có chính sách khuyến khích và quy thành trách nhiệm đối với tất cả các cán bộ quản lí và công chức Nhà nước, đặc biệt là đối với cán bộ quản lí trung - cao cấp, cán bộ trẻ dưới 45 tuổi ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đều phải học tập ngoại ngữ để nâng cao hơn nữa trình độ của mình trên mức hiện có, phấn đấu đến hết năm 1997, có thể sử dụng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) để tự giao dịch và nghiên cứu tài liệu trong phạm vi chuyên môn của mình.

- Đối với cán bộ từ cấp Thứ trưởng trở xuống dưới 45 tuổi, làm việc tại các cơ quan có chức năng đối ngoại và kinh tế đối ngoại, việc sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng (chủ yếu là tiếng Anh) là yêu cầu bắt buộc, được coi là một tiêu chuẩn và là điều kiện để xem xét đề bạt, nâng ngạch, cử đi công tác nước ngoài.

- Cán bộ quản lí và công chức Nhà nước được sử dụng một phần thời gian hợp lí trong giờ hành chính để học ngoại ngữ. Một số cán bộ cao cấp ở các ngành có liên quan đến giao dịch quốc tế cần được bồi dưỡng tập trung về ngoại ngữ…[217, 1-2].

Công tác bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở cũng là một vấn đề được quan tâm, là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ chính quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, đồng thời đảm bảo cho chính quyền cơ sở quản lí xã hội, quản lí kinh tế có hiệu quả.

Quán triệt tinh thần đó, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều cán bộ được cử đi bồi dưỡng tại Trường Hành chính và được tạo mọi điều kiện để cán bộ yên tâm đi học. Vấn đề này được phản ánh qua một số văn bản của UBND các tỉnh. Chẳng hạn, Báo cáo số 798 BC ngày 06/6/1982 của Ban Tổ chức tỉnh Bắc Thái về kết quả lớp bồi dưỡng các chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, phường [215, 18], Chỉ thị số 36/CT-UB ngày 11/6/1982 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh về việc khẩn trương đẩy mạnh công tác bồi dưỡng,

huấn luyện đại biểu HĐND huyện, xã và cấp tương đương và thành viên UBND xã nhiệm kì năm 1981 đến 1983 [216, 9], Chỉ thị số 46 UB/TC ngày 29/7/1982 của UBND tỉnh Phú Khánh về công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ quản lí Nhà nước ở cơ sở và củng cố Trường Hành chính tỉnh [216, 11], Chỉ thị số 71/UB ngày 07/10/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên về việc củng cố Trường Hành chính và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở [216, 6].

Bản Chỉ thị 71/UB ngày 07/10/1982 cho thấy, Trường Hành chính đã cố gắng bồi dưỡng được 1.514 cán bộ, gồm 625 cán bộ UBND xã, phường, thị trấn; 144 nhân viên văn phòng UBND xã; 63 cán bộ tăng cường xã biên giới; 33 cán bộ trưởng, phó phòng các ty, ban; 385 đại biểu HĐND huyện, thị xã, 105 đại biểu HĐND phường; 195 cán bộ khác. Đây là một sự cố gắng của các huyện, thị xã và Trường Hành chính [216, 6]. Chỉ thị đề cập đến những công việc phải thực hiện và nêu cụ thể các đối tượng bồi dưỡng quản lí Nhà nước ở cấp cơ sở, chẳng hạn: thành viên trong UBND cấp cơ sở; nhân viên nghiệp vụ hành chính ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan quản lí Nhà nước cấp huyện, thị xã và tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh ở cơ sở, đại biểu HĐND huyện, thị xã, ... [216, 7].

Chỉ thị còn nhấn mạnh: “Từ nay, nhất thiết các cán bộ chủ chốt trong UBND xã, phường, thị trấn đều phải qua Trường Hành chính dự lớp bồi dưỡng” [216, 7].

Bên cạnh nhóm tài liệu đã giới thiệu ở trên, trong Phông Lưu trữ này còn có những tài liệu khác mà một phần nội dung của chúng cũng đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Ví dụ: Báo cáo số 68/TCCP ngày 2/4/1988 của Ban Tổ chức của Chính phủ về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lí Nhà nước năm 1987 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1988 phản ánh về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí Nhà nước như sau:

Trong nhiệm kì 1987-1989, thành phần ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và tương đương có nhiều thay đổi, trên dưới 50% số người mới được bầu.

Số người chưa được bồi dưỡng về quản lí Nhà nước ở ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương còn tới 83%, trong đó chủ tịch 77%, phó chủ tịch 80%, ủy viên thư kí 52%. Số người chưa được bồi dưỡng về quản lí Nhà nước ở ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương còn tới 82%, trong đó chủ tịch 51%, phó chủ tịch 66%, ủy viên thư kí 67%. Ở cấp xã và tương đương, con số này lên đến 70% trong đó chủ tịch 56%, phó chủ tịch 65%, ủy viên thư kí 62%. Tính đến hết nhiệm kì, chỉ tính bộ phận thường trực uỷ ban nhân dân cấp xã và tương đương, mỗi tỉnh còn từ 1.000 đến 1.200 cần được bồi dưỡng ở trường hành chính tỉnh.

Ở các ngành trung ương thì số cán bộ đã được bồi dưỡng ở Trường Hành chính Trung ương, chủ yếu là cấp vụ và chuyên viên; còn bộ trưởng và thứ trưởng hầu hết chưa học [64, 9].

Báo cáo khẳng định công tác bồi dưỡng kiến thức quản lí Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết.

Báo cáo cũng đặt ra yêu cầu trường hành chính tỉnh, thành phố cần có kế hoạch để mở lớp và áp dụng các hình thức học tập thích hợp để số cán bộ trên được đi học về quản lí Nhà nước [64, 10].

Một phần của tài liệu Nguồn tài liệu về tổ chức cán bộ và lao động tiền lương trong phông lưu trữ ban tổ chức cán bộ chính phủ ( 1973 1994 ) bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)