THỬ NGHIỆM TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 138 - 143)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.4.THỬ NGHIỆM TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC

Diamicron MR 30 mg là thuốc chứa gliclazid 30 mg PTKD xuất hiện đầu tiên trên thị trường thế giới, có nguồn gốc Châu Âu (Pháp), đã được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam, ... nên được chọn làm thuốc đối chiếu cho sản phẩm nghiên cứu Gliclazid SR 30 mg.

Trước khi tiến hành đánh giá TĐSH, đề tài đã so sánh độ hòa tan của hai chế phẩm đối chiếu và thử nghiệm trong 3 môi trường có pH 1,2; 4,5 và 6,8. Các số liệu về độ hòa tan của viên Gliclazid SR 30 mg và viên Diamicron MR 30 mg trong 3 môi trường đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đã nêu trong mục 1.2.3. Kết

quả đánh giá tính tương tự trong biểu đồ hòa tan của viên Gliclazid SR 30 mg và Diamicron MR 30 mg (các giá trị f2 đều > 50) cho phép kết luận rằng có sự tương tự trong tốc độ phóng thích hoạt chất in vitro giữa hai chế phẩm.

Các nghiên cứu TĐSH của viên gliclazid 80 mg phóng thích tức thời đã được công bố khá nhiều [62], [98], [105], [114]. Tuy nhiên, đối với viên gliclazid 30 mg PTKD thì ngoài các nghiên cứu của hãng dược phẩm Servier trên sản phẩm Diamicron MR 30 mg, chỉ mới thấy nghiên cứu của Yang và cộng sự [156] tiến hành trên người tình nguyện Trung Quốc vào năm 2006.

Nghiên cứu TĐSH của viên Gliclazid SR 30 mg so với viên đối chiếu Diamicron MR 30 mg được tiến hành trên 24 NTN là các nam sinh viên thuộc khoa Dược, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi đã được xét nghiệm và đạt các chỉ số sinh hóa bình thường, 24 NTN được phổ biến nội dung, yêu cầu thử nghiệm và đã đồng ý ký tên vào Phiếu chấp thuận tham gia thử nghiệm. Có thể nói đây là thử nghiệm TĐSH của dạng viên PTKD đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành theo những yêu cầu chính thức và cơ bản nhất trong các văn bản hướng dẫn của các nước phát triển [28], [50], [137] trong tình hình chưa có văn bản chính thức của Bộ Y tế Việt Nam. Đề cương nghiên cứu và các tài liệu liên quan đã được xem xét và phê duyệt bởi Hội Đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học thuộc Viện Kiểm Nghiệm Thuốc Tp. HCM ngày 4 tháng 5 năm 2007. Đề tài đã được tổ chức lấy mẫu máu và bảo quản mẫu huyết tương tại phòng Nghiên cứu TĐSH thuộc Viện Kiểm nghiệm Thuốc Tp. HCM, là đơn vị tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức nghiên cứu các đề tài về TĐSH ở khu vực phía Nam. Việc định lượng mẫu được thực hiện tại phòng Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP của công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam.

Thông thường, thời gian lấy mẫu trong một nghiên cứu TĐSH sẽ tùy thuộc vào thời gian bán thải của hoạt chất (≥ 3 lần t1/2). Đối với gliclazid, các nghiên cứu TĐSH thường kéo dài từ 24-72 giờ, phổ biến là khoảng 48 giờ. Với dạng thuốc PTKD, thời gian nghiên cứu sẽ có thể kéo dài hơn nhưng các hướng dẫn đều đề nghị không nên quá 72 giờ [28]. Đề tài đã chọn khoảng thời gian 48 giờ với 13 lần lấy mẫu (kể cả thời điểm trước khi uống thuốc) nhằm đảm bảo xác định hợp lý nồng độ thuốc trong máu theo thời gian theo quy định hiện hành [137].

Khi nghiên cứu TĐSH dạng thuốc PTKD, các hướng dẫn cũng chỉ yêu cầu thực hiện kiểu thiết kế đơn liều vì kiểu thiết kế đa liều tuy phù hợp với thực tế điều trị nhưng không phản ánh đầy đủ các thông tin dược động học [28]. Thông thường, 1 viên thuốc với liều cao nhất sẽ được dùng. Tuy nhiên, đề tài này đã cho NTN sử dụng liều 2 viên (thuốc thử hoặc thuốc đối chiếu) vì tổng liều (60 mg) vẫn nằm trong giới hạn liều cho phép (30-120 mg). Điều này bắt nguồn từ điều kiện định lượng gliclazid trong huyết tương: giới hạn định lượng 0,1 μg/ ml, hệ thống lấy mẫu tự động. Đề tài nghiên cứu của Yang [156] cũng thực hiện trong điều kiện tương tự.

24 NTN đã tham gia đầy đủ cả hai giai đoạn thử nghiệm, uống thuốc và lấy mẫu máu theo đúng quy trình thiết kế. Viên Gliclazid SR 30 mg và Diamicron MR 30 mg đã thể hiện tính dung nạp tốt khi không có bất cứ tác dụng ngoại ý nào xảy ra cho NTN trong suốt hai đợt thử nghiệm và sau khi kết thúc hai tuần.

Từ nồng độ gliclazid trong huyết tương của 24 NTN sau khi uống thuốc thuốc thử nghiệm Gliclazid 30 SR và thuốc đối chiếu Diamicron MR 30 mg, phần mềm Phasolpro BE đã giúp xác định nhanh chóng các thông số dược động học như Cmax , AUC0-48 , AUC0-∞ , Tmax (giờ), t1/2 , Ke. Đồng thời phần mềm cũng giúp

thiết lập đường biểu diễn nồng độ hai thuốc trên từng NTN, nồng độ trung bình của thuốc thử và thuốc đối chiếu trên 24 NTN. Các đường biểu diễn nồng độ hai thuốc trên từng NTN cho thấy có sự dao động khá lớn nồng độ Gliclazid SR và nồng độ Diamicron MR tại từng thời điểm, đặc biệt trên các NTN có số thứ tự 3, 4, 8, 11, 12, 15 ,21 (Phụ lục 7). Sự dao động nồng độ này là một điều không tránh khỏi, dù đã cố gắng kiểm soát tất cả các yếu tố khách quan như thức ăn- uống, giờ sinh hoạt….Điều này thể hiện rõ hơn khi phân tích các yếu tố ảnh hưởng trong hầu hết các nghiên cứu TĐSH, yếu tố người dùng thuốc luôn có ảnh hưởng.

Kết quả phân tích phương sai hai yếu tố không lặp lại cho thấy các thông số dược động học trung bình của hai thuốc thử nghiệm và đối chiếu không khác nhau về mặt thống kê (p > 0,05). Diện tích dưới đường cong nồng độ thuốc trong máu theo thời gian từ 0 đến 48 giờ của thuốc thử và thuốc đối chiếu lần lượt là 48,573 ± 11,768 (μg/ ml.giờ) và 52,565 ± 11,038 (μg/ ml.giờ). Nồng độ đỉnh của viên Gliclazid SR là 3,160 ± 1,36 (μg/ ml) không khác biệt có ý nghĩa với nồng độ 3,371 ± 0,581 (μg/ ml) của viên Diamicron MR. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trung bình của Gliclazid SR sớm hơn gần 1 giờ so với Diamicron MR. Điều này có thể giải thích là do cơ chế phóng thích hoạt chất khác nhau của hai chế phẩm, tuy nhiên không hề ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của hai thuốc.

Nghiên cứu này đã được thiết kế theo mô hình chéo, ngẫu nhiên, đơn liều, ở tình trạng đói. Theo như quy định của FDA về nghiên cứu TĐSH dạng viên PTKD [137], một nghiên cứu ngẫu nhiên, đơn liều, dưới ảnh hưởng của thức ăn phải được tiến hành song song với nghiên cứu này. Tuy nhiên, các tài liệu có được [44], [45] đều cho thấy rằng thức ăn không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến

các thông số dược động học của thuốc. Do vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn trên chế phẩm gliclazid PTKD generic có thể được bỏ qua. Sinh khả dụng tương đối của thuốc thử nghiệm so với thuốc đối chiếu là 94,2%. AUC0-48 của từng thuốc trên 24 NTN đều lớn hơn 80% AUC0-∞ nên không cần phải thực hiện việc cho liều lặp lại. Các thông số dược động học của Gliclazid SR và Diamicron MR xác định trên 24 NTN Việt Nam này cũng thống nhất với các nghiên cứu đã từng được công bố gần đây [45], [156]. Điều này một lần nữa khẳng định tác dụng của hoạt chất gliclazid là không khác biệt nhiều trên các chủng tộc người khác nhau.

Hai phương pháp khảo sát các yếu tố ảnh hưởng là phân tích phương sai và trắc nghiệm t đã được sử dụng trong đề tài này. Không có sự khác biệt trong kết quả đánh giá được đưa ra, tuy nhiên trắc nghiệm t không cho phép người sử dụng khảo sát được ảnh hưởng của người dùng thuốc. Trong các thông số dược động học được khảo sát, AUC là thông số được quan tâm nhất vì thể hiện rõ mức độ hấp thu của thuốc vào trong cơ thể. Theo nguyên tắc, chỉ có yếu tố người dùng thuốc là nên có ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm TĐSH. Tuy nhiên, trong đề tài này, yếu tố giai đoạn đã có ảnh hưởng nhất định đến kết quả thử nghiệm khi đánh giá dựa trên thông số Cmax. Sự ảnh hưởng này, tuy không quan trọng vì đây là dạng thuốc PTKD, nhưng cũng là một điểm cần lưu ý khi thiết kế nghiên cứu TĐSH. Ảnh hưởng của giai đoạn thử nghiệm lên giá trị Cmax có thể từ hai lý do: − Số lượng NTN chưa đủ

− Do hạn chế và điều kiện thử nghiệm nên không thể kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của NTN trong giai đoạn nghỉ 7 ngày giữa hai đợt uống thuốc.

Kết quả so sánh TĐSH trung bình giữa thuốc thử và thuốc đối chiếu bằng trắc nghiệm t một bên kép đã chứng minh viên Gliclazid SR 30 mg tương đương sinh học với viên Diamicron MR 30 mg theo các yêu cầu hiện hành: các giá trị AUC0-∞ và Cmax của viên Gliclazid SR 30 mg lần lượt bằng 89,72-110,28%, 92,29 -108,31% giá trị tương ứng của viên Diamicron MR 30 mg.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 138 - 143)