VIÊN CHỨA GLICLAZID PHÓNG THÍCH KÉO DÀ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 30 - 32)

Trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2, đường huyết có một nhịp ngày đêm đặc trưng qua thời gian 24 giờ. Nồng độ đường huyết trong thời gian ăn uống ban ngày cao hơn so với thời gian nhịn đói ban đêm. Do đó, các thuốc trị ĐTĐ týp 2 khi được thiết kế dưới dạng PTKD sẽ giúp duy trì nồng độ đường huyết theo nhịp ngày đêm, đồng thời cải thiện sự tuân trị của bệnh nhân. Cho đến nay chỉ mới có ba hoạt chất trị ĐTĐ týp 2 được điều chế dạng PTKD là glipizid, metformin và gliclazid [22], [76], [147].

Chế phẩm Diamicron MR 30 mg của hãng Servier (Pháp) là dạng bào chế chứa 30 mg gliclazid PTKD đầu tiên trên thị trường thế giới. Đây là một dạng bào chế có cấu trúc dạng khung xốp, kiểm soát sự phóng thích hoạt chất dựa trên sự phối hợp giữa hai loại polymer thân nước có độ nhớt khác nhau với maltodextrin do Huet De Barochez và cộng sự sáng chế năm 2004 [67]. Quy trình điều chế như sau: trộn đều gliclazid, maltodextrin và canxi hydrophosphat, xát hạt ướt với dung môi là nước; cốm được trộn với HPMC và tá dược trơn bóng rồi dập viên với độ cứng 60-100 N. Chế phẩm này đã được nghiên cứu khá kỹ về dược lý và dược động học dựa trên nhiều nghiên cứu lâm sàng tại nhiều địa điểm trên thế giới:

- Viên chứa gliclazid PTKD là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính chất dược lý và dạng bào chế để có thể đảm bảo tính tuân thủ trị liệu cho bệnh nhân mà vẫn kiểm soát hiệu quả đường huyết [42], [66].

- Delrata và cộng sự cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa trong các dữ liệu dược động học (tmax, t1/2 và AUC) của gliclazid sau khi uống viên gliclazid 30 mg PTKD ở trạng thái no và đói. Nói cách khác, gliclazid được hấp thu hoàn toàn trong tình trạng đói cũng như no [45].

- Khi nghiên cứu mối liên quan giữa dược động học và dược lực học của gliclazid dạng PTKD trên một dân số lớn người bệnh ĐTĐ týp 2, Frey và cộng sự kết luận rằng biến thiên nội thể phần lớn có liên quan đến tình trạng bệnh tật; tính biến thiên nội thể (intrasubject variability) thấp (16%) và tính biến thiên giữa các cá thể (intersubject variability) ở mức trung bình (41%). Kết quả này nhấn mạnh thêm việc trong lâm sàng, người ta cho tăng liều gliclazid PTKD tương ứng với đáp ứng trị liệu để có thể đạt được sự kiểm soát đường huyết hiệu quả [59].

- Theo một nghiên cứu đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên của McGavin và cộng sự [91], gliclazid dạng PTKD (liều từ 30-120 mg, dùng 1 lần trong ngày) cho hiệu quả tương tự với gliclazid dạng phóng thích tức thời (liều 80-320 mg/ ngày) sau 10 tháng điều trị.

- Drouin và cộng sự [48] sau 2 năm nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đã nhận thấy rằng việc sử dụng gliclazid PTKD một mình hay kết hợp với thuốc khác trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đã cải thiện đáng kể đường huyết ở mức độ dung nạp tốt, đặc biệt trên người già và trên người bị thiểu năng thận.

Không chỉ được nghiên cứu lâm sàng tại các nước phát triển, gliclazid dạng PTKD cũng đã được đánh giá tác dụng lâm sàng tại Ấn Độ [110], Trung Quốc

[90]. Một số quốc gia đang phát triển cũng bắt đầu nghiên cứu dạng bào chế này và tiến hành đánh giá TĐSH so với Diamiron MR 30 mg [156].

Liều gliclazid dạng PTKD khởi đầu được khuyến cáo là 30 mg/ ngày vào bữa ăn sáng. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt, liều này có thể sử dụng duy trì. Ngược lại, liều dùng có thể tăng lên từng bước một đến 60, 90, hay 120 mg mỗi ngày. Khoảng cách mỗi lần tăng liều ít nhất là 1 tháng trừ khi đường huyết không giảm sau hai tuần điều trị. Liều tối đa mỗi ngày là 120 mg [133].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)