KIỂM NGHIỆM SẢN PHẨM VÀ THẨM ĐỊNH QUY TRÌNH ĐỊNH LƯỢNG GLICLAZID

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 131 - 137)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1. KIỂM NGHIỆM SẢN PHẨM VÀ THẨM ĐỊNH QUY TRÌNH ĐỊNH LƯỢNG GLICLAZID

TRÌNH ĐỊNH LƯỢNG GLICLAZID

Mặc dù hoạt chất gliclazid được đưa vào sử dụng điều trị ĐTĐ týp 2 từ khá lâu nhưng cho đến hiện nay, chuyên luận viên gliclazid 80 mg phóng thích tức thời chỉ được tìm thấy trong Dược điển Anh [24] và dược điển Châu Âu [52]. Tiêu chuẩn kiểm nghiệm viên gliclazid 30 mg PTKD chưa từng được đưa vào bất cứ dược điển nào cho đến thời điểm này. Các tiêu chuẩn kiểm nghiệm sản phẩm Gliclazid SR 30 mg trong đề tài này được xây dựng chỉ dựa trên một phần nhỏ chuyên luận của viên gliclazid phóng thích tức thời (phần định tính bằng phổ IR). Phương pháp định lượng hoạt chất gliclazid trong chế phẩm bằng HPLC đã được đơn giản hóa rất nhiều cho phù hợp với điều kiện hiện có và để có thể sử dụng điều kiện sắc ký này cho phần định lượng gliclazid trong huyết tương: dung môi để pha mẫu được thay thế bằng chính pha động, pha động được điều chỉnh đến pH 3. Điều kiện và tiêu chuẩn của độ hòa tan được xây dựng hoàn toàn mới dựa trên các yêu cầu chung của một dạng bào chế PTKD [140] và các nghiên cứu về Diamicron MR 30 mg được công bố [67]. Cụ thể là các môi trường pH 1,2 và pH 6,8 đã được chọn thử nghiệm trong 12 giờ để phù hợp hơn với pH sinh lý hệ tràng vị khi viên được uống thay vì chỉ thử nghiệm trên một môi trường duy nhất pH 7,4.

Phương pháp định lượng gliclazid trong chế phẩm bằng phương pháp HPLC, định lượng gliclazid hòa tan bằng phương pháp đo UV đã được xây dựng và đạt các

yêu cầu thẩm định đề ra (độ tuyến tính, độ đúng, độ chính xác) [71]. Các phương pháp trên đạt độ tin cậy cao mà lại đơn giản nên rất phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất dùng trong kiểm nghiệm tại các xí nghiệp dược trong nước. Tiêu chuẩn cơ sở kiểm nghiệm của viên Gliclazid SR 30 mg đã được thẩm tra bởi Viện kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh. Viên Gliclazid đã được kiểm nghiệm toàn diện và đạt tất cả các chỉ tiêu: cảm quan, định tính, độ đồng đều khối lượng, độ hòa tan và hàm lượng gliclazid (Phụ lục 4). Quy trình kiểm nghiệm này cũng đã được thử nghiệm tại phòng Kiểm nghiệm sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Đồng Tháp (DOMESCO) là đơn vị sẽ tiếp nhận và triển khai đề tài (Phụ lục 5).

Phương pháp định lượng gliclazid trong huyết tương hoặc huyết thanh đã được mô tả khá chi tiết trong các công trình công bố được nêu trong Bảng 1.1. Nguyên tắc chính là tách gliclazid từ dịch sinh học bằng cách dùng dung môi hoặc dùng kỹ thuật chiết tách qua pha rắn, sau đó định lượng bằng HPLC pha đảo với bộ phận phát hiện bằng UV. Từ phương pháp của Park và cộng sự [105], đề tài này đã tiến hành nghiên cứu thay đổi dung môi chiết, cách chiết cũng như tỷ lệ pha động (acetonitril-nước) cho phù hợp để định lượng mẫu gliclazid trong huyết tương. Phương pháp chiết gliclazid từ huyết tương bằng lượng acetonitril thích hợp đã cho kết quả nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được nhiều công sức so với các cách chiết qua nhiều hệ dung môi khác nhau. Phương pháp định lượng đã được thẩm định và đều đạt các yêu cầu của FDA dành cho phân tích mẫu sinh học [135]: độ chọn lọc, độ tuyến tính, độ đúng, độ chính xác trong ngày và liên ngày, giới hạn định lượng, độ ổn định của mẫu trong các điều kiện khác nhau. Với giới hạn định lượng 0,1 μg/ ml và độ tuyến tính trong khoảng 0,1-6 μg/ ml, phương pháp này đáp ứng được các điều kiện làm việc và trang thiết bị thực tế

của đề tài, trong đó có việc phải định lượng 624 mẫu huyết tương bằng phương pháp HPLC với hệ thống lấy mẫu tự động trong thời gian khoảng 30 ngày.

4.2. NGHIÊN CỨU BÀO CHẾ VIÊN GLICLAZID SR 30 MG VỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA MÁY TÍNH VỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA MÁY TÍNH

Dạng viên nén PTKD mang lại nhiều thuận lợi cho việc kiểm soát hiệu quả nồng độ thuốc trong máu cũng như góp phần cải thiện sự tuân trị của bệnh nhân. Tuy nhiên đây lại là dạng bào chế phức tạp, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng loại và tỷ lệ các thành phần trong trong công thức để đạt yêu cầu về độ hòa tan tại các thời điểm xác định. Mặc dù dạng viên nén PTKD tuy đã được tiến hành nghiên cứu trong nước từ vài năm nay nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện chế phẩm viên nén chứa 30 mg gliclazid dạng PTKD dùng trong điều trị ĐTĐ týp 2.

Viên nén có cấu trúc khung xốp (sơ nước hay thân nước) luôn là lựa chọn hàng đầu khi nghiên cứu phát triển một thuốc generic PTKD do tính chất đơn giản nhưng hiệu quả. Như đã trình bày trong Bảng 1.2., các tá dược tạo khung xốp rất đa dạng với phương pháp điều chế linh hoạt tùy theo hệ tá dược và điều kiện trang thiết bị sẵn có: dập thẳng, xát hạt khô, xát hạt ướt, xát hạt nóng chảy, tạo hệ phân tán rắn… Tại Việt Nam, một số công trình nghiên cứu điều chế khung xốp đã được công bố như: viên nén chứa alfuzosin với khung xốp gồm dầu thầu dầu hydrogen hóa kết hợp HPMC và EC [6]; viên nén propanolol với hệ tá dược HPMC kết hợp Eudragit L100 [9]; viên nén indomethacin với khung xốp tạo thành từ gôm xanthan và dicalciphosphat [1].

Đề tài này đã chọn phương pháp đơn giản và kinh tế nhất để điều chế viên Gliclazid SR 30 mg là phối hợp các polymer cùng với các tá dược tạo viên khác (lactose, dicalcium phosphat dibasic, cellulose vi tinh thể…) bằng phương pháp dập viên trực tiếp. Phương pháp này rất phù hợp với hướng nghiên cứu theo kiểu thiết kế các mô hình thực nghiệm công thức.

Kết quả thăm dò thành phần công thức của hệ tá dược S cho thấy polymer A (sơ nước) có thể làm chậm một cách đáng kể sự phóng thích gliclazid. Muốn cải thiện đường cong độ hòa tan theo thời gian thì nên phối hợp với polymer B (thân nước). Kết quả này cũng xác nhận thêm kết luận của các công trình nghiên cứu của Amaral và cộng sự [15], Sako và cộng sự [119] rằng ngoài polymer, thành phần tá dược độn (cụ thể ở đây là Di-TAB) có ảnh hưởng nhất định đến sự phóng thích hoạt chất từ viên nén có cấu trúc khung xốp.

Kết quả thăm dò hai polymer I và polymer II trong hệ công thức T cho thấy hai tá dược này đều có khả năng kiểm soát tốc độ phóng thích gliclazid theo yêu cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng polymer I thì độ hòa tan đạt được nằm sát giới hạn mong muốn. Trong khi đó, cần phải sử dụng một tỷ lệ khá lớn polymer II (31-60%) mới đạt được độ hòa tan cần thiết. Do vậy, để đảm bảo luôn đạt yêu cầu về độ hòa tan cũng như về tính kinh tế thì cần phải phối hợp của hai polymer trên. Kết quả thực nghiệm với công thức tối ưu đã cho thấy nhận định trên là chính xác vì tổng lượng cả hai polymer sử dụng chỉ chiếm khoảng 17%.

Mặc dù không có sự thay đổi về hình thức cảm quan và hàm lượng hoạt chất, viên Gliclazid SR 30 mg với hệ tá dược S đã không ổn định về độ hòa tan ở điều kiện nhiệt độ 30 oC, độ ẩm 75%. Trong khi đó, hệ tá dược T là sự kết hợp của

hai polymer I và II (đều thân nước) với tỷ lệ phù hợp cũng cho tác dụng phóng thích gliclazid kéo dài tương tự hệ tá dược S nhưng độ hòa tan ổn định hơn hẳn. Do đó, hệ tá dược T đã được lựa chọn cho các nghiên cứu tiếp theo sau.

Trong công thức với hệ tá dược T, ngoài hoạt chất gliclazid và hai polymer tạo khung, còn có sự tham gia của tá dược trơn bóng (Aerosil, magnesi stearat) và tá dược độn (cellulose vi tinh thể). Lượng polymer I (x1) và polymer II (x2) hiển nhiên được lựa chọn làm biến số đầu vào trong mô hình công thức thực nghiệm. Aerosil là tên thương mại của silic keo khan vốn thường được biết đến với chức năng là một tá dược chống dính trong quá trình dập viên. Do cần có đủ 3 biến số để có thể thiết lập mô hình yếu tố đặc biệt D-Optimal nên lượng Aerosil được chọn là một đầu vào cho mô hình công thức (x3). Các biến số đầu ra (tính chất sản phẩm) bao gồm độ hòa tan tại các thời điểm sau 1, 2, 3, 6, 12 giờ cùng với độ phân tán khối lượng viên (y1-y6). 3 biến số đầu vào (thành phần công thức) với các mức giá trị khác nhau được phần mềm Design-Expert v6.06 thiết kế thành mô hình gồm 14 công thức. Để đảm bảo đánh giá đúng ảnh hưởng của các thành phần công thức lên tính chất sản phẩm, cả 14 công thức đều được điều chế và kiểm nghiệm trong cùng điều kiện.

Từ dữ liệu thực nghiệm (bào chế và kiểm nghiệm), phần mềm thông minh FormRules bằng công cụ logic mờ- thần kinh đã giúp đánh giá mối liên quan nhân quả giữa lượng polymer I, polymer II, Aerosil với độ hòa tan tại các thời điểm và độ đồng đều khối lượng viên. FormRules đã xác định lượng Aerosil trong công thức (chiếm tỷ lệ 0,2-0,5% khối lượng/ khối lượng) không có ảnh hưởng đến độ hòa tan và độ phân tán khối lượng viên.

Phần mềm thông minh INForm đã được sử dụng để tiến hành tối ưu hóa thành phần công thức viên Gliclazid SR 30 mg. Như vậy, chỉ còn có hai biến số x1 (lượng polymer I) và x2 (lượng polymer II) được dùng để tối ưu hóa do biến số x3 được xác định là không có ảnh hưởng nên không được sử dụng. Phần mềm INForm đã cho ra công thức tối ưu của viên Gliclazid SR 30 mg với hệ tá dược gồm 22,04 mg polymer I; 4,54 mg polymer II; 0,6 mg Aerosil và lượng cellulose vi tinh thể vừa đủ cho viên có khối lượng 160 mg. Lượng Aerosil được chọn là 0,6 mg là kết quả lấy trung bình từ lượng Aerosil đã được sử dụng trong 14 công thức thực nghiệm do kết quả kiểm nghiệm độ đồng đều khối lượng viên của cả 14 công thức đều đạt yêu cầu độ phân tán CV < 2%. Công thức tối ưu này đạt độ hòa tan theo thiết kế tại các thời điểm sau 1, 2, 3, 6 và 12 giờ. Tính lặp lại của công thức tối ưu đã được xác nhận thông qua việc điều chế hai lô kiểm chứng với độ hòa tan tương tự nhau. Đường cong biểu diễn độ hòa tan của công thức tối ưu được đánh giá là tương tự với viên đối chiếu (Diamicron MR 30 mg) thông qua giá trị của yếu tố tương tự > 50 (f2 = 65,19). Ngoài các thông số tối ưu nêu trên, phần mềm thông minh INForm cũng ước tính các giới hạn trên/ dưới của lượng polymer I và polymer II, đồng thời cũng dự đoán một số tình huống xấu nếu các lượng này vượt quá các giới hạn tối thiểu và giới hạn tối đa của thông số tối ưu. Điều này sẽ giúp ích cho công tác nâng cấp quy mô điều chế viên Gliclazid SR 30 mg từ quy mô phòng thí nghiệm lên quy mô pilot về sau.

Công thức lô pilot (quy mô 30.000 viên) của viên Gliclazid SR 30 mg được xây dựng dựa trên nền tảng là công thức tối ưu với hệ tá dược T ở quy mô phòng thí nghiệm. Quy trình sản xuất viên ở quy mô pilot vẫn bằng phương pháp dập thẳng sau khi đã phối hợp hoạt chất cùng các tá dược khác. Yêu cầu được đề ra là phải kiểm soát các thông số sản xuất sao cho sản phẩm vẫn giữ nguyên tính

chất từ công thức tối ưu ở quy mô phòng thí nghiệm. Đề tài đã tiến hành sản xuất 3 lô pilot liên tiếp nhau. Kết quả kiểm nghiệm của 3 lô pilot trên về cảm quan, hàm lượng, độ hòa tan chứng tỏ việc nâng cấp quy mô sản xuất từ phòng thí nghiệm lên pilot đạt yêu cầu đề ra: tính chất sản phẩm có tính lặp lại. Kết quả so sánh tính chất của sản phẩm quy mô phòng thí nghiệm và sản phẩm quy mô pilot cho thấy không có sự khác biệt đáng kể. Sản phẩm từ các lô pilot được ép vỉ Alu-PVC để tham gia vào các thử nghiệm đánh giá độ ổn định và TĐSH.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bào chế viên gliclazid 30 mg phóng thích kéo dài với sự trợ giúp của máy tính (Trang 131 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)