Phương pháp mô phỏng trong dạy học là phương pháp nhận thức thế giới thực thông qua nghiên cứu mô hình của đối tượng mà ta quan tâm, đây là phương pháp dạy học có hiệu quả cao về nhiều mặt, như trực quan, sinh động, gây hứng thú học tập và nghiên cứu, phát huy tư duy sáng tạo...
Nói một cách khác, dạy học theo phương pháp mô phỏng có nghĩa là dạy học trên mô hình được mô hình hóa vật thể hoặc quá trình hoạt động thật để qua đó, học
sinh tương tác, tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên. Bởi vậy, xây dựng được mô hình mô phỏng hợp lý, có hiệu nghiệm để dạy học có chất lượng và hiệu quả là một bước đặc biệt quan trọng trong dạy học theo phương pháp mô phỏng.
Mô phỏng trong dạy học là quá trình dạy học có thực nghiệm quan sát được và điều khiển được trên mô hình, vì thế phương pháp mô phỏng cũng có tên gọi tương ứng theo mô hình được sử dụng như: Mô phỏng hình học, mô phỏng tương
tự, mô phỏng số...Cùng một đối tượng tuỳ thuộc vào mục đích và điều kiện khảo
sát, có thể mô hình hoá dưới dạng khác nhau, vì thế có thể có nhiều cách mô phỏng khác nhau tương ứng.
Trong nhiều lĩnh vực, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp mô phỏng để nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm nên nó là phương pháp tổng quát của nhiều ngành khoa học khác nhau.
Đối với quá trình dạy học, phương pháp mô phỏng theo hướng chuyển hoá từ phương pháp nghiên cứu sang phương pháp dạy học đang và sẽ trở thành một trong các phương pháp dạy học có hiệu quả cao về nhiều mặt như trực quan, sinh động, gây hứng thú học tập và nghiên cứu, phát huy tư duy sáng tạo v.v…
Để việc mô hình hoá đạt hiệu quả, cần lưu ý một số nguyên tắc khi xây dựng mô hình mô phỏng:
- Bảo đảm tính đơn giản: Mô hình mô phỏng chỉ tương tự với đối tượng nghiên cứu ở một số mặt nào đấy nhằm phục vụ cho một mục đích chứ không phải nhiều mục đích. Vậy khi mô hình hoá, phải thực hiện các thao tác trừu tượng hoá, khái quát hoá, những thao tác này dẫn đến một sự đơn giản hoá lược bỏ bớt những chi tiết không cần thiết.
- Mô hình thay thế hợp thức đối tượng nghiên cứu: Có thể chuyển các kết quả nhận được nghiên cứu mô hình sang đối tượng nghiên cứu.
- Bảo đảm tính trực quan : Nguyên tắc này dễ thấy đối với mô hình thưc thể. Đối với mô hình khái niệm tính trực quan thể hiện ở chỗ có thể quan sát kết quả và làm thực nghiệm thay đổi tham số trên mô hình.