Là yếu tố cấu thành xã hội, là xã hội thu nhỏ, là môi trường gần gũi của học sinh, những yếu tố tích cực, tiêu cực hàng ngày hàng giờ tác động đến học sinh. Nhận thức hạn hẹp về mục đích học tập, trình độ giáo dục thấp, phương pháp giáo dục của cha mẹ không phù hợp với tâm lý của con cái, hoàn cảnh sống, nề nếp gia đình… gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Bên cạnh đó còn phải kể đến những tác động của xã hội đến gia đình và thông qua gia đình tác động đến học sinh, về mặt này có thể kể đến tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường gây phân hoá xã hội mạnh mẽ làm thay đổi sâu sắc định hướng giá trị của cha mẹ học sinh về việc học của con mình.
Mặt khác gia đình là chủ thể đầu tiên trong việc thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em. Pháp lệnh nhà nước quy định rõ: cha mẹ phải làm đầy đủ nghĩa vụ của mình là chăm sóc, giáo dục các con phát triển toàn diện, nhưng
ở nhiều gia đình khó khăn thì "lực bất tòng tâm", cho dù rất hiểu lợi ích của việc học tập, cho dù nhà nước quy định phổ cập bắt buộc và miễn phí, trên thực tế, chi phí cho một đứa con đi học là quá tốn kém. Hơn nữa, những gia đình khó khăn thường ít chú ý, chăm sóc và tạo điều kiện học tập cho con cái, bởi những lo toan kiếm sống trước mắt còn quan trọng hơn nhiều so với việc đầu tư cho con em học tập. Chỉ cần biết đọc biết viết để xoá mù, rồi làm việc giúp đỡ cha mẹ hoặc ra thành phố tìm cơ hội kiếm sống. Trong điều kiện kinh tế và việc làm hiện nay dưới con mắt của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì tương lai đầu ra của việc học tập không mấy lạc quan: học mấy rồi cũng quay về kiếm việc làm và sinh sống. Chính vì quan niệm như vậy, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thường ít học và bỏ học giữa chừng.
Với xu thế toàn cầu hoá như hiên nay, quy mô gia đình ngày càng thu nhỏ, gia đình một con ngày càng nhiều; chính vì có một con nên gia đình dành cho các em tất cả sự nuông chiều, và mặt trái của việc này là các em trở nên ích kỷ, kém ý chí, thiếu sự quyết đoán và thiếu lòng tin. Hậu quả của việc này là các em trở thành những kẻ khó giáo dục, dễ sa ngã vào cạm bẫy và tệ nạn, ham chơi, đua đòi… và cuối cùng là bỏ học.