- Nguyên tắc thỏa thuận.
Bản chất pháp lý của bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng nên việc giải quyết phải tuân theo nguyên tắc chung trong lĩnh vực dân sự, đó là nguyên tắc thỏa thuận. Khi xảy ra thiệt hại, các bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có thể tự thỏa thuận về hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, hoặc thực hiện một công việc nhất định, thỏa thuận về phương thức bồi thường.
- Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời thiệt hại
Khi có hành vi gây ô nhiễm môi trường dẫn đến thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức thì cũng có nghĩa là chủ thể của hành vi đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, việc bồi thường phải diễn ra nhanh chóng, kịp thời và phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra, để tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục được quyền lợi đã bị xâm phạm. Nguyên tắc này có ý nghĩa bảo vệ một cách tuyệt đối quyền lợi của người bị hại.
- Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Đây là nguyên tắc riêng trong lĩnh vực môi trường. Nguyên tắc này đã được tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chính thức công bố vào năm 1972. Theo nguyên tắc này, người gây ô nhiễm phải chịu mọi chi phí cho các biện pháp làm giảm ô nhiễm để đảm bảo cho môi trường ở trạng thái chấp nhận được, mặt khác phải BTTH cho các tổ chức và cá nhân phải chịu ô nhiễm.