Hậu quả của thiếu máu do thiếu sắt

Một phần của tài liệu Tổng hợp và xác định các đặc trưng của một số vật liệu sắt polysaccarit, hướng đến ứng dụng trong thực phẩm chức năng và dược phẩm (Trang 37 - 39)

1.4.3.1. Sự phát triển nhận thức

Trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, có rất nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa tình trạng sắt trong cơ thể và sự phát triển nhận thức đã được thực hiện. Thiếu sắt và các dưỡng chất khác thường xuất hiện ở những người có điều kiện sống khó khăn hoặc bị ảnh hưởng nhiều bởi stress. Nó ảnh hưởng tới thể trạng và sức khỏe, thậm chí còn phá hủy các mô. Mối liên hệ giữa IDA và sự chậm phát triển nhận thức và tình trạng đa bệnh đã được phát hiện [81].

Các thí nghiệm được tiến hành trên động vật cho thấy, sắt đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và hoạt động của bộ não. Các enzym chứa sắt và hemoprotein rất cần thiết trong nhiều quá trình phát triển quan trọng như tạo myelin, hình thành synapse, vận chuyển neuron. Thiếu sắt sẽ tác động tiêu cực đến các quá trình này theo nhiều cách, phụ thuộc vào sự phát triển của bộ não tại thời điểm thiếu sắt. Sự tác động này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh [99, 100].

Đối với con người, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào sự ảnh hưởng của IDA đến sự phát triển và hành vi của trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi. Trong nhiều nhiên cứu [1-3, 89-91] chỉ ra, IDA làm chậm phát triển nhận thức và ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.

23

1.4.3.2. Khả năng miễn dịch

Ảnh hưởng của IDA đến sự suy giảm khả năng miễn dịch đã được nghiên cứu trên người và động vật. IDA làm cho bạch cầu giảm khả năng hấp thụ và trung hòa vi khuẩn và giảm khả năng tái tạo. Khả năng phản kháng của các tế bào cũng giảm xuống cùng với IDA. Các biện pháp như bổ sung sắt, sử dụng thực phẩm giàu sắt được xác định là giảm các bệnh truyền nhiễm và qua đó đã khẳng định vai trò của sắt đối với khả năng miễn dịch [92, 93].

1.4.3.3. Khả năng làm việc

Thiếu máu từ lâu đã được biết là làm giảm khả năng làm việc, sự bền bỉ và sự sáng tạo [83]. Các nghiên cứu tại các nước đang phát triển ở Châu Phi và Đông Á cho thấy, có một mối liên hệ mật thiết giữa thiếu sắt và khả năng làm việc [92]. Nghiên cứu [93] cho thấy khi tăng nồng độ Hb lên 10 g/l sẽ gia tăng hiệu quả làm việc lên 14 %. Nghiên cứu [95] cũng chỉ ra, hiệu suất làm việc tăng lên khi các công nhân sản xuất chè và cao su được điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Ảnh hưởng của IDA đến khả năng làm việc là do giảm khả năng vận chuyển oxi và oxi hóa tế bào bởi sự thiếu sắt ở các mô [85, 87].

1.4.3.4. Khả năng sinh sản

Trong các nghiên cứu [86, 89], các tác giả chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tỉ lệ tử vong ở sản phụ với IDA. Các nghiên cứu [1, 86] cũng cho thấy, tỉ lệ này tăng lên với sự giảm của nồng độ Hb. Theo tác giả [94, 95], IDA có ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ mang thai như gây ra hiện tương thiếu oxi trong máu dẫn đến stress. Ở các sản phụ thiếu sắt, thai nhi thường nhẹ cân và chậm phát triển [1-3, 95].

1.4.3.5. Sự hấp thụ các kim loại nặng

Một hệ quả khác của IDA là làm tăng khả năng hấp thụ kim loại nặng, dẫn đến hiện tượng nhiễm độc các kim loại này. IDA có mối quan hệ mật thiết với khả năng hấp thụ kim loại nặng hóa trị II như Pb, Cd, Hg… từ môi trường. Nhiễm độc kim loại nặng ảnh hưởng rất mạnh đến trẻ nhỏ, do đó việc ngăn chặn IDA là rất quan trọng, đặc biệt là trong khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi kim loại nặng [89].

24

Một phần của tài liệu Tổng hợp và xác định các đặc trưng của một số vật liệu sắt polysaccarit, hướng đến ứng dụng trong thực phẩm chức năng và dược phẩm (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)