Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và 27 Ban chỉ đạo thi hành án cấp huyện

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 99 - 105)

27 Ban chỉ đạo thi hành án cấp huyện

Có thể nói, từ khi được thành lập, nhiều Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong tỉnh đã đi vào hoạt động có nề nếp, phát huy vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; hỗ trợ kinh phí, cấp đất xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án; đấu mối, phối hợp các ngành, các địa phương trong việc thi hành án dân sự; cho đường lối xử lý các vụ án khó khăn, phức tạp qua

đó làm cho kết quả công tác thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, khiếu kiện kéo dài đã được thi hành, xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động của một số Ban chỉ đạo thi hành án dân sự ở một số địa phương cấp huyện hoạt động còn hình thức, nội dung sơ sài, chạy theo những việc có tính sự vụ, bên cạnh đó các thành viên Ban chỉ đạo thi hành án dân sự chủ yếu là kiêm nhiệm, khi có sự luân chuyển, điều động, nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội không sớm được kiện toàn lại, thiếu kinh phí nên hoạt động còn có nhiều hạn chế.

Tới đây mặc dù Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự và công tác thi hành án dân sự sẽ có nhiều thuận lợi hơn, tuy nhiên vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự vẫn rất quan trọng vì trên thực tế công tác thi hành án vẫn là công tác khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương; hiệu quả công tác thi hành án dân sự so với yêu cầu nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch mà ngành Tư pháp đề ra chưa cao, đặc biệt là lượng án tồn đọng nhiều (đến tháng 9 năm 2008 là 6.251 việc, số tiền còn tồn đọng 64,7 tỷ đồng).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án công tác thi hành án trước hết về phía Cấp uỷ và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các Ban chỉ đạo thi hành án, kịp thời chấn chính hoạt động, lề lối làm việc của các Ban chỉ đạo. Tháo gỡ hoặc đề xuất với Trung ương những vướng mắc về cơ chế chính sách mà bản thân Uỷ ban nhân dân và ban Chỉ đạo thi hành án không tự làm được.

Uỷ ban nhân dân mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cần nhận thức việc thành lập Ban chỉ đạo thi hành án dân sự là hết sức cần thiết, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân mà trực tiếp là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo các qui định của pháp luật nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong chỉ đạo công tác thi hành án, khắc phục án tồn đọng, tạo sự đồng thuận, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Do đó, để Ban chỉ đạo thi hành án dân sự hoạt động thường xuyên, liên tục và có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đòi hỏi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm kiện toàn lại các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự ở cấp mình sau mỗi nhiệm kỳ hoặc khi có sự luân chuyển, điều động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo thi hành án dân sự.

Về phía Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh và các Ban chỉ đạo thi hành án cấp huyện cần nêu cao hơn nữa vai trò của mình trong việc chỉ đạo công tác thi hành án; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tham mưu cho cấp uỷ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức thi hành án, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án. Các thành viên Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với hoạt động của Ban chỉ đạo, tránh tình trạng hoạt động hình thức, hoạt động theo kiểu định kỳ trong các dịp sơ kết, tổng kết thi hành án dân sự tại địa phương.

Trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự là làm tốt công tác tham mưu và giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cấp trên tăng cường sự chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, do đó sau mỗi kỳ họp Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cần tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thi hành án dân sự theo từng quý đối với các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo đảm việc thi hành án dân sự được thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian tới đây, các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cần tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong việc chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ tài chính để thi hành án đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước phải thi hành án; chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đoàn thể ở địa phương với cơ quan thi hành án trong việc thi hành án trong thực hiện kịp thời việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật, bố trí đất đai, hỗ trợ đền bù, đảm bảo giải phóng nhanh mặt bằng cho các cơ quan thi hành án để xây dựng trụ sở, kho vật chứng. Chỉ đạo các cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc, bảo hiểm thực hiện nghiêm túc các biện pháp nghiệp vụ như phong toả, khấu trừ tài khoản, tài sản của những đối tượng phải thi hành án tại các cơ quan này, nếu có khó khăn vướng mắc về cơ chế và pháp luật thì kịp thời kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động và lề lối làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án cấp huyện để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện cần tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp tăng

cường công tác chỉ đạo đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc phối hợp với cơ quan thi hành án để thi hành có hiệu quả các việc thi hành án trên địa bàn.

Về phía ngành Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự cần làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Thực tế ở Thanh Hoá cho thấy có nhiều Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự mặc dù có qui chế hoạt động nhưng còn sơ sài, chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong ban chỉ đạo. Do đó, Quy chế của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cần quy định cụ thể rõ lề lối làm việc, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong việc phối, kết hợp, chỉ đạo và tổ chức thi hành án đối với những vụ việc phức tạp, những vụ việc phải tổ chức cưỡng chế theo qui định của pháp luật nhất là đối với lĩnh vực mình phụ trách tránh tình trạng chung chung, hình thức, hoặc khi sự việc xảy ra mới mang ra họp, bàn. Bên cạnh đó Cơ quan thi hành án dân sự cũng cần tranh thủ sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh để sớm xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án dân sự tỉnh với các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan khác về các vấn đề có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Thực tế ở Thanh Hoá cho thấy ở cấp huyện nào, cơ quan thi hành án dân sự biết tranh thủ Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thì ở đó công tác thi hành án đạt kết quả tốt (ví dụ như thành phố Thanh Hoá, thị xã: Bỉm Sơn, Sầm Sơn, các huyện: Hà Trung, Hoằng Hoá). Do đó ngành Tư pháp nói chung và cơ quan thi hành án dân sự nói riêng cần tranh thủ triệt để Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, nhất là uy tín, vị trí của đồng chí Trưởng ban (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND) để có thể huy động lực lượng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác thi hành án dân sự. Ngoài việc chủ động báo cáo đề xuất, xin ý kiến những vụ án lớn, có nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thì cơ quan thi hành án dân sự cũng tham mưu xây dựng nội dung, chương trình làm việc có tính thường xuyên, liên tục cho Ban chỉ đạo theo từng tháng, quý, năm tránh một thực tế là khi có việc khó khăn mới cần đến Ban chỉ đạo. Theo qui chế, các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự 3 tháng họp một lần do đó Thi hành án cần phải chuẩn bị nội dung cho Ban chỉ đạo họp nhằm mục đích duy trì hoạt động của các Ban Chỉ đạo thi

hành án dân sự một cách thường xuyên liên tục có như vậy hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thực sự mới thực sự đi vào nề nếp.

Kết luận chương 3

Để công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện nghiêm chỉnh và đúng pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu lý luận chung về nhà nuớc và pháp luật, các quan điểm của Đảng về thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng và từ thực trạng thực hiện pháp luật thi hành án dân sự ở Thanh Hoá, tác giả đã xây dựng một loạt các giải pháp như trên. Trong đó các giải pháp cơ bản nhất là việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác này, kiện toàn các cơ quan thi hành án và nâng cao năng lực của đội ngũ chấp hành viên... Hy vọng với các nhóm giải pháp trên sẽ khắc phục cơ bản thực trạng yếu kém trong công tác thi hành án dân sự không chỉ riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà các địa phương trong cả nước, từ đó đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực thực hiện pháp luật thi hành án dân sự, đảm bảo các bản án, quyết định của Toà án nhân dân nhà nước phải được thi hành nghiêm chỉnh.

KẾT LUẬN

Thi hành án dân sự là một hoạt động của Nhà nước, mang tính chất hành chính - tư pháp, là một trong những phương pháp để thực thi quyền lực nhà nước, đồng thời cũng là biện pháp để đảm bảo nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực hiện pháp luật thi hành án dân sự suy cho đến cùng chính là nhằm thực hiện có hiệu quả các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, cơ quan và cá nhân người được thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong 5 năm qua (2003 - 2007) cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở Thanh Hoá đã có nhiều cố gắng để tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác thi hành đảm bảo cho công tác thi hành án kịp thời, đúng pháp luật.

Tuy vậy số việc chưa thi hành án được còn tồn đọng khá lớn, có những vụ hàng tỷ đồng qua nhiều năm vẫn chưa tổ chức thi hành được, nhiều vụ việc thi hành kéo dài chưa dứt điểm, tình trạng đơn thư khiếu nại yêu cầu được thi hành án ngày càng gia tăng. Trước yêu cầu đòi hỏi bức xúc về quyền lợi của bên được thi hành và thực trạng thực hiện pháp luật thi hành án dân sự cũng như những vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật thi hành án dân sự. Thực hiện pháp luật thi hành án ở Thanh Hoá tuy đã có nhiều cố gắng và tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện pháp luật thi hành án dân sự ở Thanh Hoá góp phần nâng cao kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tác giả đã mạnh dạn nghiên cứu và bước đầu đưa ra một số quan điểm về thực hiện pháp luật thi hành án dân sự và đưa ra một số giải pháp bước đầu nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật thi hành án dân sự, từ đó góp phần đảm bảo thực hiện quyền lực nhà nước trong thi hành án dân sự có hiệu quả và thống nhất.

Bằng các phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích, đánh giá về thực tiễn và lý luận khoa học. Đề tài "Thực hiện pháp luật thi hành án dân sự ở Thanh Hoá" đã đi sâu nghiên cứu, làm rõ trên hai phương diện lý luận và thực tiễn về thực hiện pháp luật thi hành án dân sự. Tìm ra được những nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như trách nhiệm

của mỗi ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ và sự phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.

Để khắc phục những khuyết điểm, tồn tại, phát huy những ưu điểm đã đạt được. Đề tài đã đưa ra các giải pháp xuất phát từ quan điểm của Đảng, Nhà nước và được tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, kể cả những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện pháp luật thi hành án dân sự. Đề xuất với Quốc hội, các bộ ngành ở Trung ương, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá để sớm có biện pháp hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách cũng như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật thi hành án dân sự góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Do thời gian nghiên cứu có hạn và được giới hạn trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ Luật học, những vấn đề tác giả nêu trong luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình hoạt động thực tiễn của mình.

Để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Viện Nhà nước và Pháp luật, Vụ Quản lý đào tạo sau đại học của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá, Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hoá, và Tiến sĩ Quách Sĩ Hùng, tác giả xin được trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Viện Nhà nước và Pháp luật của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Quách Sĩ Hùng và tập thể các thầy cô của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 99 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)