Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 84 - 87)

Hiện nay, pháp luật về thi hành án dân sự còn tản mạn, hiệu lực pháp lý chưa cao, việc tổ chức, quản lý thi hành án thuộc các lĩnh vực khác nhau lại do nhiều văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh, không đồng bộ dẫn đến việc không thống nhất trong sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý và tổ chức thi hành án, không phát huy hiệu quả thi hành án. Hoạt động thi hành án do nhiều cơ quan thực hiện đã tạo ra sự thiếu thống nhất trong quản lý, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan thi hành án và các cơ quan hữu quan, hạn chế hiệu quả của mỗi lĩnh vực thi hành án. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự chính là tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, Quốc Hội cần nhanh chóng ban hành Bộ luật Thi hành án dân sự trên cơ sở hệ thống hóa, pháp điển hóa, mở rộng phạm vi điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự trong tình hình hiện nay. Quốc hội cũng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung thêm chính sách khoan hồng trong Bộ luật hình sự, coi việc khắc phục được hậu quả về thiệt hại tài sản trước khi bị cáo đưa ra xét xử thì giảm số năm hình phạt tù theo số lượng tài sản tương ứng, kể cả trong việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành phạt tù; giảm hình phạt tiền; bỏ hẳn án phí hình sự; nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật thu hồi tài sản, Luật bồi thường Nhà nước.

Sau khi Bộ luật Thi hành án dân sự ra đời, Chính phủ, chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành liên quan tổng rà soát các nghị định, chỉ thị, thông tư kịp thời kịp thời ban hành, sửa đổi bổ sung, hướng dẫn kịp thời việc thực hiện các nội dung trong Bộ luật Thi hành án dân sự và các Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự có liên quan đến công tác thi hành án dân sự như xét miễn, giảm thi hành án, cưỡng chế phong toả, khấu trừ tài khoản, tài sản tại ngân hàng, kho bạc, các tổ chức bảo hiểm, tổ chức tín dụng; ban hành trình tự thủ tục thi hành các quyết định trong vụ án hành chính không liên quan đến tài sản, thi hành án có yếu tố nước ngoài....tạo tiền đề cho cơ quan Thi hành án và các cơ quan có liên quan thực hiện thống nhất. Ngoài ra, pháp luật cũng cần qui định rõ ràng, cụ thể về cơ chế bắt buộc các cơ quan khác tham gia vào hoạt động thi hành án và cơ chế cho cơ quan thi hành án tham gia các hoạt động của chính quyền.

Bộ Tư pháp nhanh chóng kiến nghị với Chính phủ quan tâm đến chế độ chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự, sớm ban hành chế độ phụ cấp ngành, chính sách tiền lương đãi ngộ đối với chấp hành viên và cán bộ thi hành án cho phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án. Trước mắt là thu hẹp khoảng cách về mức lương, hệ số lương giữa chấp hành viên cấp tỉnh và chấp hành viên cấp huyện. Có chế độ phụ cấp đối với cán bộ thi hành án (không phải là chấp hành viên) như đối với thư ký Tòa án bởi hiện mới chỉ có chế độ bồi dưỡng đối với chấp hành viên. Tăng mức khoán kinh phí trên đầu người làm cho cán bộ công chức yên tâm công tác và thuận lợi cho việc điều động, luân chuyển cán bộ. Trong việc bổ nhiệm chấp hành viên cũng cần thay đổi, hoặc là bỏ cơ chế bổ nhiệm lại, hoặc kéo dài thêm thời hạn bổ nhiệm (không nên để 5 năm như hiện nay). Cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác thi hành án dân sự theo hướng tạo điều kiện để các công ty, các tổ chức thực hiện một số việc thi hành án, cơ quan thi hành án và chấp hành viên quản lý, hướng dẫn và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổ chức thi hành án.

Ngoài ra, phải xây dựng được cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy hợp lý, xác định rõ trách nhiệm quản lý một cách toàn diện, tập trung, thống nhất hoạt động thi hành án từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với nhận xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Hệ thống cơ quan thi hành án nên được tổ chức ở ba cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) và ở cấp Trung ương cũng phải có chức danh Chấp hành viên cao cấp, đây sẽ là lực lượng vừa thực hiện chức năng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, vừa thực hiện trực tiếp nhiệm vụ thi hành án đối với những án khó khăn phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và có yếu tố nước ngoài. Việc Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc sở tư pháp quản lý công tác tổ chức của cơ quan địa phương chỉ là giải pháp tình thế vì không tạo động lực cho thi hành án phát triển. Sở Tư pháp chỉ nên là cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án. Do đó, cần tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án thành một ngành độc lập như cơ cấu tổ chức của các ngành Thuế, Hải quan hay Kho bạc để xứng tầm và ngang cấp với các cơ quan khác ở đại phương, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, tạo điều kiện cho việc tổ chức thi hành án được thuận lợi.

Cục thi hành án dân sự cần xây dựng tiêu chí cụ thể xác định việc có điều kiện và không có điều kiện thi hành làm cơ sở để các cơ quan thi hành án dân sự địa phương rà soát,

xác minh, phân loại án, lập báo cáo, thống kê chính xác tiến tới giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với những án khó khả thi thì đề nghị Bộ cho xoá, nếu không xoá được thì cũng nên khoanh lại, không đưa vào số liệu thống kê nữa.

Về cơ chế quản lý thi hành án, thực tiễn công tác thi hành án và cơ chế quản lý thi hành án ở tỉnh Thanh Hoá cho thấy đây là loại công việc khó khăn phức tạp. Công tác này cần huy động được lực lượng của cả hệ thống chính trị từ sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và nhân dân cùng tham gia, để việc thực hiện pháp luật thi hành án đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị cơ chế thi hành án cần theo hướng Bộ Tư pháp cần tăng thẩm quyền cho địa phương quản lý. Theo đó, Bộ Tư pháp chỉ thống nhất quản lý nhà nước, về tổ chức, cán bộ, kinh phí sẽ do các địa phương đảm nhận. Trên cơ sở qui định chung, từng địa phương được chủ động trong việc xây dựng bộ máy, bố trí, sắp xếp lựa chọn cán bộ điều đó sẽ giảm thời gian trong công tác tổ chức cán bộ và giành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, công tác phối hợp sẽ đạt hiệu quả cao hơn bởi đây là cán bộ thi hành án do địa phương chọn, bố trí, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho việc tham gia kiểm tra giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân vào công tác thi hành án dân sự. Hơn nữa không thể có sự tự địa phương can thiệp, cản trở chính mình thực thi nhiệm vụ.

Hoàn thiện pháp luật về công tác giám sát thi hành án dân sự: Công tác giám sát thực hiện pháp luật nói chung, thực hiện pháp luật thi hành án nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi thông qua các hoạt động giám sát, kiểm sát để đánh giá những hành vi hợp pháp, không hợp pháp của các cơ quan thi hành án, chấp hành viên các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành án. Thực tiễn ở Thanh Hoá cho thấy, ở địa phương nào, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát và nhân dân tích cực giám sát, kiểm sát công tác thi hành án dân sự thì ở nơi đó thi hành án đạt kết quả cao.

Do đó, cần hoàn thiện pháp luật về công tác giám sát, bởi cho đến thời điểm này, có thể nói các quy định về giám sát ở nước ta vừa thiếu, vừa rời rạc, thiếu tính hệ thống và chưa có một văn bản pháp luật riêng quy định về giám sát, ngoại trừ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội mới được ban hành gần đây nhưng cũng chỉ quy định về hoạt động giám sát của duy nhất một chủ thể giám sát đó là Quốc hội. Hầu hết các quy định về giám sát

được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật có quy định về tổ chức và hoạt động của các chủ thể giám sát như: Hiến pháp, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Riêng về giám sát thi hành án dân sự cho đến này chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về giám sát thi hành án dân sự một cách toàn diện, đầy đủ, mà chủ yếu việc giám sát được tiến hành trên cơ sở các văn bản quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể giám sát thi hành án dân sự. Ví dụ, các quy định về kiểm sát thi hành án dân sự được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh Thi hành án dân sự hoặc giám sát của Mặt trận Tổ quốc được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Mặt trận, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hoặc giám sát của nhân dân được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh Thi hành án dân sự... Chính sự rời rạc, thiếu hệ thống và các quy định còn mang tính chung chung, không đi vào từng lĩnh vực cụ thể này đã dẫn đến hoạt động giám sát thi hành án dân sự kém hiệu quả. Do đó, cần phải có các quy định cụ thể của pháp luật về giám sát thi hành án dân sự.

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)