Việc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh Thanh Hoá đạt được trong thời gian qua là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, có sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác thi hành án dân sự và sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc đề ra được nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực đối
với việc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự. Sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ biểu hiện trong thời gian ngắn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQTW ngày 02 tháng 01 năm 2002 về những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết 49–NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 quyết định nhiều chủ trương lớn về công tác tư pháp trong đó có công tác thi hành án dân sự. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự sửa đổi năm 2004. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và Chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự chỉ đạo các cấp các ngành triển khai thực hiện.
Công tác Thi hành án dân sự đã được coi là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Sự quan tâm này được thể hiện trong sự giúp đỡ từ việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án; hỗ trợ đất đai, kinh phí đảm bảo cho các cơ quan thi hành án hoạt động đến chỉ đạo, công tác thi hành án, đấu mối phối hợp tổ chức thi hành án; bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thi hành án và cán bộ quản lý thi hành án làm cho công tác thi hành án có những chuyển biến căn bản trong thời gian qua.
Vai trò chỉ đạo tổ chức thi hành án của các cấp chính quyền địa phương ngày càng được tăng cường, thống nhất và đồng bộ ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự bước đầu hoạt động có hiệu quả. Một số địa phương còn thành lập Ban vận động công tác thi hành án, Tổ công tác thi hành án ở cấp xã với nhiệm vụ giúp cơ quan thi hành án trong việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở cơ sở nhằm động viên, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc phối hợp triển khai kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Nhiều bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật tồn đọng từ nhiều năm nay đã được Ban Chỉ đạo tăng cường công tác thi hành án và cơ quan thi hành án cùng các ngành chức năng giải quyết dứt điểm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, công dân góp phần ổn định và giữ vững tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự bước đàu đã sâu sát, kịp thời hơn, đạt hiệu quả cao hơn, nhất là đối với các vụ phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò,
trách nhiệm của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong quá trình triển khai thi hành án, nhất là trong việc triển khai chủ trương chuyển giao số án có giá trị từ 500.000đ trở xuống cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành.
Thứ hai: sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các đơn vị thi hành án và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án.
Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự ngày càng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ ngày được bổ sung về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng và năng lực nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác thi hành án dân sự từng bước được tăng cường. Các bản án, quyết định của Toà án nhân dân các cấp từng bước được cơ quan thi hành án đưa ra thi hành một cách nghiêm chỉnh đúng quy định của pháp luật thi hành án, giữ vững pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các biện pháp có hiệu quả để giải quyết án tồn đọng, luôn luôn coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức, phẩm chất đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Chú trọng công tác kiểm tra và kiểm tra chéo trong các cơ quan thi hành án. Ở một số địa phương, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể đã thực sự quan tâm đến thực hiện pháp luật thi hành án dân sự. Nhiều nơi, cơ quan thi hành án làm tốt công tác phân loại án tồn đọng, triển khai thi hành án xuống cơ sở, đặc biệt chú trọng vai trò của chính quyền cơ sở và các thiết chế cơ sở như tổ hòa giải, tổ an ninh, tổ dân phố...
Thứ ba: các cơ quan, tổ chức và nhân dân đã có sự phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thực hiện pháp luật thi hành án dân sự.
Có thể nói, thực hiện pháp luật thi hành án dân sự ở tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Bước đầu hình thành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về thi hành án sự. Cơ quan thi hành án dân sự đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện pháp luật thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, tình hình khiếu nại, tố cáo về thi hành án có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây nhưng đã được liên ngành tư pháp của tỉnh chỉ đạo cơ quan thi hành án hai cấp phối hợp với các ngành chức năng của huyện của tỉnh đã giải quyết xong các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài, một số vụ việc phức tạp đang tập chung giải quyết về thi hành án. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đoàn
thể quần chúng và công dân đối với công tác thi hành án dân sự đang từng bước được nâng lên. Thông qua hoạt động giám sát thường xuyên của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp cũng như công tác kiểm sát thi hành án của cơ quan Kiểm sát đã cho thấy trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.
Tóm lại, Bên cạnh những thuận lợi nhất định và những kết quả đạt được đáng phấn khởi nói trên, việc thực hiện pháp luật về thi hành án ở tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn, trở ngại do sự tác động của tự nhiên, của tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố khác đem lại đã làm hạn chế hiệu quả của việc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự. Nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh... với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ thi hành án nên công tác thi hành án ở tỉnh Thanh Hoá đã vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, đang tích cực tìm ra những giải pháp, phương thức thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ của mình, bảo đảm pháp luật về thi hành án được thực hiện một cách nghiêm túc ở tỉnh Thanh Hoá.