Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 97 - 99)

án dân sự

Thực trạng thực hiện pháp luật thi hành án dân sự ở Thanh Hoá cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự còn chưa thực sự hiệu quả, bởi ngay chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thi hành án dân sự cũng chưa nắm vững các nội dung văn bản pháp luật thi hành án dân sự. Do đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thi hành án dân sự còn chưa thống nhất dẫn đến công tác thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế.

Để cho việc thực hiện pháp luật hành án dân sự có hiệu quả thì cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự nhất là từ cơ sở, một mặt nâng cao nhận thức về pháp luật thi hành án cho nhân dân và những đối tượng trực tiếp liên quan đến việc thi hành án dân sự, giúp người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án dân sự nâng cao khả năng tự bảo vệ mình, mặt khác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự giúp nhân dân và những người có liên quan trực tiếp đến việc thi hành án nắm rõ được các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như pháp luật về thi hành án dân sự từ đó hình thành tri thức pháp luật, tình cảm niềm tin đối với pháp luật, có thói quen và hành vi xử sự hợp pháp tích cực từ đó nhận thức rõ: bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành. Các biện pháp cụ thể:

- Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Hội đồng nhân dân, cơ quan Tư pháp, Công an, Tòa án, Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự, coi đây là hoạt động thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Đối với Thanh Hoá là một tỉnh lớn, địa bàn rộng, số đơn vị hành chính lớn, dân số đông, trong đó có 11 huyện miền núi, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, do đó các cơ quan chức năng khi xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói

riêng phải tính đến đặc điểm vùng, miền, đối tượng (tổ chức, công dân, các cơ quan nhà nhà nước, cơ quan thi hành án, chấp hành viên) để có giải pháp phù hợp. Đối tượng tuyên truyền là cán bộ, công chức, nhân dân, người phải thi hành án và gia đình họ; nội dung và hình thức tuyên truyền phải chú ý trình độ dân trí, hoàn cảnh, điều kiện sống từng vùng, miền, tập tục, tập quán từng địa phương (ví dụ: ở các vùng miền núi Quan Hóa, Quan Sơn… nên tập trung tuyên truyền pháp luật cho già làng, trưởng bản vì những người này có uy tín, dân làng thường tin tưởng nghe theo và làm theo họ).

Về hình thức tuyên truyền: từ trước tới nay việc tuyên truyền vẫn được thể hiện dưới nhiều dạng như: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, phát tờ rơi... nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trên thực tế, một vụ việc xảy ra trên địa phương luôn tạo được sự quan tâm của dư luận, như vậy việc thông báo thi hành án nhằm công khai kết quả giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng đồng thời sẽ tạo nên một luồng dư luận rộng rãi trong nhân dân từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật và tránh vi phạm khi gặp trường hợp tương tự, do đó cần thực hiện giải pháp tuyên truyền pháp luật thi hành án thông qua hình thức thông báo về thi hành án qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Bởi hiện nay dân cư trên địa bàn các huyện trong tỉnh sống tập trung hình thành các làng bản, thôn xóm; cấu thành nên nó là sự gắn kết các tổ chức đoàn thể xã hội, các dòng họ, gia đình. Trong các cụm dân cư này hầu hết đã có hệ thống loa truyền thanh công cộng. Đây được coi là phương tiện chủ yếu để đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Ngoài ra, hầu hết các đối tượng phải thi hành án không có điều kiện thi hành bản án đều đang sống chung trong một gia đình gồm nhiều thế hệ. Mối quan hệ gia đình có sự gắn kết chặt chẽ như: quan hệ vợ chồng, con cái, bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột. Hành vi của mỗi cá nhân, gia đình thường bị chi phối bởi các quan điểm, quan niệm của dòng họ; hương ước, quy ước của làng xóm. Việc thông báo thi hành án không chỉ tác động đến người phải thi hành án mà còn tác động đến gia đình, dòng họ, làng xóm, các tổ chức đoàn thể nơi họ hoặc người thân của họ đang sinh hoạt. Từ đó có sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ người phải thi hành án nhanh chóng thực hiện xong nghĩa vụ về thi hành án, đặc biệt đối với loại án có giá trị thấp. Điều này đồng nghĩa với việc giảm đáng kể lượng án và tiền tồn đọng trên địa bàn các huyện.

Để làm được điều đó, các cơ quan thi hành án cần thông qua chương trình, kế hoạch với Ban Chỉ đạo thi hành án cùng cấp và thường trực Uỷ ban nhân dân; tham mưu cho chủ tịch Uỷ ban nhân dân ra chỉ thị cho Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện việc thông báo về thi hành án trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; Uỷ ban nhân dân xã, Mặt trận tổ quốc xã chủ trì việc chỉ đạo phối hợp với cơ quan Thi hành án trong công tác thi hành án. Cơ quan Thi hành án cùng với Phòng tư pháp xây dựng chương trình kế hoạch hàng tuần, tháng để phổ biến tuyên truyền và thi hành pháp luật trên địa bàn cấp huyện; Cơ quan Thi hành án rà soát và lập danh sách các vụ việc cần thiết phải thông báo trên địa bàn lập thông báo đối với từng vụ việc cụ thể giao cho Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện việc thông báo trên hệ thống loa truyền thanh.

Ngoài giải pháp tuyên truyền thông qua hình thức thông báo về thi hành án qua hệ thống truyền thanh cơ sở thì cũng cần quan tâm đến các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác như: tuyên truyền trong trại cải tạo đối với các đối tượng đang thi hành án phạt tù, cần phổ biến cho họ nếu thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự thì được xem xét để giảm án, hoặc đặc xá. Truyên truyền Đài Phát thanh truyền thanh tỉnh, Đài phát thanh truyền hình huyện. Truyên truyền thông qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; thông qua việc giáo dục, thuyết phục trực tiếp của cán bộ chính quyền, đảng viên, cán bộ đoàn thể, hòa giải viên, tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Truyên truyền thông qua việc khai thác, sử dụng hiệu quả tủ sách pháp luật ở xã, phường và đưa việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự vào xét tiêu chuẩn gia đình văn hoá, thôn, bản văn hoá; thông qua các câu lạc bộ pháp lý... nhằm mục đích cuối cùng là đưa pháp luật thi hành án dân sự đến với người dân để dân hiểu và thực hiện.

Một phần của tài liệu LUẬN văn thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh thanh hóa (Trang 97 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)