Đặc điểm tự nhiên và địa lý:
Thanh Hoá là tỉnh bắc miền Trung, có toạ độ địa lý từ 19033’đến 20030’ vĩ độ Bắc, 1040 đến 106030’ kinh độ Đông; phía Bắc giáp 3 tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), phía Đông giáp biển Đông. Là tỉnh lớn trong cả nước cả về diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính (diện tích tự nhiên 11.168 km2, dân số 3,6 triệu người, có 27 huyện, thị xã, thành phố, 636 xã. Có 2 vùng rõ rệt: đồng bằng ven biển và miền núi, vùng đồng bằng ven biển (gồm 13 huyện, 1 thành phố và 2 thị xã); vùng trung du và miền núi, miền núi Thanh Hoá có 11 huyện, 218 xã, diện tích khoảng 8.000 km2, chiếm 3/4 diện tích của cả tỉnh, đây là vùng tương đối hiểm trở, địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn, dân số thưa thớt. Thanh Hoá nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao, mùa đông có gió mùa Đông Bắc tràn về đem theo giá lạnh và hanh khô, mùa hè có gió phơn Tây Nam khá nóng. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.600 - 2.200 mm. Nhìn chung, thời tiết khí hậu đã gây ra không ít khó khăn (khô hạn, bão lụt, rét đậm) cho sản xuất và đời sống đặc biệt là giao thông đi lại giữa các vùng trong tỉnh.
Do điều kiện địa hình của Thanh Hoá phức tạp nên giao thông đi lại rất khó khăn, việc giao lưu giữa các địa phương trong tỉnh chưa thuận lợi, đây là khó khăn rất lớn cho việc quản lý và hoạt động của các cấp chính quyền trong đó có quản lý công tác thi hành án dân sự.
Đặc điểm về kinh tế - xã hội
Về kinh tế: Trong những năm qua (2000 - 2007), kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm 10,8%. Cơ
cấu các ngành trong GDP: nông nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản - dịch vụ năm 2007 là 29,40% - 34,00% - 36,60%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2007 là 540 USD, tuy nhiên vùng núi Thanh Hoá vẫn là vùng khó khăn, kinh tế kém phát triển, bình quân thu nhập đầu người dưới 100 USD
Nhìn chung, tình hình kinh tế của tỉnh chưa có sự phát triển đồng đều ở các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiên đã tạo sự ổn định về chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Nhưng so với yêu cầu và tiềm năng thì sự phát triển đó còn nhiều mặt hạn chế: nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhưng quy mô nhỏ và lạc hậu về kỹ thuật; tiềm năng du lịch, kinh tế biển chưa được khai thác tốt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất, mở mang ngành nghề mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thanh Hoá trước đây thường sản xuất, hoạt động khép kín với mô hình sản xuất tiểu nông tự cấp, tự túc, cách nghĩ tầm nhìn nhỏ hẹp. Ngày nay, tỉnh phát triển theo cơ chế “mở” của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với sự phát triển năng động của các thành phần kinh tế, của quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Về xã hội: theo số liệu thống kê, dân số Thanh Hoá năm 2007 là 3.688.418 người. Trong đó nam 1802.942 người; nữ 1877.416 người, người dân tộc thiểu số: 899.964 người =16,54 % dân số trong toàn tỉnh gồm 8 dân tộc (Kinh, Mường, Dao, Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Hoa); mật độ dân số của các huyện miền núi rất thưa thớt, bình quân chỉ gần 100 người/km.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội, đang từng bước thực hiện chuẩn hoá. Ngành giáo dục - đào tạo phát triển ở tất cả các ngành học, cấp học, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá có nhiều tiến bộ. Công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ thông qua các chương trình, dự án... Do đó, số hộ đói nghèo đã giảm từ 19,94% năm 2001 xuống dưới 18% năm 2007. Đời sống nhân dân nhìn chung ổn định và được cải thiện, số hộ giàu và khá tăng lên, tỷ lệ tăng dân số còn cao (trên 3%), tỷ lệ các xã chưa phổ cập bậc tiểu học còn nhiều, thậm chí có những bản còn nhiều người còn mù chữ. Các điều kiện vật chất phục vụ cho sinh hoạt văn hoá và sản xuất còn thiếu thốn, lạc hậu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như:
điện, đường, trường trạm,trang thiết bị phục vụ cho thông tin đại chúng (hiện nay vẫn còn nhiều xã trong tỉnh chưa có đường ô tô đến trung tâm của xã, chưa được phủ sóng truyền thanh, sóng thông tin...) dẫn đến các tập tục lạc hậu trong cuộc sống, cưới, tang và lễ hội còn phổ biến ở đồng bào dân tộc
Công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ và không có “điểm nóng”. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy tốt, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.
Tóm lại, các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội nêu trên đã có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự ở tỉnh Thanh Hoá hiện nay đó là:
- Thanh Hoá là tỉnh đất rộng, người đông nhưng lại phân bố không đều, địa hình khá phức tạp, có nhiều huyện miền núi, miền biển, giao thông không thuận lợi, phương tiện giao thông, liên lạc và các điều kiện vật chất khác còn thiếu thiếu thốn, trình độ dân trí còn hạn chế làm cho công tác lãnh đạo, quản lý về thi hành án dân sự của cấp uỷ, chính quyền cơ sở gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của các yếu tố trên cũng đã làm cho các cơ quan thi hành án, các cơ quan có liên quan đến thi hành án gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, từ xã xuống làng, bản các tỉnh miền núi quá xa làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thi hành án.
- Tình hình kinh tế - xã hội có phát triển nhưng không đều nhất là địa bàn miền biển, miền núi, tỷ lệ thất nghiệp còn cao; công nghiệp chưa phát triển, công tác tuyên truyền pháp luật chưa hiệu quả… những những điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội nêu trên đã có ảnh hưởng nhất định tới các chủ thể nhất là đối với người phải thi hành án làm hạn chế việc thực hiện pháp luật thi hành án dân sự.