Tình hình tài chính các trường đại học, cao đẳng

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài chính đối với các trường Đại học, Cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 48 - 53)

7. Kết cấu của Luận văn

2.1.2.Tình hình tài chính các trường đại học, cao đẳng

2.1.2.1 Tình hình nguồn thu

Nguồn thu các trường đại học, cao đẳng công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp (như thu học phí, lệ phí, thu hoạt động dịch vụ như thu từ biểu diễn văn hóa nghệ thuật, bán sản phẩm thực hành, đào tạo lái xe..; Thu do cán bộ, giảng viên của đơn vị tham gia các hoạt động dịch vụ với bên ngoài hoặc theo cơ chế khoán nộp về đơn vị). Các khoản thu hợp pháp khác như: thu từ đào tạo liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo khác; lãi tiền gửi ngân hàng; thu thanh lý tài sản; thu cho thuê mặt bằng; dịch vụ gửi xe, căn tin, nhà ăn...) [Xem Bảng 1, Phụ lục 13].

Qua Bảng 1 (Phụ l ục 13) cho thấy: a) Về quy mô nguồn thu:

Tổng nguồn thu của các trường đại học, cao đẳng tăng dần qua các năm với tốc độ tăng bình quân năm 11%, năm 2013 tăng 109.670 triệu đồng so với năm 2009 (tương ứng với xấp xỉ tăng 50%). Trong đó:

Tăng nguồn thu chủ yếu do tăng từ NSNN cấp: Năm 2013 tăng 85.194 triệu đồng so với năm 2009 (tương ứng tăng 51%).

Thu hoạt động sự nghiệp đóng góp đáng kể vào nguồn thu và tăng đều qua các năm. Trong thu hoạt động sự nghiệp. Năm 2013 tăng 24.881 triệu đồng so với năm 2009 (tương ứng tăng 47%). Mức tăng chủ yếu là do tăng từ thu học phí, lệ phí đây là nguồn thu sự nghiệp chủ yếu và ổn định. Trong giai đoạn 2009-2013, một số trường dân lập và công lập trung ương quản lý được thành lập mới gây nên khó khăn trong công tác tuyển sinh, số sinh viên tuyển sinh không đạt kế hoạch đặt ra dẫn đến nguồn thu học phí bị giảm hoặc tăng ít.

Thu dịch vụ và thu khác cũng đóng góp vào nguồn thu của các trường tuy nhiên đây là nguồn thu không ổn định và chưa được khai thác tối ưu nên vẫn chưa phải là nguồn thu chủ yếu của các đơn vị.

b) Về cơ cấu nguồn thu:

Thu từ NSNN là nguồn thu chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 75%) (trong đó nguồn thu kinh phí thường xuyên chiếm trên trên 55%, 45% là thu từ kinh phí không thường xuyên); nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp trên 22% còn lại thu khác rất thấp hoặc không đáng kể.

Trong cơ cấu thu từ hoạt động sự nghiệp, 70% thu từ học phí và lệ phí và trên 15% thu từ hoạt động dịch vụ.

Từ phân tích số liệu trên cho thấy:

Nguồn thu hoạt động sự nghiệp ngày càng được huy động nhiều hơn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu của đơn vị. Tuy nhiên nguồn tài chính của các trường đang phụ thuộc rất lớn từ kinh phí NSNN cấp. Ngân sách cấp kinh phí thường xuyên còn chiếm tỷ trọng cao; trong khi đó tỷ trọng chi ngân sách đầu tư lại có xu hướng giảm. Do đó cơ cấu chi ngân sách cho đào tạo dạy nghề vẫn còn bất hợp lý, chưa đi theo định hướng của Nhà nước tức là nhà nước từng bước giảm ngân sách đầu tư cho chi thường xuyên nhưng tiếp tục chi đầu tư để phát triển hoạt động sự nghiệp. Việc khai thác các nguồn thu từ cung ứng dịch vụ ở một số đơn vị chưa được tận dụng triệt để, thiếu các dự án đầu tư nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, đời sống, chưa có sự tham gia xã hội hóa giáo dục của các thành phần kinh tế trong xã hội vào hoạt động của đơn vị.

2.1.2.2. Tình hình thực hiện các nội dung chi

Các nội dung chi thường xuyên được quy định rõ, cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Đối với các khoản chi không thường xuyên đặc biệt là mua sắm, sửa chữa, xây dựng cơ bản được thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước về trình tự thủ tục, thanh toán và được kiểm soát chặt chẽ, chi đúng theo nội dung được cấp có thẩm quyền giao nhằm tránh gây thất thoát, lãng phí trong quản lý chi tiêu.

Tình hình thực hiện các nội dung chi của các trường đại học, cao đẳng công lập được tổng hợp từ các báo cáo quyết toán của các đơn vị qua các năm (từ năm 2009 - năm 2013) [Xem Bảng 2, Phụ lục 13].

Theo Bảng 2 (Phụ lục 13) cho thấy: a) Về quy mô của tổng chi:

Nhìn chung tổng chi của các trường tăng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân 13%/ năm tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu 2%/năm. Năm 2013 tăng 108.053 triệu đồng so với năm 2009 (tương ứng với tăng 60%).

b) Về cơ cấu chi:

Trong tổng chi của các trường, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng trên 53% cao hơn so với chi không thường xuyên.

Trong cơ cấu chi thường xuyên, chi theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao chiếm tỷ trọng chủ yếu trên 92% trong chi thường xuyên; chi cho hoạt động dịch vụ chỉ chiếm xấp xỉ từ 5-6%.

Trong cơ cấu chi theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền; tỷ trọng chi thanh toán cá nhân chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 53%) và tỷ trọng này có xu hướng tăng dần qua các năm. Nguyên nhân là do Chính phủ ban hành các chính sách cải cách tiền lương làm tăng quỹ tiền lương. Mặt khác với định mức phân bổ chi thường xuyên trong thời kỳ ổn định 5 năm nên mới chỉ đáp ứng được các khoản chi thanh toán cá nhân; tỷ lệ các khoản chi cho chuyên môn và mua sắm, sửa chữa tài sản nhỏ đang dưới mức 50% riêng năm 2013 ở mức 40%.

Về cơ cấu chi không thường xuyên:

Chi xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản chiếm tỷ trọng lớn và chủ yếu (trên 65%) nhưng có xu hướng giảm dần, trong những năm 2009 và 2010 tỷ trọng này lên tới 82% đến năm 2013 còn 65%. Tuy nhiên, tỷ trọng chi chương trình mục tiêu quốc gia có xu hướng tăng dần.

Nguyên nhân là do Ngày 31 tháng 8 năm 2012 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015. Chính vì vậy, chi chương trình mục tiêu quốc gia cho các khối trường dạy nghề tăng lên đáng kể.

c) Về mức độ tự chủ tài chính:

Mức độ đảm bảo chi thường xuyên của các trường nhìn chung mới ở mức trung bình 50% và có xu hướng giảm từ 53% năm 2009 giảm xuống còn 48% năm 2013. Theo tiêu thức phân loại tại Mục 1.1.1, các trường đại học, cao đẳng được xếp loại đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần kinh phí hoạt động.

Từ những phân tích trên cho thấy một số vấn đề sau:

- Trong chi thường xuyên chủ yếu cho chi cho con người, nguồn chi khác vẫn còn hạn hẹp. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách cải cách tiền lương tăng thêm và sự cứng nhắc trong quỹ tiền lương, ảnh hưởng của trượt giá hàng hóa, dịch vụ trong khi đó định mức chi thường xuyên ổn định trong thời kỳ dài (3 đến 5 năm). Điều này gây khó khăn cho đơn vị trong việc thực hiện nhiệm được giao và khả năng tích lũy. Quyền quyết định của Thủ trưởng đơn vị không cao dẫn đến khó rằng buộc trách nhiệm giải trình. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

- Trong chi không thường xuyên, chi mua sắm sửa chữa lớn đang chiếm tỷ trọng lớn tuy nhiên có xu hướng giảm dần. Chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa được quan tâm, chú trọng.

- Mức độ tự chủ còn đang ở mức trung bình và có xu hướng giảm có nghĩa là nguồn tài chính đang còn phụ thuộc lớn vào NSNN (Nhà nước vừa phải đảm bảo chi thường xuyên vừa phải đầu tư cơ sở vật chất). Nếu nhà nước cứ tiếp tục bao cấp ngân sách chi thường xuyên sẽ dẫn đến triệt tiêu nội lực đơn vị, giảm tính cạnh tranh và tạo sự bất bình đẳng cho các trường công lập

và dân lập; tình trạng người lao động “làm giả ăn thật” từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2.1.2.3. Tình hình phân phối kết quả tài chính

Hàng năm, sau khi trang trải các khoản chi phí, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN theo quy định (thuế và các khoản phải nộp), số chênh lệch thu lớn hơn chi (thu, chi hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ nhà nước đặt hàng). Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng công lập sẽ chủ động quyết định việc trích lập quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ (sau khi thống nhất với tổ chức công đoàn của đơn vị). Sau đây là số liệu tổng hợp về tình hình phân phối kết quả tài chính của các trường Đại học, cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2009-2013 [Xem bảng 3, Phụ lục 13].

Qua Bảng 3 (Phụ lục 13), tác giả có nhận xét như sau:

- Về tổng chênh lệch thu - chi của các trường nhìn chung có xu hướng tăng trung bình 7,5%/năm nhưng chưa cao. Năm 2013 tăng 7.555 triệu đồng so với năm 2009 (tương ứng tăng 27%).

- Chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động nhìn chung tăng trung bình trên 15%/năm; riêng năm 2013 giảm mạnh 2.067 triệu đồng tương ứng với giảm 15% so với năm 2012. Khoản chi này chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chênh lệch thu - chi (trên 30%).

- Quỹ phúc lợi và Quỹ khen thưởng chiếm trên 24% trong khi đó quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp chỉ chiếm trên 13%. Quỹ dự phòng ổn định thu nhập chưa chú trọng đến việc trích lập quỹ này (mức trích 3%).

=> Như vậy, theo phân tích thêm cho thấy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã tạo điều kiện cho người lao động tăng thu nhập. Tuy nhiên, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và dự phòng ổn định thu nhập đưa được quan tâm nhiều; thu nhập tăng thêm của người lao động có xu hướng tăng chậm lại và đến năm 2013 giảm mạnh (18,8%).

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài chính đối với các trường Đại học, Cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 48 - 53)