Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài chính đối với các trường Đại học, Cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 41 - 43)

7. Kết cấu của Luận văn

1.3.1.Nhân tố khách quan

1.3.1.1. Đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Đây là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp bởi xuất phát từ đặc điểm của hoạt động quản lý nhà nước về tài chính đối với các trường đại học, cao đẳng mà tác giả đã phân tích ở mục 1.1.2. Cụ thể:

- Ảnh hưởng đến cơ cấu chi và phân bổ ngân sách.

Tùy theo từng thời kỳ, Nhà nước sẽ đề ra các đường lối, chủ trương chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội như phát triển các nghề trọng điểm, thay đổi cơ cấu kinh tế,... Theo đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề cũng phải thay đổi sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển của Nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng đến tỷ trọng chi ngân sách cho giáo dục, dành nguồn lực để phát triển các nghề trọng điểm và giảm nguồn lực cho các ngành nghề còn lại.

Việc sáp nhập hay thành lập mới các trường đại học, cao đẳng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tuyển sinh của các trường từ đó ảnh hưởng đến nguồn NSNN cấp, mức độ tự chủ tài chính của đơn vị.

- Ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước về tài chính đồng bộ, thống nhất, hướng dẫn cụ thể, tạo ra cơ chế rõ ràng sẽ tạo điều kiện hoạt động quản lý hiệu quả và ngược lại, một hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, cồng kềnh sẽ dẫn đến tình trạng quản lý không thống nhất, gây lúng túng cho cơ quan quản lý và các trường khi đến làm việc.

- Ảnh hưởng đến công tác tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự cán bộ làm việc tại Sở Tài chính. Khối lượng công việc cần giải quyết phụ thuộc lớn vào các cơ chế chính sách trung ương ban hành khi đó việc bố trí nhân sự và bộ máy hoạt động sẽ phải được bố trí hợp lý để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

1.3.1.2. Từ phía các trường đại học, cao đẳng công lập

Đây là đối tượng quản lý của hoạt động quản lý nhà nước về tài chính, sử dụng trực tiếp các nguồn lực tài chính. Lấy kết quả quản lý tài chính của đơn vị làm chỉ tiêu đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

- Số lượng các trường đại học, cao đẳng ảnh hưởng đến việc cân đối NSNN và bố trí số lượng nhân sự làm việc, tăng khối lượng công việc cho cán bộ quản lý nhà nước.

- Cơ cấu các trường đại học, cao đẳng ảnh hưởng đến cơ cấu chi và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách, mức đầu tư hỗ trợ từ NSNN.

- Chất lượng nhân lực: Người lãnh đạo có kỹ năng lãnh đạo, có sự quan tâm thích đáng, kịp thời đến hoạt động quản lý tài chính tại đơn vị từ đó phát huy hiệu quả tài chính, các cơ quan nhà nước mới thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các đường lối, chính sách, Pháp luật đến các trường đại học, cao đẳng.

Bộ phận kế hoạch - tài chính là bộ phận quan trọng, giúp việc cho hiệu trưởng nhà trường quản lý tài chính theo đúng chế độ chính sách Nhà nước. Đây là đối tượng thường xuyên làm việc, trao đổi các thông tin với các cán bộ chuyên quản của Sở Tài chính. Nếu bộ phận kế hoạch - tài chính có năng lực, sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về tài chính dễ dàng hơn trong quản lý, nắm bắt được tình hình thực hiện của đơn vị để có biện pháp quản lý cho phù hợp.

- Bộ máy tổ chức: Tùy vào đặc điểm, cách quản lý của các trường để xây dựng lên một bộ máy quản lý tài chính phù hợp. Bộ máy quản lý tài chính gọn nhẹ, tinh nhuệ phát huy năng lực của từng người ở từng vị trí từ đó quản lý tài chính hiệu quả, ngăn ngừa và phát hiện các hành vi làm trái quy định Pháp luât, gian lận và lãng phí từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đơn vị.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị: Việc quản lý và theo dõi các nghiệp vụ kế hoạch - tài chính, nghiệp vụ kế toán tài chính trên máy tính, phần mềm kế toán đã giảm được đáng kể khối lượng công việc, công tác kiểm tra, theo dõi được dễ dàng. Đơn vị có cơ sở vật chất tốt, trang bị công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính.

- Mức độ tự chủ tài chính: Đơn vị có mức độ tự chủ tài chính càng cao đồng nghĩa với nguồn thu ngoài NSNN càng lớn. Nguồn thu lớn dẫn đến phức tạp trong quản lý chi tiêu, nghĩa vụ với người lao động, các nghĩa vụ với Nhà nước, dễ xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý. Điều này ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự có trình độ nghiệp vụ vững, mức độ tăng cường quản lý nhà nước càng cao và ngược lại.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài chính đối với các trường Đại học, Cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 41 - 43)