Ngôn ngữ đậm chất thơ, giàu tính biểu cảm

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 96 - 100)

7. Cấu trúc của luận văn

3.4.1. Ngôn ngữ đậm chất thơ, giàu tính biểu cảm

Sức hấp dẫn của các tiểu thuyết viết cho thiếu nhi đầu tiên là ở chất mượt mà, tha thiết được tạo từ hệ thống ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm. Không chỉ đưa độc giả đến với những cảnh đời và tình người xúc động mà với cảm quan tinh tế của người nghệ sĩ, với bút pháp miêu tả theo kiểu chấm phá tài hoa, Ma Văn kháng còn đưa người đọc xích lại gần hơn với thiên nhiên cây cỏ, với những biến chuyển kì diệu của đất trời qua những trang văn dạt dào xúc cảm. Nghĩa trang Yên Kỳ vào một buổi sớm đầu xuân heo heo lạnh được nhà văn miêu tả bằng những chi tiết rất ấn tượng qua những lớp ngôn từ giàu sức gợi tả. Từ mặt đất đến chân mây đâu đâu cũng mang một màu sắc hư ảo, xa xăm như một cõi hư vô, thoát tục: “Mặt đất lấm chấm

những búp tơ cỏ nõn ánh vàng. Trần mây lồng lộng, thanh khiết như có ai vừa quét dọn, lưu lại vài nét mây phất nhẹ như dấu chổi lúa mềm mại ngoài sân sớm” [13, 85]. Đoạn văn chỉ gồm có hai câu nhưng cả một không gian mênh mông, linh thiêng của khu nghĩa trang được hiện lên qua các đường nét cỏ cây, mây trời và một loạt các từ láy giàu sức gợi hhnh, gợi cảm: “lấm chấm”, “nõn nà”, “mềm mại”, “lồng lộng”.

Theo Ma Văn Kháng, khi nhà văn sử dụng ngôn ngữ một cách đắc hiệu thì lúc đó ngôn ngữ lên men, nó tỏa hương, nó rủ rê, dẫn dắt, nó quyến rũ ta là cái hồn của câu chuyện. Thật vậy, đọc những đoạn văn tả về thiên nhiên giàu chất thơ, chất biểu cảm trong tác phẩm của Ma Văn Kháng nói chung và trong các tiểu thuyết viết cho thiếu nhi nói riêng, người đọc hoàn toàn bị ngôn ngữ mê hoặc dẫn dắt như đang rơi vào trạng thái thôi miên, như đang thăng hoa cùng trí tưởng tượng bởi cách dùng ngôn ngữ mềm mại, duyên dáng, uyển chuyển của nhà văn.

Có lúc nhà văn lại đưa người đọc đến với những hương vị, âm thanh, hình ảnh thân quen và ấm áp trên mặt đất vào một buổi chiều tối mùa hè trong khung cảnh nên thơ: “Hương ngải về chiều càng nồng. Muỗi bay tụ từng đám trên mảnh trời chiều đang ngả màu hoa cà. Mấy con dơi vẽ những đường nét rối rít”, bỗng nhiên tác giả lại chuyển đổi hướng nhìn không gian lên tận trời cao: “Tít trên cao, trời xanh mỗi lúc một đậm đặc. Rồi những chấm sao như những mũi kim li ti hiện lên, đưa ta vào cõi mung lung huyền bí xa thẳm… Trên kia còn là cõi tiên, nếu quẻ thẻ nhà chùa nói đúng, thì chính là nơi bà tôi sinh ra. Bà tôi là cô tiên, vì trót lỡ đánh chén ngọc mà bị vua cha bắt xuống ở dưới trần này, bà xuống trần để đỡ nâng dắt dìu hai đứa trẻ côi cút chúng tôi; cuộc sống của chúng tôi lắm lúc cũng kỳ lạ có phép màu là vì vậy” [13, 210]. Chất thơ, chất biểu cảm ở đây không chỉ được tạo nên nhờ sự kiến tạo của thứ ngôn ngữ đẹp mê hồn với những hình ảnh rất lạ:“mảnh

trời chiều đang ngả màu hoa cà”,“đường nét rối rít”,“những chấm sao như những mũi kim li ti hiện lên” mà chất thơ, chất biểu cảm đó còn được tạo nên nhờ thế giới tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, giàu tình yêu thương, kính trọng bà của cậu bé Duy.

Cũng như Côi cút giữa cảnh đời, ngôn ngữ trong Chuyện của Lý cũng là một thứ ngôn ngữ ngập tràn chất thơ. Chất thơ được tạo nên từ vẻ đẹp diễm lệ của nhiều miền không gian: không gian mảnh vườn thuốc ngát hương của bà Pham, không gian miền núi bao la với cây cỏ, chim muông rất sống động. Miêu tả thiên nhiên bằng giọng văn êm nhẹ như ru và sức tỏa sáng của lớp ngôn từ giàu sức gợi cảm: “Ấy là một buổi trưa mùa thu, thời điểm đẹp nhất ở làng Dao Thèn Phàng. Khi ấy, nắng thì vàng ánh như tơ lụa trải trên cây lá trong khu vườn thuốc nam. Còn không gian thì bằng lặng êm đềm đến mức có thể nghe được con ong soi vo ve khi tỏ khi mờ và tiếng ngáy của con mèo Nhung ngủ cạnh Lý trong nhà” [17, 88]. Đoạn văn có ba câu, nhưng cả một không gian bằng lặng êm đềm ở khu vườn thuốc nam của bà Pham được hiện lên qua màu sắc (vàng ánh), âm thanh (vo ve) và từ láy giàu sức gợi cảm (êm đềm). Mặt khác nghệ thuật so sánh cũng được tác giả sử dụng hiệu quả tối đa, nhằm góp phần làm cho ngôn ngữ trở nên mềm mại hơn để từ đó khu vườn thuốc nam của bà Pham trở nên có linh hồn. Nhưng khi nhìn vào khu vườn thuốc này, bà Pham lại “ngây ngây trong hoài niệm về những ngày đã rất xa”. Đó là những ngày tháng, những giây phút được sống hạnh phúc bên người yêu với anh Quyết Tâm.

Trong tiểu thuyết, nhà văn còn đặc biệt sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ nhằm nhấn mạnh và bộc lộ cảm xúc của nhân vật. Việc vận dụng các biện pháp tu từ một cách dày đặc làm cho câu văn trở nên sinh động và dễ hấp dẫn người đọc, cũng như tăng tính hàm súc cho tác phẩm. Đặc biệt là nhà văn đưa vào tác phẩm những điệp ngữ nhằm nhấn mạnh, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh và gợi ra những xúc cảm trong lòng người đọc, người nghe:

- Mộ ông được thế đất đẹp lắm cháu à. Khi nào bà chết, cháu bảo bố cháu tang bà cạnh ông nhá. Bảo bố đặt cho bà một bát hương ở chùa làng, sống bà không được làm gái làng, chết bà muốn làm vãi làng, cháu à.

- Ứ ừ, bà không chết! Bà không được chết.

- Ừ, bà không chết. Bà chết thế nào được. Bà chết thì ai nuôi dạy cháu bà. Khi nào cháu lớn, học hết lớp 10, rồi đi Liên Xô học đại học bà mới chết.

- Ứ ừ, lúc ấy bà cũng không được chết cơ! [13, 85].

Ẩn dụ tu từ cũng là nét đặc sắc của ngôn ngữ văn xuôi Ma Văn Kháng được sử dụng trong các tiểu thuyết này. Ẩn dụ đã làm ngôn ngữ tiểu thuyết trở nên giàu sắc điệu biểu cảm hơn. Từ vi mô đến vĩ mô. Từ một hình ảnh nhỏ giàu ngụ ý trong môi trường, cảnh tượng quen thuộc: con chó, con ngựa, ổ mối… Ẩn dụ thực chất là cách so sánh ngầm, cách lấy tên gọi của đối tượng này biểu thị đối tượng kia trên cơ sở mối quan hệ liên tưởng về nét tương đồng giữa hai đối tượng. Điều đáng nói ở đây là nhiều ẩn dụ mới mang tính sáng tạo vượt lên những ẩn dụ quen thuộc trong văn học truyền thống. Với Ma Văn Kháng, ẩn dụ có thể xem như một hiện tượng ngôn ngữ đồng thời là một hiện tượng tư duy, khá đậm màu sắc tư duy. Đó là tìm ra những nét gần nhau của những sự vật, hiện tượng khác xa nhau. Đó là một cách nghĩ mới về đối tượng, phát hiện bản chất ẩn giấu của đối tượng. Nói cách khác ở ẩn dụ ta tìm được tính đa nghĩa của hình ảnh, hình tượng. Nhà văn đã tự bạch: “Nghệ thuật là ẩn dụ. Chủ đề tư tưởng, nhân vật hiện hình trong trăm ngàn chi tiết hình tượng hàm chứa… Thậm chí, ẩn dụ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật có khi còn đến trước, trở thành tiền đề.” Tác phẩm là một minh chứng: “Những cơn mưa mùa hạ cũng vậy, chúng tạo nên âm hưởng trữ tình hùng tráng của cuốn sách Mưa mùa hạ của tôi. Một khu vườn lá rụng vào mùa khô cũng chính là cảm hứng, là cái phông nền, là cái giai điệu của cuốn Mùa lá rụng

hoa… chúng đã vào các trang văn xuôi của tôi, trở thành các thành tố vô cùng quan trọng vì chúng vừa là mình vừa là những hình bóng mang tính biểu tượng có sức tải một ý tưởng nào đó của chủ đề”. Quả vậy, những chi tiết mang tính ẩn dụ nhiều khi lại chính là cái phần bí ẩn của sáng tạo, theo quan niệm của nhà văn.

Với việc vận dụng hàng loạt biện pháp tu từ trong tác phẩm, Ma Văn Kháng đã diễn tả được tất cả mọi cung bậc cảm xúc cũng như mọi biến thái trong tâm hồn nhân vật, câu văn trở nên linh hoạt có sự chuyển biến sinh động, lôi cuốn được người đọc.

Và trong tác phẩm, nhà văn còn sử dụng chuỗi từ đồng nghĩa và gần nghĩa tăng cường hiệu quả diễn cảm, cho thấy nhà văn có ý thức lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ biểu cảm nhất nhằm đạt được hiệu quả tối đa. “Bà bế bồng, dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở, lọc lừa, phản trắc, bất công. Bà đưa chúng cháu qua nơi hỗn độn đến sự an bằng. Có mẹ có cha mà hóa ra côi cút, bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi (…) Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích. Bà là bà mụ nâng đỡ linh hồn chúng cháu. Bà là Phật bà. Hay chính bà là cô Tiên giáng trần…” [13, 275].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 96 - 100)