7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Ngoan ngoãn, hồn nhiên, giàu mơ ước
Càng bị tổn thương, các nhân vật trẻ em trong tác phẩm của Ma Văn Kháng lại càng toát ra vẻ đẹp của sự ngoan ngoãn, hiểu biết. Hình ảnh các em trong tác phẩm như đứng ngoài sự tha hóa trong lối sống của rất nhiều trẻ em hiện nay. Gia đình càng nghèo thì các em càng biết thương mẹ, thương bà, không đòi hỏi như một số đứa con nhà giàu khác. Đó mới chính là sự ngoan ngoãn thực sự từ ý thức của các em chứ không phải do đòn roi, ép buộc. Điều này càng cho thấy rõ quan điểm về cái đẹp kiêu hãnh trong khó khăn của Ma Văn Kháng. Cái đẹp thật sự là cái đẹp khi ra đời trong khó khăn, gắn với một nghị lực phi thường.
Đến với Chuyện của Lý, ta thấy Lý xuất hiện như một biểu tượng của sự sống, là em bé vài tháng tuổi, còn nằm trong cái nôi mây đan vành quết dầu nâu óng, khuôn mặt em tròn trịa trắng hồng, hai bàn chân mũm mĩm. Truyện khép lại khi Lý 17 tuổi, đẹp rạng rỡ như trăng rằm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Lý lại là đứa trẻ rất ngoan, sớm có chí và can đảm. Biểu lộ ý chí và can đảm của Lý là từ động tác tập lẫy, tập đi, tâp nói, rồi đối mặt với ác thú. Lớn lên, Lý cũng không khác gì hồi còn là đứa trẻ sơ sinh, Lý vẫn là một tính cách nết na đã ổn định ấy: “Chẳng hề khóc lóc vòi vĩnh bao giờ! Mẹ, bà Pham cho ăn gì nó ăn nấy. Đến giờ, bà Pham ra bế lên giường nằm một lúc nghe bà Pham hát ru bài dân ca Dao, hay kể chuyện Sự tích mặt trăng mặt trời là y như rằng, nó nằm im như lắng nghe, hết câu hát ru, hết câu chuyện kể mới gà gà mắt” [17, 81]. Như thế, Lý chẳng những ngoan ngoãn mà còn chóng khôn ngoan vì thông minh tiềm ẩn. Lý là đứa trẻ khỏe khoắn, ngây thơ, xông xáo. Cả năm liền không một lần váng mình sốt mẩy, chẳng biết gì đến sài đẹn, cảm cúm. Chưa đến sáu tuổi nhưng Lý đã biết tự đánh răng, rửa mặt, tắm táp, giặt giũ hay đi lên rừng lấy củi cùng mẹ. Lý biết giúp đỡ bà Pham
nhặt rau, nấu cơm, quét nhà, quét sân, cho gà vịt ăn. Lý là đứa trẻ chịu thương chịu khó, lao động giúp đỡ mẹ.
Người mà gắn bó hết lòng, luôn quan tâm và theo dõi từng bước đi của Lý chính là me Nhu. Trong suy nghĩ của Lý hiện lên rất rõ: “Mẹ ơi, con nghĩ trên đời này chẳng ai bằng mẹ đâu. Mẹ vừa xinh vừa tốt vừa giỏi vừa khéo” [17, 157]. Lý là đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi so với những đứa trẻ khác. Nhưng Lý lại được mẹ ấp ủ, yêu thương nên tình cảm của Lý dành cho mẹ, trước hết là qua bài văn em tả về mẹ có những đoạn văn chứa đựng biết bao nhiêu cảm xúc tốt đẹp về người mẹ kính yêu của mình: “Mẹ em không những là một cô giáo giỏi giang… mẹ em còn là người tốt nhất trên thế gian này. Nấu cơm dẻo canh ngọt cho mọi người là niềm vui trong lao động của mẹ em” [17, 164].
Lý còn biết thương mẹ vất vả vì “sự đọa đầy khốn khổ”, “sự đối xử bất công bằng đối với mẹ”. Lý biết động viên, an ủi mẹ trong những ngày bố Khánh ở ngoài chiến trường: “Mẹ ơi, có phải trước khi ra trận, bố dặn là mẹ phải đẻ ra con để con giúp mẹ, để mẹ vui phải không? [17, 228]. Câu hỏi của Lý làm cho mẹ Nhu quá xúc động, “suýt nữa khóc òa lên” vì lòng hiếu thảo của con, vì nỗi niềm nhớ mong da diết của mẹ Nhu đối với bố Khánh.
Còn trong Côi cút giữa cảnh đời, cả Duy và Thảm đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời bà, sống tình cảm nhưng cũng rất mạnh mẽ và dũng cảm. Ngay từ nhỏ Duy đã biết vâng lời bà và mẹ, đi nhà trẻ không bao giờ khóc và quấy mẹ, cũng không bao giờ làm nũng bà. Khi mẹ bỏ đi, Duy sống một mình với bà trong cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không kêu khóc, lớn lên chút nữa và nhất là khi có sự xuất hiện của em Thảm, Duy đã biết chịu đựng cùng bà những khó nhọc, vất vả thường ngày. Cảm nhận được cuộc sống khó khăn và nỗi vất vả của bà Duy đã sớm là đứa trẻ tự lập, Duy nhịn bữa ăn sáng cho bà đỡ khổ, đi học không có đồ chơi, không có áo quần đẹp dù hơi
chạnh lòng và tủi thân nhưng Duy không một lời vòi vĩnh hay đòi hỏi bà. Duy biết cùng bà chăm em Thảm, dỗ dành em khi em khóc, chơi đùa với em cho bà đi chợ và biết bảo vệ em khi em bị đe dọa. Hơn nữa Duy còn rất thông minh, sáng dạ, khi còn học mẫu giáo tuần nào cũng được phiếu bé ngoan, lên học cấp một Duy và Việt làm toán cũng như học tiếng việt đều giỏi nhất lớp.
Ở Duy tuy sớm cứng cáp về mặt tinh thần như là một cách để em chống chọi lại với cuộc đời nghiệt ngã. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Duy vẫn còn là một đứa trẻ, trong tâm hồn sâu kín của em vẫn là tâm hồn của một đứa trẻ với nhiều ước mơ trong trẻo của tuổi thơ, nhiều suy nghĩ còn hồn nhiên, vô tư. Khi mẹ bỏ đi, em nhớ lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc của những ngày được sống bên bà và mẹ, những ngày mẹ đi xa về là mẹ ôm chầm lấy em hôn hít cho thỏa nỗi thương nhớ và tự hỏi “cái cảnh ấy rồi sẽ trở lại chứ?”. Trong tâm hồn thơ dại ấy vẫn luôn tồn tại tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp. Và dù có phải sớm rơi vào cảnh mồ côi, ngày đi học đối với Duy vẫn là ngày hội, Duy đến trường với một niềm háo hức, mong đợi những niềm vui nơi môi trường mới như những đứa trẻ cùng tuổi khác. Và khi Kim Phú hỏi em có thích làm đại úy hay không em vẫn hồn nhiên trả lời là “có” mặc dù em không chịu nộp tiền để được phong chức.
Ở bé Thảm, ta còn thấy em là một đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Em thuộc lòng rất nhanh những câu ca dao, tục ngữ mà bà hay nói. Trước một điều gì đó chưa rõ em sẵn sàng hỏi bà và anh với những câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ “tại sao có hai mắt hai tai mà chỉ có một mồm?” hay “tại sao ngáp lại chảy nước mắt?”… [13, 175]. Và Thảm rất biết thương bà, dù đang còn nhỏ nhưng em đã biết giúp đỡ bà trong mọi việc, bà mệt em biết hái lá ngải cứu đắp lên trán bà rồi nấu cháo cho bà ăn, biết làm món chả xương sông để bà ăn cho nhẹ mình. Em còn làm giúp bà những việc nội trợ trong gia đình và không quen làm nũng hay ỷ lại cho người khác. Và thẳm sâu trong
tâm hồn trẻ thơ của em hình ảnh người mẹ mà em chưa một lần biết mặt vẫn luôn hiện về trong giấc mơ. Em vẫn luôn ngồi một mình nhớ và mơ về mẹ, vẫn tin đến một ngày mẹ sẽ trở về bên em và có lúc em lại thủ thỉ cùng anh “đêm qua em mơ thấy mẹ em về” rồi có lúc lại nói chuyện một mình với một bóng hình tưởng tượng là mẹ “mẹ ơi, mẹ có nhớ con không? Con nhớ mẹ lắm mẹ à” [13, 258].
Không chỉ tái hiện Duy và Thảm, tác giả còn miêu tả những người bạn của Duy cũng với vẻ đẹp của sự ngoan ngoãn, trong đó có Việt. Trong tâm trí của Duy, Việt là người bạn tốt, không chỉ biết giúp đỡ Duy mà Việt còn là đứa trẻ học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn và khéo tay nữa. Dù được sống trong cảnh đủ đầy về vật chất và tinh thần, bố mẹ đều là cán bộ nhà nước nhưng không bao giờ Việt khoe khoang về gia đình mình hay tỏ ra khinh thường người khác. Đối với bà của Duy và Thảm, Việt là đứa cháu ngoan, đối với Duy, Việt là người bạn tâm giao, tâm tình còn đối với Thảm, Việt như một người anh hết mực yêu thương và bảo vệ em gái của mình khỏi nanh vuốt của cuộc đời.
Khác với hai tiểu thuyết trên, Chó Bi-đời lưu lạc lại xây dựng vẻ đẹp của trẻ em qua hình ảnh ẩn dụ chú chó Bi. Chó Bi được nhà văn miêu tả và khắc hoạ tính cách như là hiện thân của cái Đẹp- từ hình thức bên ngoài đến những phẩm chất bên trong. Chó Bi không thuộc loại phàm phu tục tử, giá áo túi cơm mà là một “trang hảo hán” đầy nghĩa hiệp. Bi không bao giờ tỏ ra bị nhục nhã trước miếng ăn. Nó luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nó giàu lòng tự trọng, đó là những phẩm chất đáng được ngợi ca ở “nhân vật” này.