7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
1.2.2.1. Ma Văn Kháng - nhà văn của gia tài sáng tác đồ sộ
Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, thực ra, văn chương đến với ông cũng là một sự tình cờ. Ngày bé ông thích văn, đã viết tham gia các cuộc thi của nhà trường nhưng không nghĩ mai này sẽ là nhà văn. Lớn hơn một chút, trong thâm tâm ông bắt đầu tâm niệm mình sẽ phải viết.
Ma Văn Kháng là một trong số người có tốc độ viết nhiều nhất trong số những nhà văn thế hệ ông. Dường như ít thấy ông ở những cuộc trà dư tửu hậu, những cuộc xôm tụ bạn bè, mà chỉ thấy ông tranh thủ từng giây khắc của cuộc đời để cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Nói về điều này, nhà văn Ma Văn Kháng khiêm tốn tự nhận mình là người cần cù, chịu khó và vẫn giữ được ngọn lửa men say trong cảm xúc. Bởi vì, văn chương là thứ mà ông đã sống với nó, chết với nó nên ngày nào còn sức khỏe, là ông còn đọc, còn viết. Rồi ông bảo, thực sự thì văn chương cũng mang lại cho ông nhiều thứ. Từ ngày khốn khó sống bằng nhuận bút, đến xây nhà dựng cửa cũng có phần của nhuận bút, đến tự cứu mình bằng việc mổ tim đặt stant động mạch vành cũng là tiền nhuận bút bao năm tích cóp.
Gia tài văn chương của ông cho đến hết năm 2013 có khoảng 200 truyện ngắn, 17 cuốn tiểu thuyết, một cuốn hồi ký, một tập bút ký- tiểu luận phê bình. Trong số này, có nhiều cuốn viết về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Xa phủ (1969), Bài ca trăng sáng (1972), Góc rừng xinh xắn (1972), Người con trai họ Hạng (1972), Mùa mận hậu (1972), Cái móng
ngựa (1973),... và các tiểu thuyết như: Gió rừng (1976), Đồng bạc trắng hoa xòe (1978), Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Vùng biên
ải (1983), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời
(1989),... Gần đây trong hai năm từ năm 2010- 2011, ông vừa cho ra mắt độc giả liên tiếp ba cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa, Bóng đêm và Bến bờ. Và năm 2013 ông có tiểu thuyết Chuyện của Lý. Có người bảo tiểu thuyết
Chuyện của Lý là cuốn sách cuối cùng của lão nhà văn này. Nói là vậy, ai
dám chắc được với niềm đam mê văn chương, sức lao động bền bỉ, dẻo dai và nghiêm túc, biết đâu ông vẫn còn tiếp tục cho ra lò những cuốn sách mà ông tâm đắc từ lâu đang được gấp rút hoàn thành.
Với số lượng tác phẩm văn chương khá đồ sộ như vậy, nhà văn Ma Văn Kháng đã từng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, như truyện ngắn
Xa phủ đoạt giải nhì của tuần báo văn nghệ 1968 - 1969. Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn được xem là cuốn tiểu thuyết viết về gia đình xuất sắc nhất
của ông được tặng giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985. Tập truyện Trăng soi sân nhỏ nhận tặng thưởng của Hội đồng Văn xuôi Nhà văn Việt Nam năm 1995 và giải thưởng văn học Đông Nam Á 1998. Truyện ngắn San cha chải nhận giải thưởng “Cây bút vàng” cuộc thi truyện ngắn và ký 1996 - 1998 do Bộ Công an và Hội Nhà văn đồng tổ chức. Năm 2001, Ma Văn Kháng được vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Đồng bạc trắng hoa xòe, Mùa lá rụng trong vườn.
1.2.2.2. Ma Văn Kháng - nhà văn mang phong cách riêng
So với các nhà văn đàn anh người dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu,… và các đàn anh dân tộc Kinh như Nguyễn Tuân và Tô Hoài, điểm xuất phát đến với văn chương của Ma Văn Kháng cao hơn, khi ông là sinh viên Ngữ văn của trường đại học Sư phạm Hà Nội. Đấy là một lợi thế rất đáng kể trên con đường văn nghiệp của ông sau này. Cũng như Nguyễn Tuân và Tô Hoài, ông không phải là người dân tộc thiểu số, nên dễ mắc nghiện bản sắc văn hóa của đồng bào cũng là điều dễ hiểu. Còn so với
các thế hệ các nhà văn đi sau là người dân tộc thiểu số như Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Inrasara,... thì thầy giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn lại có lợi thế so sánh ở bề dày kinh nghiệm, đặc biệt là thời gian tuổi trẻ ông từng bôn ba hơn 20 năm cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, tác phẩm nào của ông cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc và gặt hái được nhiều thành công xuất sắc đưa ông lên vị trí là nhà văn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ma Văn Kháng không chỉ khẳng định tài năng của mình với số lượng tác phẩm văn học đồ sộ mà hơn hết là những sáng tác của ông có giá trị lớn thấm nhuần tư tưởng nhân văn, triết lý, đạo lý ở đời một cách sâu sắc. Những tác phẩm của ông dù thuộc đề tài miền núi hay đô thị cũng đều khám phá tận cùng bản chất cuộc sống và khai thác hết mọi góc cạnh của con người nên người đọc có cảm giác được đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc đời, hiểu sâu về cuộc sống con người với muôn hình muôn vẻ với những xô bồ hỗn độn của nó. Ma Văn Kháng còn được coi là “người đi tiền trạm” cho đổi mới văn học. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều sáng tác của Ma Văn Kháng đã "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", từ đó tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Ông cũng là một trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại sáng tác thành công ở cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.
Có thể phân chia sáng tác của ông thành ba thời kì. Thời kì đầu là những sáng tác mang tính sử thi, với các tác phẩm tiêu biểu là Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải... Tư tưởng nhân văn được thể hiện ngay trong
những tác phẩm của ông trong thời kì đầu. Có thể thấy điều đó qua tác phẩm
Đồng bạc trắng hoa xòe. Trong tác phẩm, Ma Văn Kháng hiểu thấm thía một
hiện tượng cuộc sống đặc biệt đến quái dị là chế độ thổ ty phong kiến thế tập phiên thần đã tồn tại hàng trăm năm ở đây. Tác giả đã tái hiện một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi nhưng rắc rối vào bậc nhất của cách mạng Việt Nam được
tiến hành trên một vùng núi phong kiến thế tập phiên thần nghèo nàn và lạc hậu, đặt trong bối cảnh lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của dân tộc.
Ở thời kì thứ hai, ông chú ý tới những sáng tác thế sự - đời tư, với các tiểu thuyết như Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Ngược dòng nước lũ,
Đám cưới không có giấy giá thú,... bắt đầu từ giữa những năm 80 của thế kỉ
trước. Sau 1986, văn học từ cảm hứng sử thi chuyển sang cảm hứng thế sự, Ma Văn Kháng không là ngoại lệ của xu thế đó. Ông đã vững bước trên đường đổi mới với những cảm hứng mới, tâm thế mới và bút lực ngày càng mạnh mẽ. Sự nghiệp đổi mới văn học đã được khẳng định trong đó có đóng góp tích cực của cây bút điềm đạm mà quyết liệt, bình tĩnh chọn lựa, kiên định trước những chao đảo, nhiễu loạn của văn đàn khi không tránh khỏi những xu thế cơ hội và vụ lợi của cơ chế thị trường và mở cửa văn hóa hội nhập toàn cầu. Ma Văn Kháng trải qua quá trình đổi mới với những nhọc nhằn nhưng can đảm và nhẫn nại. Nhà văn là một minh chứng cho thái độ chừng mực, ôn hòa mà kiên cường, khí phách. Nhà văn đã nhìn hiện thực cuộc đời với cái nhìn mới nhiều chiều để thấy cả bề mặt lẫn bề sâu với tất cả quan hệ ngổn ngang, chồng chéo, phức tạp của nó. Con người là đối tượng để khám phá không còn và không thể được quan niệm như trước. Đó là con người trong mối quan hệ đa chiều lịch sử, xã hội, gia đình và với chính mình, là con người trong tính toàn vẹn, phong phú và phức tạp, có hạnh phúc lẫn khổ đau, có cao cả lẫn thấp hèn, bóng tối lẫn ánh sang.Với Ma Văn Kháng, con người, đó là một luận đề lớn ngày càng được nhận thức, chiêm nghiệm với chiều sâu triết học, xã hội học, văn hóa học và tâm lý học. Có thể lấy ví dụ bằng Mùa lá rụng trong vườn - một tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, hoàn thành vào tháng 12 năm 1982 và được xuất bản lần đầu vào năm 1985. Lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến
tranh, gây ra nhiều thay đổi tốt có, xấu có; truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình - tế bào của xã hội. Truyện đã giành giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
Và thời kì thứ ba có thể nói là giai đoạn tác giả đi ngược trở lại quá khứ, hồi tưởng về quá khứ, bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ XXI với cuốn hồi kí Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, tiểu thuyết Gặp gỡ ở La
Pan Tẩn, Một mình một ngựa. Một mình một ngựa là câu chuyện của một
nhân vật mang tên Toàn chuyển đổi môi trường sống, từ một cán bộ trong ngành giáo dục được tổ chức điều động trở thành thư kí riêng cho bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền núi. Cuốn sách mang tính tự truyện rõ rệt. Ở tiểu thuyết Một
mình một ngựa câu chuyện được kể lại kết hợp lời kể của một nhân vật văn
học vừa là lời của chính tác giả, kẻ lẩn mặt, cố tình không xưng tôi để kể lại câu chuyện của mình.
Suốt 50 năm miệt mài cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã để lại dấu ấn riêng biệt trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả. Đồng thời, nhiều tác phẩm của ông đã cắm những dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học.
Ma Văn Kháng giờ đã ở tuổi 76 tuổi song ông vẫn lao động chữ nghĩa, vẫn có bạn đọc. Bên cạnh ông luôn có những người yêu mến, những người bạn tri âm. Nhìn ông làm việc, nhìn ông được đón nhận thành quả, nhìn ông lắng nghe nghiêm cẩn và cầu thị, nhiều người ước ao, đến tuổi ấy mà được như vậy thật chẳng gì bằng. Tên tuổi của ông vẫn còn sức sống với thời gian và những tác phẩm của ông vẫn luôn sống mãi trong lòng bạn đọc.