Giọng triết lí, suy tư

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 89 - 92)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng triết lí, suy tư

Ngoài giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, người đọc cảm nhận rõ sắc thái giọng điệu triết lý suy tư trong tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời. Giọng

điệu này được nhà văn sử dụng khá dày và có hiệu quả trên từng trang sách. Sắc thái ấy thường được nhà văn đề cập đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, khi nhà văn đi tìm giá trị tinh thần đích thực vĩnh hằng hay khi nhân vật bày tỏ những suy tư về tình người, tình đời hoặc khi nhân vật phân tích lý giải, khái quát một hiện tượng nào đó. Cụ Lã - người mẹ chồng hiền từ, nhân hậu, thủ thỉ với con dâu những lời khuyên chân thành nhất: “Mẹ xem con người này không phải là người tử tế đâu. Con là gái có chồng, có gia đình con cái rồi, con phải giữ gìn sao cho khỏi điều ong tiếng ve. Nhất là khi chồng con xa cách. Nào mẹ đâu có phải con người cổ hủ bắt ne bắt nét con phải cấm cung, ru rú xó nhà. Nhưng phải chọn bạn mà chơi con ạ” [13, 16]. Hay khi tác giả trần thuật khái quát cuộc đời gian khổ, nhiều đắng cay của người bà: “Khổ, từng ấy tuổi đầu, qua mọi khúc đoạn trường rồi, chưa bao giờ bà tôi lâm vào cảnh huống bi thảm như thế. Gần bảy chục tuổi đầu rồi, lần thứ hai bà tôi phải nuôi con nhỏ. Mà nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh này, ngoài nhịn ăn nhị mặc mà bà tôi và tôi chấp nhận, chỉ còn một cách nữa là đi ăn mày, xin cho em Thảm bú chực thôi” [13, 135], giúp người đọc thấm sâu hơn những vất vả, gian nan, cay đắng, nhục nhã của cuộc đời nhân vật bà.

Nhà văn còn sử dụng giọng điệu triết lý suy tư khi cần đi sâu phân tích một vấn đề, một khía cạnh nào đó. Duy đã lập luận thật sâu sắc về những thiếu thốn trong cuộc sống mà trước hết “cái ăn vẫn là nguyên cớ đày đọa nặng nhọc nhất với con người” vì “cái ăn mới là cái đòi hỏi sát sườn, liên tục hàng ngày. Người ta không thể ăn một lần cho sáu tháng, một tháng, một tuần thậm chí một ngày, vài ba tiếng đồng hồ một lần con người ta lại phải được ăn rồi” [13, 141-142]. Cũng như thật sâu sắc khi Duy cảm nhận những tình cảm của những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, “may mắn thay, cuộc sống không bao giờ ở vào thế tuyệt vọng (…) trong nỗi đau khổ được con người nhân hậu nghiêng xuống lắng nghe, thông cảm cũng có thể được vơi

bớt đi và người ta có thể vì thế có thể lại vui sống được, huống hồ ở đây; lại còn sự ghé vai, giúp sức! Ở hiền gặp lành, ngẫm ra điều bà tôi thường hay nhắc nhở ấy thật đúng” [13, 142]. Còn khi Duy được chú Dũng luyện cho một số món võ phòng thân thì cậu lại có một cách lập luận rất mới mẻ: “Kỳ lạ! những món võ uyển chuyển sôi động, bất ngờ lại là những bông hoa lửa mọc trên mảnh đất bằng bặn, thanh bình. Thì ra lòng chính trực là cơ sở của mọi hành động. Và võ thuật cao quý không bao giờ là biện pháp để thực hiện những mục đích đê hèn được” [13, 205]. Và nhân vật người bà thì lại nhận xét ảnh hưởng của đồng tiền một cách rất độc đáo: “Tiền vào nhà nào là gây hỗn loạn nhà đó. Vì trong chúng có chứa hồn ma bóng quỷ. Phải là người vững mới trị được chúng” [13, 91].

Chuyện của Lý cũng chứa đựng rất nhiều những suy ngẫm, triết lí sâu

xa, hướng về nhân bản, bênh vực quyền con người của Ma Văn Kháng. Để đưa ra những triết lí thuyết phục, ông thường đặt nó vào những tình huống cụ thể rồi từ đó phân tích, lí giải, lập luận và đúc rút thành một nhận xét tinh tế. Từ sự việc bí thư Văn Quyền, tên lưu manh gian ác, kẻ lừa đảo, trụy lạc đã gây nên những vụ náo loạn ở trong chi bộ cơ quan huyện ủy Phong Sa, vụ mẹ Nhu có con bị ông Quyền sỉ nhục, rủa sả nặng nề: “Con đàn bà chửa hoang… Xưa đàn bà mắc tội này còn bị làng bắt vạ, còn bị gọt đầu, bỏ rọ trôi sông. Còn bây giờ, có nơi người ta con bắt đeo biển đi dong phố kia kìa” [17, 130]. Mục đích mạt sát của ông Quyền về chuyện có con của Mẹ Nhu là muốn cho dư luận đồng tình với ông để đẩy hai mẹ con Lý vào tình thế bị cô lập, tách biệt. Nhưng qua triết lí của ông Thòn, “cái tội” của mẹ Nhu đã được xóa trắng. Điều này đã được ông Thòn - người là bậc đại hiền, là ông thánh tông đồ giàu lòng bác ái đưa ra một triết lý sâu xa: “không có con thì làm sao có cuộc đời này. Không có đứa trẻ thì làm sao có cuộc sống và tình yêu thương!” [17, 133]. Sau đó, ông Thòn lại nói với bà em gái của mình với những suy nghĩ rất đời thường: “Này,

bà Pham…trong làng bản có ba thứ âm thanh vô cùng quý giá…Thứ nhất là tiếng trẻ con nô đùa. Thứ hai là tiếng đọc sách. Thứ ba là tiếng xa quay, dệt vải. Đó, cái Lý của người Dao, của mọi người là thế đấy! Mà mẹ Lý đâu có phải là người làm nên tội! Khổ, cô giáo đã cất công từ miền xuôi lên đây để dạy chữ cho người miền rừng xanh núi đỏ mình” [17, 58].

Trong truyện, thông qua xây dựng hai hệ thống nhân vật thiện - ác, tác giả đã thể hiện triết lí về cái thiện và cái ác nằm trong thể nhất nguyên, chúng luôn luôn tương nhập trong một vận động đầy mâu thuẫn. Sự phát triển xã hội bao gồm cả vận động thụt lùi mang tính chất phá hoại. Hiện tượng tha hóa của bí thư Văn Quyền là một ví dụ tiêu biểu. Cho nên, cuộc sống của những con người như Khánh, như Nhu và bao người tốt đẹp khác mà lại để nó tồn tại, hoành hành lâu đến như thế? Câu hỏi vừa chứa đựng chân lí vừa ẩn giấu một nỗi buồn man mác của Ma Văn Kháng trước nhân tình thế thái. Nỗi buồn đó không có sắc thái của sự bi quan, chán nản mà nó xuất phát từ tình yêu thương con người, muốn bảo vệ lẽ phải và sự công bằng trong cuộc sống của nhà văn.

Có thể nói, trong tiểu thuyết này tác giả đã sử dụng giọng điệu triết lý suy tư rất đậm đặc, phù hợp với cách nhìn, cách tư duy và hệ thống nhân vật của tác giả. Nhờ sắc thái giọng điệu này đã góp phần làm cho những trang viết của nhà văn có bề sâu trí tuệ, đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc, thấm thía nhiều điều từ cuộc sống còn nhiều bộn bề, phức tạp hôm nay.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 89 - 92)