Già uý chí, nghị lực, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 57 - 62)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Già uý chí, nghị lực, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ

Không chỉ ngoan ngoãn, giàu lòng thương yêu con người; các em còn toát lên ý chí, nghị lực, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Nếu không có ý chí, các em đã bị cuộc đời vùi dập. Chỉ có tự vươn lên, bảo vệ được mình thì các em mới có thể giúp được bà, được mẹ. Hình ảnh các em đẹp như một mầm măng, tự vươn lên đón nhận ánh sáng mặt trời. Nó cũng làm ta gợi nhớ tới nhân vật bé Hồng - cậu bé sớm mất bố, xa mẹ, chịu sự nanh độc của họ hàng; song cậu tự ý thức được sự tàn ác của họ hàng với mẹ; thậm chí còn ước gì phá tan được những định kiến gớm ghiếc đó.

Trong Chó Bi - đời lưu lạc, ẩn dụ chú chó Bi lại tiếp tục làm sáng lên vẻ đẹp mạnh mẽ, phi thường của con người nói chung, của trẻ em nói riêng với những kẻ đi bằng hai chân mà khó có thể gọi là người. Bi tỏ ra cực kì nhạy cảm và quyết tâm truy kích đến cùng cái ác mỗi khi có cơ hội. Nó coi thường ra mặt kẻ hợm của mà tỏ ra thương hại bà Trang là ông Mệnh. Nó tấn

công tên Viễn cụt, trong chiến tranh thì tự chặt ngón tay mình để được về tuyến sau; hoà bình lập lại, gặp thủ trưởng cũ- ân nhân của nó, không ơn thì chớ, nó rắp tâm vu cáo để thủ trưởng vào tù rồi ở nhà giở đủ trò bỉ ổi, đê tiện nhằm chiếm đoạt vợ người ta. Nó khinh thường ra mặt thằng Xuân Chương đàng điếm, dốt nát, chuyên xúi nguyên giục bị mà lại làm trưởng ban văn hoá- văn nghệ phường. Nó cắn con mụ Lên chảy máu vì tính dâm đãng, tham ô, gắp lửa bỏ tay người.

Ở Chuyện của Lý, Lý cũng xuất hiện trong nghị lực phi thường. Hai mươi sáu chương tiểu thuyết Chuyện của Lý như là một “biên niên” cuộc đời, cả trong những nốt thăng, cả trong những nốt trầm của nó. Bắt đầu một sự sống nhỏ nhoi “Trong cái nôi đan vành quết dầu nâu óng, giữa những chăn tã, cái trắng tinh, cái xanh chàm là khuôn mặt tròn trịa trắng hồng của cái Lý mới hai tháng tuổi. Cái Lý vừa tỉnh giấc. Nó đưa hai nắm tay lên dụi mắt, rồi ngáp một cái rõ to, đoạn ngọ nguậy hai bàn chân mũm mĩm, miệng kêu hẹ hẹ” [17, 46]. Cứ thế với thời gian, cứ thế với cuộc đời trong mọi thăng trầm, cứ thế bất chấp rủi ro, Lý lớn lên như một bằng chứng của quy luật “sự sống chẳng bao giờ chán nản”, của quy luật “sự sống có thể đứng ngoài mọi sự hủy diệt" (kể cả lúc hổ dữ đổ bóng xuống, cái chết kề gang tấc, cũng chẳng sao). Hình tượng Lý là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Có nghĩa là, Lý là đứa trẻ chủ động, tích cực tiếp nhận kiến thức bằng sức lực, khả năng riêng của mình. Lý được tiếp nhận cả từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương (ngôn ngữ Dao với ông Thòn, bà Pham) và từ ngữ của các nước Ấn - Âu từ các câu chuyện như bé bán diêm, Cậu bé Lu La hay các câu châm ngôn, các tác phẩm cổ điển văn

học thế giới của hai người bố lưu trữ và để lại cho Lý. Lý là đứa trẻ hình thành một nhân cách, nhân cách này là sản phẩm của cuộc sống bản địa và hội nhập. Lý trở thành một thiếu nữ phát triển toàn diện cả về sức khỏe, trí tuệ và sở thích. Lý có đủ bản lĩnh để bước vào cuộc đời đầy thử thách gian nan. Lý

trở thành một tài năng, trở thành những “công dân ưu tú, có ích cho gia đình và xã hội”.

Lúc Lý đi học, cô thường xuyên hoạnh họe, bắt bẻ, dằn hắt Lý. Nhưng được mẹ Nhu uốn nắn, dạy bảo thấu tình đạt lý, Lý biết dàn hòa với bạn, nhất là bạn Yến luôn được cô Viêng bênh vực, gây mất đoàn kết với Lý. Sau một thời gian sống đoàn kết, giúp đỡ, động viên nhau cùng phấn đấu học tập, cuối cùng, lớp học của cô Viêng chủ nhiệm có Bảo, Lý, Yến đều đang học lớp ba, nhưng do học xuất sắc nên được Phòng Giáo dục cho đặc cách thi với các bạn lớp bốn toàn huyện. Giờ đây, Bảo, Lý, Yến ai cũng vui và họ đã trở thành bộ ba thân thiết với nhau trong suốt quãng thời gian học tập và kể cả sau này. Đến đây, Lý đã hoàn toàn nhập vai một thành viên của cái tập thể học trò cùng lứa, Lý đã san bằng được sự khác biệt về số phận. Bằng năng lực của chính mình, Lý đã tự khẳng định được mình. Đặc biệt là hành vi liều mình của Lý đã giết con rắn độc vì sự an toàn cho cô. Hành động hi sinh vì người khác của Lý đã làm cho cô Viêng không những nảy sinh thiện cảm, mà cô còn cảm thấy ân hận và nhận ra là người có lỗi với Lý.

Để rồi khi Lý lớn lên, đẹp rạng rỡ như trăng rằm, ấy là khi câu chuyện kết lại: “Biết bao thời gian đã qua đi và đọng lại cho hôm nay. Em là đứa bé được mẹ ấp ủ, được cha đẻ và bố dượng soi đường, được bà ngoại, bà Pham ông Thòn thương yêu nuôi dưỡng, dạy bảo. Bất chấp những đổi thay của thời cuộc, thể chế và thời gian, với em đó sẽ mãi mãi là những con người đẹp nhất, hoàn thiện nhất của mọi cuộc đời. Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ cả các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây” [17, 349]. Cùng với học vấn và nỗ lực tự rèn đúc, Lý hiện lên qua ngòi bút của nhà văn như một mầm sống hồn nhiên và tràn đầy sinh lực trong dòng chảy lịch sử phức tạp.

Chuyện của Lý như một cuộc “phiêu lưu” mới của Ma Văn Kháng, bởi

trong tiểu thuyết này ông tái hiện một hình mẫu văn chương “chủ nghĩa hiện thực XHCN” đã được điều chỉnh bằng việc xây dựng các hình ảnh con người lý tưởng để bổ sung và làm mới tính lý tưởng của văn học cách mạng. Thêm vào đó là những yếu tố mô tả các dục vọng của con người. Đấy có lẽ thuộc về những “yếu tố phiêu lưu”, bởi chúng làm mờ nhòe các nét điển hình của nhân vật đã được xây dựng theo lối “điển hình hóa” quen thuộc.

Trong Côi cút giữa cảnh đời,với tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự kiên nhẫn và cứng cỏi của người bà; hai đứa trẻ lớn khôn, khỏe mạnh, đầy ý chí, nghị lực như là sự bù đắp công ơn nuôi dưỡng của bà. Viết về cuộc sống khổ đau của ba bà cháu, tác giả đã dành những trang văn cảm động nhất nhưng cũng dạt dào tình yêu thương sự trân trọng. Qua đó ông cũng thể hiện rõ quan điểm của mình trước cuộc sống. Chính những đớn đau, bất hạnh mà cuộc sống mang lại đã rèn đúc nên những con người mạnh mẽ, kiên cường và không nao núng trước những khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

Duy là một đứa trẻ giàu ý chí nhất trong nhà. Duy còn sớm thể hiện là một đứa trẻ cứng cáp, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ với những kẻ muốn bắt nạt em, dù đó là bạn bè cùng trang lứa hay là người lớn. Lần đầu tiên đến lớp bị bạn bè trêu chọc em chỉ biết im lặng và chịu đựng nhưng khi bị Văn Giang hích ngầm vào vai thì Duy đã “thừa lúc cô giáo quay đi, thúc nhẹ khuỷu tay vào sườn nó” và khi bị Kim Phú đánh lại Duy đã kháng cự lại một cách mạnh mẽ với suy nghĩ “mình không cứng là bị nó ăn thịt liền”. Còn đối với người lớn, Duy cũng phản kháng lại một cách quyết liệt không sợ sệt, khi bị cô giáo Thìn kéo tay đi trong cơn giận dữ, lần đầu tiên Duy ứa nước mắt và biết phản kháng đã giật tay ra khỏi cô. Còn lần bị cô Tuyết mắng oan khi đánh Kim Phú, Duy đã “cúi gằm, mặt ê dại đi. Trời! Tôi đã bị sỉ nhục. Cô ơi, sao cô lại có thể gán cho em cái ý nghĩ đê hèn, đốn mạt như thế” [13, 233].

Nhưng đến khi mẹ Kim Phú mắng chửi Duy và xúc phạm đến gia đình thì em đã không còn cảm giác nhục nhã mà “căm phẫn”, và gầm lên “bà im đi”. Ngay cả với lão Hứng cùng nhân tình của lão, Duy cũng không ngần ngại “cầm ngay cái chổi, đập bộp vào tấm vách ngăn và lao ra cửa, sừng sộ: hai đứa chúng mày cút đi! Không được làm em tao sợ?” [13, 132].

Ngay từ nhỏ Thảm cũng đã là đứa trẻ giàu nghị lực và quyết tâm “em mon men thành giường tập đi (…) đôi chân em bấy bớt quá nhưng em hăm hở một ý chí đi tới (…) Em nghiến răng, rời bỏ cái thành giường” [13, 162] và em quyết tâm bước những bước nặng nề đầu tiên đến với bà và anh. Dù bị ngã, em không khóc và sau mỗi lần ngã em lại cố gắng đứng dậy tập đi. Cứ như thế em lớn lên trong sự khốn khó, thiếu thốn về vật chất, tình mẫu tử nhưng lại êm ấm bên bà và anh cùng với sức sống dẻo dai và một khát vọng sống mãnh liệt. Em đã trải qua những tháng ngày đói khát, những trận ốm kéo dài triền miên với những căn bệnh mà bà gọi đó là “nợ đời” phải trả để lớn lên là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành. Cũng giống như Duy, để chống chọi lại với cuộc sống, ở Thảm sớm chứa đựng tinh thần đấu tranh, phản kháng quyết liệt. Em lớn nhanh, dễ nuôi, khác với đứa trẻ cùng lứa, em chẳng đòi hỏi gì cả. Thảm nhanh nhẹn, thông minh, hay nói, hay chuyện, rất đáo để. Nó là đứa trẻ không chịu khuất phục trước một sức mạnh nào từ trò ma cũ bắt nạt ma mới của mấy bạn trong lớp đến những lời nói không mấy thiện cảm của cô giáo Thìn trong ngày đầu tiên vào lớp. Bé Thảm sống dồi dào và phong phú hơn Duy. Nếu như nhiều lúc Duy cảm thấy chơ vơ, mặc cảm giữa một tập thể gồm những cá nhân tí hon nhìn thì vui mắt nhưng cũng đủ mọi chuyện phức tạp, rắc rối thì bé Thảm hoàn toàn khác. Em “xông xáo, ngây thơ, thẳng thắn, tin yêu. Nó không hề có mặc cảm kém cỏi để câm lặng, chịu nhận thua thiệt. Nó lăn xả vào đòi công bằng. Và nó chinh phục được cả người có thành kiến với nó” [13, 270]. Trong mọi hoàn cảnh, Thảm luôn biết đứng lên tự bảo vệ mình, biết ngoan ngoãn đúng lúc

nhưng cũng biết kháng cự, chanh chua đúng lúc. Khi bị Vành Khuyên bắt nạt, lúc đầu em chỉ nói “chị lớn hơn tôi chị không được nói thế” nhưng khi Vành Khuyên định đánh em thì em đã kịp bóp mạnh nước trong giẻ rửa bát em đang cầm trên tay rảy vào mặt Vành Khuyên và làm cho con bé phải ôm mặt chạy về nhà. Trong ngày đầu tiên đến lớp học, em đã dám “giẫm chân lên một đứa và hai tay thúc mạnh đứa còn lại” khi hai đứa kia giở trò bắt nạt em và khi bị cô giáo nhắc nhở em không ngần ngại trả lời “thưa cô, hai bạn ấy định trêu cháu” [13, 254]. Ở trong tâm hồn của Thảm rõ ràng đã có sự cứng cỏi và không chịu thua kém người khác và Duy đã nhận xét rất sâu sắc về em: “Thảm đứng vụt lên là một đứa gan dạ, tình cảm nhưng cũng rất mãnh liệt. Nó ngây thơ, thẳng thắn, tin yêu, bạo dạn. Nó không hề có mặc cảm kém cỏi để câm lặng và cam nhận phần thua thiệt. Nó lăn xả vào đòi công bằng và nó chinh phục được cả người có thành kiến với nó” [13, 256 - 257].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w