Giọng trữ tình, thiết tha, sâu lắng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 86 - 89)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Giọng trữ tình, thiết tha, sâu lắng

Bước vào thời kỳ đổi mới, khi cuộc sống trở nên bộn bề, phức tạp, Ma Văn Kháng đã có nhiều trăn trở suy tư. Điều trăn trở nhất của ông chính là làm sao để mô tả được dòng chảy trong trẻo giữa cuộc sống trong - đục hôm nay. Chính Ma Văn Kháng đã từng tâm sự: “Thôi thúc tôi viết bao giờ cũng là cái đẹp thật xúc động, thật cao cả, thật khiêm nhường và lớn lao trong những đau buồn nhất. Tôi gửi gắm niềm tin yêu của tôi vào tất cả những đắng cay, xót xa của các thân phận. Bằng cách đó tôi biểu lộ tình yêu với cái đẹp của

cuộc sống…”. Có lẽ vì thế mà trong các tác phẩm của mình, ông luôn tìm tòi, thiết tha thể hiện mọi điều tốt từ cuộc sống, từ con người, ông luôn trân trọng và hướng tới cái chân - thiện - mĩ, tới cội nguồn văn hóa đạo đức truyền thống dân tộc. Chính vì thế nhà văn đã tìm đến giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, và trong các sáng tác của ông giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng là giọng điệu nổi trội, chủ đạo hơn cả. Trước hết, trong tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh

đời, giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng được Ma Văn Kháng sử dụng khi

nhân vật thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn cuộc đời, biết ơn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Người đọc đi vào thế giới tâm linh với khói hương nghi ngút nơi bàn thờ, nơi nghĩa trang và ta không khỏi bùi ngùi khi bà Lã đứng trước bàn thờ chồng, bàn thờ tổ tiên, hết lòng thành kính: “Ở dưới đó ông có thiếu thốn gì không? Bà bảo: mấy chục năm xa cách đôi ngả nhưng bà và các con cháu vẫn thương nhớ ông, vẫn thụ hưởng công đức, ơn ưu của ông. Bà kể chuyện gia đình những ngày gần đây cho ông nghe. Bà chẳng giấu ông được gì…” [13, 81]. Ở đoạn văn này, giọng điệu trữ tình bắt đầu từ chính cảm xúc sâu lắng, chân thành của nhân vật khi thể hiện niềm tâm giao với người đã khuất. Giữa người sống và người chết như có thần giao cách cảm, có thể tâm sự, chia sẻ được với nhau. Trong một đoạn văn ngắn, tác giả đã thể hiện đầy đủ cung bậc của một cuộc hội thoại “bà hỏi”, “bà bảo”, “bà kể”… làm cho người đọc hiểu bà đang tâm sự với chồng trong mối giao hòa sâu sắc nên mạch trữ tình trở nên thiết tha sâu lắng hơn.

Giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng trong tác phẩm còn được thể hiện qua hình thức bức thư, đó là khi tác giả để cho một nhân vật khác bày tỏ tâm tư, tình cảm cũng như những chiêm nghiệm suy tư về cuộc đời, về con người mà mình đã trải qua. Cô Quyên bày tỏ tình cảm, sự biết ơn trân trọng của mình đối với bà cụ Lã nhưng cũng đồng thời thể hiện cái nhìn lạc quan của mình vào tương lai vào cuộc sống: “Bà ơi, con đã khóc hết nước mắt. Con

chẳng thiết sống nữa. Nhưng có lẽ con còn chưa chết được vì còn những điều kỳ diệu níu giữ con, vì con còn bà. Bà cho con sức mạnh niềm tin. Từ cuộc đời bình dị tháng ngày của bà, bà nói với con rằng: dẫu có thế nào thì cũng cứ phải cứng cỏi, ghánh vác chống trả, vì đã có một chân lý được đúc thành vàng tôi: hết cơn bĩ cực đến tuần thái lai. Trong vận động của cuộc sống, điều vô lý sẽ bị chính ngay đời sống xóa bỏ. Ừ thì chẳng bao giờ cũng có thể đạt tới sự thành công bằng hoàn toàn, nhưng không thể có chuyện cứ mãi mãi bất công lộn xộn, bê bãi như bây giờ” [13, 168].

Còn trong Chuyện của Lý, bên cạnh những câu chuyện rất buồn với bao nỗi ngặt nghéo về nhân tình thế thái mà những nhân vật như mẹ Lý, bố Khánh, bố dượng Dương và Lý đã phải trải qua, còn có không ít những trang văn khắc họa cảm động về tình cảm gắn bó khăng khít giữa Lý với những người đã bao bọc và cưu mang Lý như bà Pham, ông Thòn, bố dượng Dương… Nhưng rạng rỡ nhất vẫn là mẹ Nhu. Chính những tình cảm tươi mát và cảm động của Lý đối với mẹ Nhu đã làm dịu mát, đã làm tan biến đi, đã làm lành những vết thương nhức nhối trong cuộc sống đa tạp đa sắc mà con người đã phải gồng mình lên để chống chọi, vượt qua. Bởi vậy, khi đọc tác phẩm người đọc không bị rơi vào cảm giác quá đột ngột về hiện thực, quá bi quan về cuộc sống bởi Ma Văn Kháng biết cách điều hòa tâm hồn họ, biết cách làm cho họ nhận ra những mặt hạn chế của hiện thực nhưng cũng luôn thấy những ánh sáng lấp lánh của cuộc sống để tin tưởng, để hi vọng. Với việc tìm ra và làm nổi bật những hạt ngọc tâm hồn, những vẻ đẹp vĩnh cửu luôn ẩn giấu trong cuộc sống phồn tạp đã tạo nên chất trữ tình đặc sắc trong tác phẩm Chuyện của Lý.

Giọng điệu trữ tình ấy biểu hiện qua tình cảm thiết tha của mẹ Nhu dành cho người chồng đã hi sinh: “Thương nhớ anh cũng không biết bao giờ nguôi’’ [17, 126]. Đặc biệt cụm từ: “anh thương yêu”, “anh yêu quý”, “anh vô

vàn yêu thương của em”…đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, nó như chất chứa một tình yêu thương vô bờ của mẹ Nhu với bố Khánh: “Em yêu con, yêu anh… dù khó khăn trắc trở thế nào, em cũng chịu đựng và vượt qua được. Em không gục ngã đâu! Em và con mong đợi anh trở về sum họp từng phút từng giây” [17, 138]. Cuối cùng sự chờ đợi của mẹ Nhu và Lý về bố Khánh cũng chỉ là vô vọng. Bố Khánh đã hi sinh trên chiến trường vì dân tộc, vì đất nước, vì mọi người và vì mẹ Nhu và Lý.

Giọng điệu ấy còn thể hiện qua tình yêu của Lí với bố khánh. Trong giấc ngủ chiêm bao, Lý đã được gặp bố Khánh và nói chuyện rất ân cần Mặc dù âm dương cách biệt nhưng bố Khánh vẫn hiện về trong kí ức của Lý. Bố Khánh là người đã dành cho Lý những tình thương yêu vô hạn. Giọng điệu trữ tình sâu lắng, thiết tha ở đây còn được toát lên từ tấm lòng biết ơn sâu nặng của Lý đối với bố dượng Dương. Những câu văn ngắn, nhịp điệu chậm chạp phù hợp với những suy tư sâu lắng, dạt dào trong tình cảm kính yêu, cảm phục của Lý về bố dượng. Đồng thời, với giọng điệu trữ tình sâu lắng, thiết tha cũng đã làm toát lên lời ngợi ca hết sức chân thành của bố dượng về Lý - đứa con gái của bố Khánh, mẹ Nhu cũng là con gái của mình đẹp một cách hồn hậu, trong sáng và thánh thiện.

Sử dụng giọng điệu nghệ thuật này, Ma Văn Kháng đã tạo nên những trang văn dạt dào cảm xúc, những trang văn đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả; những trang văn đi sâu vào lòng người hôm nay để người đọc cảm nhận rõ sự hỗn độn trong trẻo của nó mặc dù ở đó còn biết bao điều bất cập, bất ổn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Ma Văn Kháng (Trang 86 - 89)