7. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Khái niệm điểm nhìn trần thuật
Điểm nhìn chính là ngôi kể của truyện. Truyện bao giờ cũng được kể từ một điểm nhìn nhất định và bởi một người kể chuyện nào đó. Pospelov khẳng định vai trò quan trọng của điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm tự sự: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật, hay, nói cách khác, điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” [5, 90].
Theo lí thuyết tự sự học, có ba kiểu nhìn (gắn với ba kiểu điểm nhìn) phổ biến ở người kể chuyện:
- Nhìn “từ đằng sau” (gắn với điểm nhìn toàn tri) khi người kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả. Thường là tác giả kể.
- Nhìn “từ bên trong” (gắn với điểm nhìn bên trong) khi người kể chuyện là nhân vật. Điểm nhìn bên trong thường thể hiện qua độc thoại nội tâm của nhân vật.
- Nhìn “từ bên ngoài” (gắn với điểm nhìn bên ngoài): Đây là điểm nhìn của người kể chuyện khi anh ta đứng ngoài, chỉ kể “chuyện” chứ không hiểu rõ tâm lí nhân vật. Đây cũng là điểm nhìn từ các nhân vật khác.
Truyện được kể qua cái nhìn của ai? Đó là tác giả hay nhân vật? Người kể chuyện có thể mang điểm nhìn của tác giả, song tác giả không phải là trung tâm của truyện kể và không có vai trò đáng kể trong việc tổ chức truyện. Điểm nhìn và người kể chuyện trở thành hai phương diện không thể tách rời.
Trong nghệ thuật kể chuyện có những tác phẩm chỉ có một kiểu điểm nhìn từ đầu đến cuối, có những tác phẩm phối ghép nhiều kiểu điểm nhìn hoặc luân phiên trượt điểm nhìn. Nếu tác giả là người đứng ngoài thì câu truyện đảm bảo tính khách quan, còn nếu để nhân vật kể, câu truyện sẽ tăng tính chủ quan, theo cảm nghĩ của nhân vật ấy. Dù nhà văn kể với tư cách là người kể chuyện hàm ẩn hay trao quyền cho nhân vật, dù từ điểm nhìn nhân vật hay điểm nhìn của chính bản thân, mọi cách nhìn, xuất phát từ mọi điểm nhìn đều thể hiện được (trực tiếp hay gián tiếp) quan niệm, tư tưởng, thái độ của chủ thể sáng tạo.