7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Giàu lòng yêu thương, gắn bó, chia sẻ
Hoàn cảnh càng khó khăn, càng bị bắt nạt thì các em lại càng biết thương người, san sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác. Đầu tiên là tình
thương yêu, gắn bó, chia sẻ với các thành viên trong gia đình mình. Các em thấu hiểu nỗi khổ của người thân, luôn cố gắng làm mọi thứ để giúp đỡ gia đình. Nhưng ngoài ra, các em còn biết chia sẻ tình yêu thương với cả những người xung quanh, thậm chí những con vật nuôi trong gia đình.
Trong Chó Bi-đời lưu lạc, tác giả đã thể hiện tình yêu thương giữa chú chó Bi với cả gia đình nhân vật tôi, đặc biệt là tôi - chú bé con út trong gia đình. Chó Bi được nhà văn miêu tả tuyệt đối trung thành với chủ và có một đời sống thuỷ chung tình nghĩa. Phần lớn truyện là những sự kiện mà tính cách Bi được khẳng định trong quan hệ với thế giới con người, trước hết là những người có học vấn, có nhân cách cao và chan chứa tình thương với nó như bà giáo Trang, cậu Toản, ông Thuần, người phóng viên báo Lao động... Ở những mối quan hệ này, nó tỏ ra rất xứng đáng và thể hiện nhân tính cao. Chú bé út vô cùng yêu chó Bi, hàng ngày chú vẫn chăm sóc, cho Bi ăn, tắm rửa. Cả hai thành người bạn thân thiết. Trong lần Bi huyết chiến với kẻ thù mạnh hơn gấp bội là con Xồm độc ác của nhà Viễn cụt; chú bé vừa thương xót, vừa động viên Bi cố vượt qua đòn hiểm của con Xồm. Có lẽ nhờ sự động viên ấy, Bi đã đảo ngược tình thế, làm con Xồm suýt mất mạng.
Trong Chuyện của Lý, Lý xuất hiện trong tình yêu thương của mọi người, và bản thân em cũng tràn đầy tình cảm với gia đình, quê hương. Lý được mẹ ấp ủ nên em là đứa trẻ giàu lòng tình yêu thương, Lý hết lòng giúp đỡ bạn bè, gần gũi với cha mẹ, ông bà. Lý là điểm tựa tinh thần để mẹ vượt qua những cơn ốm đau hay sự mất mát đau thương vì bố Khánh. Lý được bố đẻ và bố dượng, hai mẫu hình hoàn thiện nhân cách, soi đường. Lý được mọi người đùm bọc yêu thương và được cuộc sống, học vấn bồi đắp, rèn đúc. Lý là cái mầm sống hồn nhiên và tràn đầy sinh lực, là hình ảnh một con người sống trong dòng chảy lịch sử đa sắc tạp bằng tất cả sức mạnh tự nhiên và ngạo nghễ, hoàn chỉnh tư cách con người của mình. Lý là hình ảnh một thiếu nhi
Việt Nam lớn lên trưởng thành trong cuộc sống vừa phồn tạp vừa tươi đẹp của đất nước mình.
Ngoài tình yêu thương với mẹ, điều đặc biệt là Lí được tái hiện trong tình yêu của Lí với bố Khánh - một người Lí chưa bao giờ gặp, một người đã hi sinh. Lý biết mặt bố Khánh là do bác Trần Hậu đã tặng Lý tấm ảnh của bố Khánh, chụp từ hồi làm chứng minh thư với bác. Nhìn vào tấm ảnh của bố Khánh, Lý luôn day dứt và ám ảnh. Trong giấc ngủ chiêm bao, Lý đã được gặp bố Khánh và nói chuyện rất ân cần: “Bố à, bây giờ con mới nhìn thấy bố trong ảnh. Nhưng thật là từ khi đọc nhật ký của bố, con đã hình dung bố đúng như hình ảnh bố trong tấm ảnh rồi, bố ạ. Nhưng mà bố ơi, Nhật ký của bố con đọc đi đọc lại nhiều lần mà cũng chưa hiểu hết, bố ạ. Bố Khánh bảo: Không sao. Con còn trẻ. Chỗ nào không hiểu, con hỏi mẹ Nhu và bác Dương” [17, 258]. Đoạn văn chứa đựng biết bao suy tư đớn đau của Lý về bố Khánh. Mặc dù âm dương cách biệt nhưng bố Khánh vẫn hiện về trong kí ức của Lý. Bố Khánh là người đã dành cho Lý những tình thương yêu vô hạn: “Ôi Lý của bố! Niềm phúc lạc vô biên của bố…Bố chỉ có thể yêu con mãi mãi thôi” [17, 220]. Đồng thời, bố Khánh cũng là người ban phát ánh sáng nguồn nhiệt năng cho Lý. Cuốn nhật ký của bố Khánh để lại với mục đích là răn dạy Lý, phải sống làm sao xứng đáng với niềm kiêu hãnh của con người. Cho nên, bố Khánh chính là thần tượng của Lý. Với thời gian, hình ảnh về bố Khánh càng đẹp thêm và đẹp mãi trong tâm hồn Lý.
Tình cảm yêu thương của Lí còn được toát lên từ tấm lòng biết ơn sâu nặng của Lý đối với bố dượng Dương, một con người có một đời sống tinh thần và hoạt động thực tiễn phong phú cùng một cá tính mạnh mẽ. Theo sự cảm nhận của Lý, tình thương yêu mà bố dượng Dương dành cho Lý cũng là vô hạn, bố không hề có mặc cảm và khoảng cách gì với Lý. Nếu như tất cả những người đàn ông trên đời này đều sống như bố dượng Dương thì mọi đứa bé đều hạnh phúc và có lẽ chẳng đứa bé nào lại không yêu cha: “Bố! Một
tiếng gọi thiết tha vừa bật ra từ cặp môi Lý… Lý nhìn bố dượng, như uống từng lời của ông. Lý không biết rằng, trong cái nhìn ngược chiều của bố Dương với Lý, lòng người bố dượng đang trào dâng lên bao xúc động thiêng liêng và nếu không kìm được mình thì hai dòng lệ sẽ trào ra khỏi hai con mắt ông. Khánh yêu quý ơi! Sao cậu không còn nữa để được hưởng cái hạnh phúc lớn lao không gì kể xiết là ngắm nhìn cái Lý, đứa con gái vô vàn quý giá của cậu và Nhu lúc này. Mới hai tháng tuổi con bé đã biết lẫy. Vừa biết đọc nó đã tìm đến nhật ký của cậu. Chỉ cần nhắc lại hai chi tiết đó trong đoạn đời vô cùng phong phú mười bảy năm qua của nó, cậu đã có thể hiểu nó là một con người như thế nào. Lý, cô thiếu nữ đang ngồi trước mặt mình đây, cái tác phẩm hoàn chỉnh nhất, đẹp đẽ nhất của Nhu và cậu, một tổ hợp tình yêu trọn vẹn của hai cậu…” [17, 418]. Những câu văn ngắn, nhịp điệu chậm chạp phù hợp với những suy tư sâu lắng, dạt dào trong tình cảm kính yêu, cảm phục của Lý về bố dượng.
Trong Côi cút giữa cảnh đời, bé Thảm được tái hiện với tấm lòng nhân ái. Em gắn bó với bà bằng một chiều sâu hiếm có không phải chỉ là tình bà cháu ruột thịt thông thường mà còn là mối quan hệ của hai phần một cơ thể. Với bà, nó không chỉ có lòng kính yêu mến mộ. Bà còn là một từ mẫu tinh thần, là cái linh hồn sống động tỏa sáng trong tâm hồn em. Khi bà ốm, Thảm cùng anh Duy tự bảo nhau trông nom vườn rau, nuôi gà. Thảm giống như một người chủ quán xuyến gia đình thật sự khi có thể thay bà lo cơm nước, chợ búa rất chu toàn. Hơn nữa,Thảm còn biết an ủi, chăm sóc bà rất chu đáo. Với mẹ, tuy xa cách từ nhỏ nhưng hình như vẫn có một sợi dây liên hệ vô hình không thể hình dung nổi giữa Thảm và người mẹ yêu dấu bất chấp cả không gian xa cách, thời gian đằng đẵng và sự hạn chế của các phương tiện thông tin.Trong thẳm sâu tâm hồn nó vẫn có những giây phút nhớ và mong ngóng mẹ đến nhường nào.
Không chỉ dành tình cảm sâu nặng với bà và anh mà em còn biết dành tình cảm trân trọng đối với bà lão ăn xin tội nghiệp. Và dù sống trong đói khát, nhọc nhằn nhưng em vẫn muốn được san sẻ với số phận bà lão đáng thương ấy: “Mai bà đến sớm, cháu rang cơm cho bà ăn. Bát cơm rang sàng cơm thổi, bà ạ. Bà cháu bảo thế” [13, 107]. Em như là hình ảnh của bà ngoại, một người phụ nữ đảm đang tháo vát giàu tình yêu thương, lòng nhân hậu và kiên cường, mạnh mẽ.
Việt tuy là nhân vật được ít nói đến trong tác phẩm nhưng lại là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của hai anh em Duy, đặc biệt là Duy. Việt đã mạnh dạn bảo vệ Duy trong mọi lúc khi Duy bị cô giáo mắng oan và các bạn cười nhạo, cũng chính Việt đã cùng Duy trải qua những ngày khó khăn nhất để Duy có thêm niềm tin vào cuộc sống và sau này Việt lại cùng Duy dìu dắt em Thảm vượt qua quãng đời cơ cực.