Thực trạng kiểm toán hoạt động trong kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm

Một phần của tài liệu Tăng cường kiểm soát hoạt động trong kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia (Trang 62 - 65)

7. Kết cấu luận văn

2.2.Thực trạng kiểm toán hoạt động trong kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (CT 30a) tại tỉnh Thanh Hóa

2.2.1. Khái quát về Chương trình (CT 30a) do Kiểm toán Nhà nước Khu vực XI thực hiện kiểm toán hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở phía Bắc Trung bộ, có diện tích 11.168 km2; dân số trên 3,4 triệu người; có 27 huyện, thị xã, thành phố với 637 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân), gồm 109 xã, thị trấn; có 70 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Tổng diện tích tự nhiên của 7 huyện nghèo là 5.930.000 ha, chiếm 53% diện tích toàn tỉnh, có 97.066 hộ với 421.687 khẩu,

trong đó có 76.234 hộ người DTTS với 337.330 khẩu, chiếm 78,54%, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mường, Mông, Thổ.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn của 7 huyện nghèo còn khá cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tiêu biểu là chương trình 30a.

Sau hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 30a, tỉnh Thanh Hoá đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp và thành lập các tiểu ban giúp việc cho ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và có các văn bản hướng dẫn các huyện xây dựng đề án phát triển Kinh tế - Xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020. Thành lập 7 tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo các Sở làm trưởng đoàn, các thành viên là chuyên viên các ngành có liên quan, giúp các huyện xây dựng đề án và tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào một số hoạt động cụ thể như: hỗ trợ cho 18.712 hộ nghèo mua giống trâu, bò sinh sản để phát triển sản xuất; thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội tại 7 huyện nghèo và quy hoạch nông thôn mới gắn với sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, bố trí dân cư tại 102 xã;xây dựng các mô hình và tổ chức tập huấn kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi cho các hộ dân trên địa bàn; thực hiện việc đào tạo khuyến nông viên thôn bản tại 7 huyện nghèo để hướng dẫn bà con cách chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi và đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất; thực hiện các chính sách về xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 của Chính phủ; hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo ở các bản biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực giúp cho hơn 3.000 hộ với 15.441 khẩu thuộc 55 bản tại 16 xã thuộc 5 huyện nghèo ổn định đời sống yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn, bản; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ và người dân...

Thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, từ các nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ, vay Ngân hàng chính sách, các doanh nghiệp hỗ trợ và sự giúp đỡ của dòng họ, đã giúp 12.974 hộ nghèo có nhà ở mới, không phải ở trong nhà tạm bợ dột nát trước đây. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại bộ mặt mới cho Thanh Hóa thông qua những chính sách như:

Thứ nhất, Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Từ nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các huyện nghèo để đầu tư xây dựng 94 công trình thiết yếu phục vụ giao thông, thủy lợi, sản xuất và sinh hoạt. Trong đó có 50 công trình giao thông, 35 công trình thủy lợi, 7 trung tâm dạy nghề tổng hợp và 02 công trình điện. Đến nay, đã có 50 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả giúp nhân dân các huyện nghèo phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Thứ hai, Kinh phí hỗ trợ của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước: Từ năm 2009-2011, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá gần 200 tỷ đồng. Trong đó một số doanh nghiệp hỗ trợ lớn như: Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam 61 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) trên 40 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 32 tỷ đồng... để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giáo dục và y tế....

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 30a, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, sự lồng ghép của các chương trình, hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnhcùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành và sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân 7 huyện nghèo trên địa

bàn Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo cải thiện một phần điều kiện sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng được cải thiện thay đổi bộ mặt của các huyện nghèo, giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 56,04% đầu năm 2008 xuống còn 40,63% vào cuối năm 2010 (giảm 15,41%). Năm 2011 theo chuẩn nghèo mới được quy định Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 7 huyện là 50,67% đã giảm xuống còn 36,65% cuối năm 2012 (giảm 14,02%). Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 8 triệu đồng, lương thực bình quân đầu người đạt 350 kg/năm.

Trong 4 năm qua công tác giảm nghèo tại 7 huyện nghèo đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo; nhiều chính sách hỗ trợ của người nghèo, vùng nghèo thực hiện đạt hiệu quả chưa cao; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn; đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Thu nhập bình quân của hộ nghèo mới đạt 310 nghìn đồng/người/tháng. Điều kiện sinh hoạt của các hộ nghèo ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Tăng cường kiểm soát hoạt động trong kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia (Trang 62 - 65)