7. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân
2.3.2.1. Tồn tại
- Hệ thống pháp luật vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; khung pháp lý chưa vững chắc để áp dụng kiểm tra, xử lý vi phạm và xử lý hàng hóa tang vật. Quy phạm pháp luật chưa phân định rõ ranh giới giữa hàng giả, hàng
kém chất lượng; chế tài chưa đủ mạnh; phân cấp quản lý còn chồng chéo, không rõ ràng, không thống nhất về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt hàng giả.
- Nguồn nhân lực thiếu và yếu so với tình hình hoạt động thương mại trên thị trường hiện nay đang phát triển nhanh và diễn biến phức tạp do cán bộ, công chức làm công tác chống hàng giả chủ yếu kiêm nhiệm, không phải là lực lượng chuyên trách thực hiện công tác chống hàng giả tại địa phương; biên chế bổ sung hàng năm cho lực lượng còn quá ít so với yêu cầu.
- Công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tệ nạn hàng giả đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có chức năng chống hàng giả, với các doanh nghiệp và với người tiêu dùng, nhưng thời gian qua còn nhiều hạn chế, "vẫn mạnh ai nấy làm", "dễ làm khó bỏ”, không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc chống hàng giả để bảo vệ sản phẩm của mình, coi việc chống hàng giả là của riêng các cơ quan nhà nước hoặc sợ cung cấp thông tin hàng giả sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Ban chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại tỉnh chưa phát huy tốt vai trò là đầu mối chỉ đạo điều hành và tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng, các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác phòng và chống hàng giả trên từng địa bàn tỉnh.
Công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, các khả năng để có thể phòng ngừa tuy đã được quan tâm nhưng tính nhanh nhạy, tính chính xác chưa cao; việc phối hợp, trao đổi thông tin về đối tượng vi phạm giữa các ngành chưa thường xuyên, kịp thời nên hiệu quả còn hạn chế.
- Đấu tranh chống hàng giả là công việc khó khăn, phức tạp nhưng đội ngũ các lực lượng có chức năng chống hàng giả ở các ngành, các cấp còn có những bất cập, chưa được đào tạo lại hoặc thường xuyên bồi dưỡng chính sách pháp luật nhà nước, luật lệ quốc tế và chuyên môn nghiệp vụ nên khi
thực thi nhiệm vụ còn nhiều lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống hàng giả trong tình hình mới.
- Các phương tiện hoạt động, thiết bị làm việc, thiết bị phân tích kiểm tra, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác chống hàng giả còn thiếu, kinh phí phục vụ công tác hàng giả và chế độ ữu đãi cho cán bộ công chức, thực thi công vụ đối với hoạt động đặc thù này còn hạn hẹp.
- Việc phân định chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được rõ ràng. Nên vẫn xảy ra tình trạng cùng một vụ việc hàng giả nhưng có nơi xử lý, nơi thì không, chỉ xử lý hành vi ở khâu lưu thông mà không xử lý người sản xuất, dẫn đến tình trạng xử lý không nghiêm và triệt để tận gốc, đôi khi còn xảy ra tình trạng chồng chéo, thiếu chặt chẽ, dẫn đến sở hở trong công tác quản lý, tạo kẻ hở để đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng vi phạm.
- Tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam còn ưa chuộng hàng ngoại, nhãn mác ngoại và hàng có nhãn hiệu nổi tiếng, trong khi không đủ trình độ, khả năng phân biệt giữa hàng nội với hàng ngoại, hàng thật với hàng giả đã tạo cơ hội và môi trường thuận lợi cho hàng giả được sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ, lưu thông trên thị trường.
2.3.2.2. Nguyên nhân
Về khách quan:
- Nền kinh tế nước ta từ trình độ phát triển xuất phát điểm thấp so với nhiều nước trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người vốn đã thấp lại không đồng đều, mức tiêu dùng của đại đa số nhân dân lao động còn thấp và hạn chế, sản xuất hàng hóa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trong xã hội cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, việc nhập khẩu hàng hóa có chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, tạo cho người tiêu dùng Việt Nam thói quen ưa thích dùng hàng ngoại. Do tâm lý thích dùng hàng ngoại nhưng lại không đủ trình độ nhận biết, phân biệt hàng thật- hàng
giả nên đã tạo cho hàng giả nhãn hiệu, giả chất lượng, giả xuất xứ, có chỗ đứng len lỏi và phát triển trên thị trường.
- Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, bên cạnh nhiều người làm giàu chính đáng, một số người đã bất chấp pháp luật và đạo lý để kiếm được nhiều tiền họ đã làm hàng giả, buôn bán hàng giả mặc dù biết hậu quả tác hại to lớn cho con người và xã hội. Vì vậy, tệ sản xuất và buôn bán hàng giả trong nền kinh tế hàng hóa ở nước ta là không thể tránh khỏi. Nước ta cũng đang thực hiện chính sách mở cửa và từng bước hội nhập kinh tế khu vực và thế giới để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập đã và đang đem lại cho nước ta động lực phát triển kinh tế xã hội, song cũng đặt ra những thách thức, trong đó tệ nạn hàng giả có điều kiện xâm nhập và phát triển. Nước ta còn phải chịu một sức ép lớn về hàng giả vì nằm trong khu vực có những quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất lượng hàng giả khá lớn và tiêu thụ khắp toàn cầu. Bối cảnh nói trên cho thấy công tác đấu tranh chống hàng giả ở nước ta là công việc lâu dài, khó khăn và phức tạp hơn cần phải có chiến lược đấu tranh đúng đắn, có sự quyết tâm nỗ lực của cả cộng đồng và sự chỉ đạo điều hành nhanh nhạy, thống nhất mới có thể đấu tranh ngăn chặn tệ nạn này.
- Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, với vị trí địa lý thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với các tỉnh thành trong cả nước, mặt khác nền kinh tế trong tỉnh những năm qua đang từng bước phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, song thu nhập bình quân đầu người so với thu nhập bình quân chung với cả nước còn thấp. Đây là một trong những điều kiện làm phát sinh tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả.
Về chủ quan:
- Các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh, thiếu thông tin, thiếu sự
phối hợp với nhau trong thực thi nhiệm vụ, thiếu kinh phí cho việc kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý, giám định và tiêu huỷ hàng giả. Đặc biệt đối với hàng giả liên quan đến sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới, phức tạp, cán bộ thực hiện việc xử lý hàng giả còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc xác định, đánh giá vi phạm. Những yếu kém trên dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả chưa đạt được yêu cầu mong muốn, cụ thể như sau:
+ Lực lượng Công an kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa: Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, Công an kinh tế là lực lượng có chức năng điều tra và trấn áp các tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Công an có đội ngũ đông đảo, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có nhiều ưu điểm, kinh nghiệm trong công tác điều tra và trấn áp tội phạm; tuy nhiên, lực lượng này cũng gặp phải những khó khăn, các mặt hạn chế nhất định như:
Lực lượng chuyên trách còn mỏng, đa số vẫn còn kiêm nhiệm (vừa đấu tranh chống hàng giả vừa kiêm các trách nhiệm công tác khác) dẫn tới hiệu quả đấu tranh chưa cao.
Thẩm quyền trong công tác chống hàng giả của lực lượng này cũng có một số hạn chế, bất cập nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh.
+ Lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa:
Có thể nói Quản lý thị trường là lực lượng đóng vai trò chủ công trên mặt trận đấu tranh phòng và chống hàng giả trên thị trường nội địa, nhưng cũng như các lực lượng chức năng khác, Quản lý thị trường cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới, đồng thời phải khắc phục những mặt bất cập, hạn chế, điển hình như:
Mặt bằng trình độ chuyên môn cuả toàn lực lượng trong lĩnh vực chống hàng giả còn hạn chế, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin...
Lực lượng chuyên trách chống hàng giả còn khá mỏng, tình trạng kiêm nhiệm nhiều mảng công tac vẫn còn phổ biến.
+ Lực lượng chuyên môn và Thanh tra chuyên ngành:
Lực lượng thanh tra hoặc chuyên môn tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả như: ngành nông nghiệp, ngành thuỷ sản, ngành y tế, công nghiệp, khoa học công nghệ, xây dựng, văn hoá thông tin… Tuy nhiên với cơ cấu và tổ chức như hiện nay, các lực lượng này còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh chống hàng giả trong lĩnh vực của mình, đó là: Lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, chức năng, thẩm quyền trong công tác đấu tranh chống hàng giả, còn hạn chế ảnh hưởng đến công tác thanh tra, kiểm soát ngăn chặn vi phạm liên quan đến hàng giả trên thị trường.
Nhiều lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ chống hàng giả, nhưng không quy định ngành nào chịu trách nhiệm chính, có lúc có nơi còn xảy ra tình trạng chồng chéo trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân đã có bước chuyển biến tốt hơn, nhưng chưa tiến hành thường xuyên và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nhân dân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các đoàn thể xã hội chưa tích cực tham gia phát hiện và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong cơ chế thị trường, hầu hết mọi người đều tham gia hoạt động mua bán, chất lượng hàng hóa là lợi ích thiết thực của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người mua phải hàng giả nếu biết cũng chỉ phàn nàn và tự mình rút kinh nghiệm, không báo cho các cơ quan có chức năng giải quyết vì ngại phiền phức, mất thời gian. Nhiều người có thể biết cơ sở làm hàng giả, bán hàng giả nhưng không dám báo tin cho cơ quan có chức năng vì sợ bị trả thù hoặc sợ liên luỵ đến mình. Vì vậy hàng giả xảy ra nhưng không được phát hiện xử lý kịp thời.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, luận văn đã trình bày được những nội dung chính sau: 1. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về phòng chống sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2014: thủ đoạn sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức, đa dạng về chủng loại hàng giả.
2. Các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa đã bám sát vào tình hình thực tế để xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, thành lập ban chỉ đạo phòng chống hàng giả và gian lận thương mại. Ban hành các quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực thi trong đấu tranh phòng chống hàng giả.
3. Từ thực trạng đó, luận văn rút ra những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa: một là, sự thiếu đồng bộ, phối hợp không nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị thực thi nhiệm vụ chống hàng giả, các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề hàng giả còn chồng chéo, không thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật. Hai là, đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu, yếu về năng lực chuyên môn. Ba là, việc lập kế hoạch, lên phương án cho công tác chống hàng giả chưa thực sự được coi trọng, trình độ văn hóa, nhận biết của người dân còn hạn chế chính là cơ hội cho hàng giả có điều kiện phát triển.
Từ thực trạng và nguyên nhân kể trên, luận văn làm cơ sở để đề xuất các giải pháp cho chương 3.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
TRONG PHÒNG CHỐNG SẢN XUẤT VÀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA