7. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Kinh nghiệm Quốc tế và một số địa phương
Theo Giáo sư (GS) Laurent Manderieux, các nước Liên minh Châu âu (EU) và Hoa Kỳ có những kinh nghiệm chống hàng giả, hàng nhái rất hiệu quả, Việt Nam và nhiều quốc gia khác có thể tham khảo để nâng cao hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) khi kinh doanh trong nước và trên thế giới.
1.3.1.1. Kinh nghiệm của EU
EU có một hệ thống chống hàng giả tinh vi, được xây dựng gần đây (vào những năm 90) vì lợi ích chung của các quốc gia.
Các quy định của EU tập trung chống hàng giả, hàng nhái tại các cửa khẩu hải quan bởi theo GS Laurent, hoạt động hàng giả, hàng nhái chủ yếu diễn ra ở thị trường trong nước và tại các biên giới.
Hệ thống hải quan của EU hoạt động rất hiệu quả. Số liệu thống kê an toàn nhất và chính xác nhất là số liệu của Hải quan (mặc dù số liệu này không tính đến thương mại trong nước). Theo thống kê của Hải quan EU, ở châu Âu có đến 70% hàng giả, hàng nhái bị giữ lại ở cửa khẩu; 30% vẫn lọt qua biên giới (khoảng vài triệu sản phẩm). Ước tính hàng giả tại Hải quan là 200 tỷ đô- la, lớn hơn GDP của 150 nước.
Đặc biệt, EU có các biện pháp bên trong nhằm thực thi bảo vệ SHTT trên phạm vi lãnh thổ EU rất thành công, bao gồm hệ thống FALSTAFF (Fully Automated Logical System to Avoid Forgeries & Fraud) - Công nghệ và mạng lưới hỗ trợ đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái đoạt giải Oscar về chính phủ điện tử châu Âu năm 2005.
EU cũng đã hoàn thành dự án Europ Aware gồm văn phòng SHTT, trường đại học, trung tâm nghiên cứu về phát huy quyền SHTT và các trung tâm tư vấn; các chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền bảo vệ SHTT; xuất bản hoặc hỗ trợ xuất bản các ẩn phẩm về biện pháp thực hành tốt nhất (sổ tay, sách nhỏ, tờ rơi) và thành lập cơ quan giám sát của châu Âu về hàng giả, hàng nhái...
Ngoài ra, từ năm 2004, chiến lược của EU còn nhằm thực thi bảo vệ SHTT ở nước thứ 3. Cụ thể, EU xác định quốc gia ưu tiên là các quốc gia có nhiều vấn đề nhất về vi phạm quyền SHTT. Tăng cường đối thoại chính trị, chính sách hỗ trợ, hợp tác kĩ thuật đảm bảo hỗ trợ kĩ thuật cho các nước thứ 3 về thực thi bảo vệ SHTT, đặc biệt ở những nước ưu tiên; trao đổi ý kiến và
thông tin với Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO), Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản. Đặc biệt thiếp lập quan hệ hợp tác công - tư, hỗ trợ/tham gia vào mạng lưới thực thi SHTT ở các nước thứ 3 liên quan.
1.3.1.2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Đối với bảo vệ SHTT, Hoa Kỳ áp dụng “Sáng kiến chiến lược chống hoạt động vi phạm bản quyền có tổ chức” - Strategy Targeting Organized Piracy (STOP), là kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đấu tranh chống hoạt động làm hàng giả, hàng nhái ở nước này và trên thế giới.
Sáng kiến STOP giúp các công ty Hoa Kỳ nâng cao năng lực bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn việc mua bán hàng giả ở cửa khẩu nước này, giữ các sản phẩm này ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo rằng các công ty Hoa Kỳ sẽ nhận được lợi ích của các hiệp định thương mại tự do Hoa kỳ ký kết.
Tại Hoa kỳ, để phòng tránh các vi phạm trong lĩnh vực SHTT, các cơ quan thực thi pháp luật hướng đến những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc vi phạm, những người cung ứng các sản phẩm vi phạm quyền SHTT bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Chế tài xử lý trong lĩnh vực này có thể là dân sự hoặc hình sự. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ chế tài xử lý dân sự tương đối mạnh mẽ và đủ sức răn đe, nên biện pháp này được sử dụng nhiều hơn chế tài hình sự.
1.3.1.3. Kinh nghiệm của Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là nước không giàu về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nền kinh tế, khoa học và công nghệ phát triển trong đó có nhiều ngành đạt trình độ hàng đầu thế giới.
Chính vì vậy, Thụy Sĩ là một trong những nước trên thế giới quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ; trong đó việc chống hàng giả và vi phạm bản quyền được coi là một chiến dịch nhằm bảo vệ quyền sáng tạo, hỗ trợ cho hoạt động ngoại thương và tạo môi trường kinh tế lành mạnh.
Với việc trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đặt tại Thụy Sĩ đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ tại Thụy Sĩ.
Ở Thụy Sĩ, để bảo vệ người tiêu dùng, nước này đã ban hành nhiều luật về khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ, thành lập tòa án riêng về sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu quốc gia SWISS MADE, hỗ trợ đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ra thị trường...
Hiện tượng hàng giả và vi phạm bản quyền là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu trên thế giới vì bất kỳ ngành công nghiệp nào cũng đều có thể bị làm giả, nhái hoặc bị sao chép mà không được phép như phần mềm, điện ảnh, dược, thực phẩm, công nghiệp, máy móc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Sĩ còn có nhiều biện pháp mạnh để trấn áp nạn hàng giả, hàng nhái như xây dựng và thực hiện các chế tài đánh vào doanh nghiệp khiến doanh nghiệp có thể giải thể hoặc ngừng hoạt động nếu vi phạm sở hữu trí tuệ đồng thời công khai tên doanh nghiệp, tổ chức làm hàng giả trên truyền hình, tại các nơi công cộng… đồng thời tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.
Điều đặc biệt ở Thụy Sĩ là việc thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân cách thức phân biệt hàng thật, hàng nhái, hàng giả để tránh nhầm lẫn cho người dân.
Nền kinh tế Thụy Sĩ ước tính bị thiệt hại khoảng hai tỷ USD mỗi năm do nạn hàng giả và vi phạm bản quyền, do đó nước này tổ chức chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền (Stop Piracy) và đã được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân cũng như các cơ quan hữu quan về vấn nạn này.
Nhờ vậy, trong khoảng hai năm trở lại đây, nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm bản quyền tại Thụy Sĩ giảm đi đáng kể góp phần đưa thương hiệu hàng hóa của Thụy Sĩ tìm lại uy tín trên thị trường thế giới.
Trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ đang được thực hiện, chuyên gia hai nước đã trao đổi kinh nghiệm về hoạt động sở hữu trí tuệ, chú trọng tới chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền. Kinh nghiệm về hoạt động sở hữu trí tuệ tại Thụy Sĩ đã gợi mở những cách tiếp cận mới tại Việt Nam.
Chuyên gia về sở hữu trí tuệ của Thụy Sĩ cho rằng Việt Nam nên xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ mang tầm quốc gia, từng bước xây dựng thương hiệu quốc tế cho một số sản phẩm Việt Nam, đẩy mạnh chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính doanh nghiệp mình.
1.3.1.4. Kinh nghiệm của Đà Nẵng
Thông điệp được lãnh đạo Sở Công thương, Chi Cục QLTT TP Đà Nẵng đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố ngày 18/9/2014.
Theo đó, đến cuối năm 2014, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm.
“Chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền dưới nhiều hình thức đến tất cả các đối tượng kinh doanh, phân phối trên địa bàn. Đến cuối năm 2014, 100% hộ kinh doanh sẽ cam kết không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Trên tất cả các địa điểm kinh doanh như chợ, siêu thị, các hộ kinh doanh… sẽ niêm yết cam kết và các lực lượng quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra hậu cam kết.
Nếu các đơn vị vi phạm các quy định, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Và sẽ không có giới hạn trong việc xử lý các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn Đà Nẵng nhằm đảm bảo tính lành mạnh cho môi trường kinh doanh Đà Nẵng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”,
Bên cạnh đó, để thực hiện quyết liệt chủ trương này, Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã thiết lập đường dây nóng chống có số điện thoại 05113.624154-0903.529189 để tiếp nhận thông tin về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng như thu nhận ý kiến của người dân về tình trạng cán bộ quản lý thị trường nhũng nhiễu (nếu có).
Được biết, tính đến tháng 8/2014 các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Đà Nẵng đã kiểm tra gần 6.850 vụ, qua đó xử lý 5.400 vụ. Trong đó, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu 200 vụ; hàng giả, hàng kém chất lượng 160 vụ; gian lận thương mại 1.930 vụ và vi phạm khác là 2.800 vụ. Khởi tố hình sự 16 vụ, thu được tổng số tiền gần 90 tỷ đồng.