7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Nội dung quản lý Nhà nước
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả là một bộ phận của quản lý nhà nước trong việc quản lý các hoạt động về sản xuất, lưu thông hàng hóa trên thị trường. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả là hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc sử dụng quyền lực nhà nước để xây dựng và sử dụng phương tiện pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, thông qua hoạt động đấu tranh, xử lý nạn sản xuất buôn bán hàng giả để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế quản lý trong lĩnh vực này[2].
Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Buôn lậu, hàng giả cũng như gian lận thương mại nói chung là mặt trái của nền kinh tế thị trường để lại những hậu quả nguy hại về kinh tế - xã hội như kìm hãm sản xuất kinh doanh trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng môi trường đầu tư nước ngoài, kèm theo những tệ nạn xã hội như tham nhũng, hối lộ… Hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có quan hệ biện chứng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có hiệu quả sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và đến lượt nó - hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Tại Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả đã xác định: “Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả của các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả vẫn chưa bị đẩy lùi, đang có nhiều diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Tình hình
đó không chỉ là mối lo ngại của các doanh nghiệp, nỗi bất bình của người tiêu dùng, mà còn gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế và uy tín của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi sinh, môi trường” và “đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội Luật gia Việt Nam, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp, các tổ chức sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ sản xuất và buôn bán hàng giả”.
Cũng tại Chỉ thị trên, Thủ tướng đã chỉ đạo và giao thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác phòng chống hàng giả cho các cơ quan nhà nước với các nội dung như: “Giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các địa phương làm tốt công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả ở thị trường nội địa. Trước mắt, Bộ Thương mại cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản pháp quy về công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả… Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tập trung điều tra, khám phá các đường dây, các ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả… Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan kịp thời công bố danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý chất lượng, gắn công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với việc quản lý chất lượng hàng hóa; chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm nghiệm, xác định hàng giả và ban hành quy trình tiêu hủy hàng giả, độc hại có liên quan đến môi sinh, môi trường… Bộ Y tế chủ trì… trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, dược liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì… trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp… Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì… tổ chức kiểm tra chống sản xuất, buôn bán các loại ấn phẩm giả
và sản phẩm văn hóa giả khác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng thời lượng thông tin cho việc giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức liên quan đến việc phòng, chống hàng giả… Tổng cục Hải quan cùng với Bộ đội biên phòng cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán qua biên giới các loại hàng giả”. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo “Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc để lại và sử dụng tiền thu được từ hoạt động chống sản xuất và buôn bán hàng giả (tiền phạt, tiền bán tang vật tịch thu được phép lưu thông) cho địa phương và đơn vị để phục vụ cho hoạt động chống hàng giả…”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu “các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần thực hiện tốt việc đăng ký chất lượng, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, chủ động nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã nhấn mạnh: "Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của nhân dân để tiến hành có hiệu quả những biện pháp chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, vùng biển và trên thị trường nội địa. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại hoặc tiếp tay, bao che cho buôn lậu". Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị Chỉ thị số 853/CT-TTg ngày 16/10/1997, xác định: “Buôn lậu đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế- xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của kinh tế đất nước..”, yêu cầu “Chính quyền các cấp cần tập trung lực lượng để đấu tranh mạnh mẽ vào các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các hoạt động buôn lậu có tổ chức”, chỉ đạo “xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu, gian lận thương mại; điều tra kết luận và xử lý ngay một số vụ buôn lậu điển hình để răn đe và giáo dục chung”. Gần đây Chính phủ tiếp tục khẳng định, buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả không chỉ là cản lực đang làm suy yếu nền kinh tế đất nước mà còn liên quan, gắn bó và nảy sinh tệ nạn tham nhũng. Quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi quốc nạn này, ngày 19/03/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 389/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố và nâng cấp ban chỉ đạo 127 đã được thành lập năm 2001 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), Cơ quan thường trực đặt tại Bộ Tài chính, cùng với sự tham gia của các Bộ ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,... nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cũng được xác định rõ ràng hơn trước đây. Điều này thể hiện sự kỳ vọng của chính phủ vào kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 thời gian tới. Đối tượng điều chỉnh trong nội dung quản lý Nhà nước là tất cả thành phần tham gia vào nền kinh tế từ kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể đến các doanh nghiệp, tập đoàn… Ban chỉ đạo 389 từ Trung ương đến địa phương là cơ quan trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực thi các chỉ thị, văn bản được ban hành về phòng chống hàng giả, là cơ quan trực tiếp xử lý những sai phạm về hàng giả, báo cáo thường xuyên và liên tục về Trung ương để có những biện pháp, quy định kịp thời cho những vấn đề còn tồn tại hoặc phát sinh trong công tác phòng chống hàng giả.