Hoạt động giám sát của BHTG tại hai QTDND

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM sát của tổ CHỨC bảo HIỂM TIỀN gửi đối với các tổ CHỨC tín DỤNG tại VIỆT NAM (Trang 85 - 90)

2.4.2.1 QTDND Phương Tú

Qũy tín dụng nhân dân Phương Tú thành lập từ năm 1997 tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội, do ông Hoàng Văn Dâng làm chủ tịch HĐQT, bà Phạm Thị Hiền làm Giám đốc.

Theo tác giả Hưng (2012), nguồn vốn hoạt động của Qũy được hình thành từ: tiền của Qũy tín dụng Trung ương chi nhánh Hà Tây (cũ), tiền của quỹ BHTG, vốn huy động từ dân cư và các nguồn vốn khác. Phát hiện được những sai phạm trong hoạt động, cơ quan cảnh sát đã kiểm tra trong số 479 bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng thì phát hiện quỹ để thiếu mất 207 hồ sơ với số tiền 13.254.000.000 VNĐ. Trong 207 bộ hồ sơ này lại có tới 186 bộ hồ sơ không hề được cán bộ quỹ tín dụng thẩm định. Trong số hồ sơ bị mất có 124 người có tên ký vay vốn nhưng lại có 120 người sau khi xác minh không hề vay đồng nào nhưng từ tháng 4-2007 đến tháng 8-2009 quỹ vẫn xuất hơn 8 tỷ đồng cho vay. Trong số chứng từ chi và giấy nhận nợ phát hiện có bút tích của giám đốc Phạm Thị Hiền ở 35 chứng từ với số tiền là 2,6 tỷ đồng. Số chứng từ còn lại cũng biến mất. Ngày 21/09/2009, NHNN chi nhánh Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và kiểm kê tài sản, phát hiện số tiền còn lại trong quỹ chỉ là 19.431.000 VNĐ (thực tế trong sổ sách là 1.196.258.000 VNĐ, thiếu 1.176.827.000 VNĐ). Tổng số tiền thất thoát lên đến 14 tỷ đồng, trong đó nguyên Giám đốc Phạm Thị Hiền đã lập 81 hồ sơ giả tên khách hàng để rút và chiếm đoạt số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Lê Thanh Uyển (nguyên thủ quỹ) lập 4 hồ sơ giả để chiếm đoạt gần 800 triệu đồng, hơn 8 tỷ đồng còn lại bị thất thoát và không rõ nguyên nhân.

Tính đến năm 2012, trên địa bàn thành phố Hà Nội, quỹ tín dụng nhân dân Phương Tú là quỹ Tín dụng duy nhất nằm trong vòng kiểm soát đặc biệt của NHNN. NHNN chi nhánh Hà Nội đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã yêu cầu quỹ này xây dựng các phương án củng cố, chấn chỉnh, kiện toàn bộ máy nhân sự và tổ chức hoạt động.

Nhằm giúp quỹ vượt qua giai đoạn khó khăn để hoạt động bình thường, BHTG chi nhánh Hà Nội cho vay hỗ trợ 1 tỷ đồng với lãi suất 7%/ năm và thời hạn 3 tháng từ ngày 03/09/2009. QTDND Phương Tú vẫn hoạt động, tuy nhiên, đến năm 2015, quỹ vẫn chưa trả đủ 150 triệu nợ gốc và 392 triệu lãi vay cho BHTG.

2.4.2.2 QTDND Trần Cao

Qũy tín dụng Trần Cao-Hưng Yên thành lập ngày 25/03/1998 đã đóng góp tích cực về nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên đến năm 2010, quỹ bộc lộ nhiều yếu kém, có những dấu hiệu vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu tăng, thua lỗ lớn, mất khả năng chi trả, không còn hoạt động bình thường. Theo NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên, tính đến ngày 31-5- 2013, tình hình hoạt động của Quỹ: vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng; vốn huy động tiền gửi tiết kiệm khoảng 7,9 tỷ đồng; dư nợ cho vay hơn 34 tỷ đồng; vay QTDND Trung ương chi nhánh Hưng Yên (Ngân hàng HTX chi nhánh Hưng Yên) và các quỹ tín dụng khác hơn 23,7 tỷ đồng, nợ xấu 27 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 15 tỷ đồng. Ngày 6- 6-2013, NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 607 thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của QTDND Trần Cao; sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập Hội đồng thanh lý QTDND Trần Cao. Sự đổ vỡ của QTDND Trần Cao do sự những yếu kém trong ban quản trị điều hành; bên cạnh đó, một số cán bộ tham ô, lợi dụng quyền lực để sử dụng vốn đầu tư trái phép vào các lĩnh vực rủi ro.

Theo điều 22, Luật BHTG quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”. Văn bản của NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên không xác nhận QTDND Trần Cao lâm vào tình trạng phá sản. Như vậy, theo quy định của Luật các TCTD (Điều 154 và Điều 156) việc thanh toán quyền

lợi cho người gửi tiền và các chủ nợ khác thuộc trách nhiệm của Hội đồng thanh lý QTDND Trần Cao do UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập.

Trước việc QTDND Trần Cao đóng cửa, nhiều người dân rất lo lắng về khoản tiền gửi của mình do họ chưa nhận được. Để giải quyết tình trạng QTDND Trần Cao một cách dứt điểm, BHTGVN đã kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về tình hình QTDND Trần Cao cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ tình trạng hiện tại, cụ thể đề nghị Thống đốc NHNN chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên tham mưu cho UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định chấm dứt thanh lý để NHNN có văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán do QTDND Trần Cao lâm vào tình trạng phá sản, yêu cầu QTD tiến hành thủ tục phá sản để BHTGVN trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Cuối cùng, theo số liệu của phòng Thông tin-tuyên truyền-BHTGVN, BHTGVN đã tiến hành chi trả (đợt 1) cho 172 người gửi tiền (gồm 207 sổ) theo danh sách được niêm yết tại Trụ sở QTDND Trần Cao; tổng số tiền chi trả bảo hiểm: 4.940.458.900 VNĐ với hình thức chi trả trực tiếp. Đối với 71 trường hợp còn lại, BHTGVN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục xác minh và chi trả cho người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật.

2.4.3 Kết luận

Trong quá trình hoạt động, các QTDND đều nhận được sự giúp đỡ của chi nhánh NHNN, chi nhánh BHTG và chính quyền địa phương. Bản thân các QTDND cũng đã tự hoàn thiện, nâng cao công tác quản trị điều hành, trình độ chuyên môn để đáp ứng việc thực hiện những nhiệm vụ mới. Vì vậy, hoạt động của các QTDND tăng lên rõ rệt, ngày càng đạt hiệu quả cao; các quỹ tích cực huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để cho vay sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề truyền thống tại địa phương.

Chi nhánh BHTG còn kết hợp với chi nhánh NHNN cấp tỉnh trong hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lí kịp thời những sai phạm của các QTD. Từ đó, chi nhánh BHTG đưa ra những giải pháp, khuyễn nghị nhằm giúp QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cũng phải xét đến những mặt hạn chế của QTDND, chẳng hạn tỉ lệ vốn tự có trên tổng tài sản của các QTDND còn thấp, khoảng 6% nhưng theo “Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của QTDND-2014” thì tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, nợ xấu có xu hướng tăng, lợi nhuận tăng trưởng không bền vững. Tính chất của QTDND là sở hữu tập thể, điều kiện xét duyệt cho vay dễ dàng, những thành viên góp vốn lại không thể giám sát thường xuyên nên tình trạng lạm dụng quyền lực như các trường hợp trên rất dễ xảy ra.

Hoạt động thanh tra, giám sát của tổ chức BHTG chủ yếu tập trung vào kiểm tra QTDND. Tính đến hết tháng 12/2010, số liệu của tổ chức BHTGVN cho biết, BHTGVN đã tiến hành 2.722 cuộc kiểm tra, trong đó với QTDND đã thực hiện 2.439 cuộc chiếm 89,6% tổng số cuộc kiểm tra, trong khi đó số cuộc kiểm tra ngân hàng thương mại trong nước chỉ là 167 cuộc chiếm 6,1%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 86 cuộc chiếm 3,2%, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 04 cuộc chiếm 0,1% và công ty tài chính là 27 cuộc chiếm 1%. Hoạt động giám sát của BHTG mới chỉ phản ánh được “bề nổi” của tình hình của hệ thống tài chính mà chưa đi sâu phân tích, đánh giá tình hình tài chính, mức độ rủi ro của từng tổ chức tham gia BHTG, nên chưa thể đưa ra những cảnh báo sớm đối với từng tổ chức tham gia BHTG.

BHTG giám sát từ xa thường xuyên theo tháng hoặc theo quý, tập trung vào việc chấp hành các chỉ tiêu an toàn hoạt động của tổ chức tham gia BHTG như khả năng về vốn, chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản, nhưng trên thực tế việc giám sát này không mấy hiệu quả. Có thể nói rằng BHTG chưa phát huy được vai

trò kiểm tra- giám sát; trong quá trình hoạt động của TCTD chưa có quy trình kiểm tra sát sao với đối tượng, chưa nâng cao hoạt động, chưa đưa ra những khuyến nghị kịp thời và cảnh báo sớm để đảm bảo không có đổ vỡ, không phải chỉ khi TCTD đổ vỡ mới đứng ra chi trả.

Luật BHTG năm 2012 có những sự khác biệt đối với hoạt động cảnh báo tới tổ chức tham gia BHTG: Theo quy định trước đây, BHTGVN được thực hiện chức năng cảnh báo trực tiếp tới tổ chức tham gia BHTG vi phạm pháp luật về BHTG và vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Theo Luật BHTG, BHTGVN không được trực tiếp cảnh báo tổ chức tham gia BHTG vi phạm pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng mà chỉ có chức năng kiến nghị NHNN để thực hiện cảnh báo. Điều này ảnh hưởng đến tính chủ động và vị thế của một tổ chức được trao quyền bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền. Ví dụ như trong trường hợp của QTDND Trần Cao, BHTGVN phải báo cáo thông qua NHNN để đề ra các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương và ổn định, lành mạnh hệ thống ngân hàng; chứ không có sự quyết định độc lập và đáp ứng nhu cầu trong thời gian nhanh nhất. Như vậy, việc thiếu vắng các quy định về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa BHTG với các cơ quan chức năng sẽ khó có thực hiện được mục tiêu “góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng”.

Qua 2 ví dụ phân tích về QTDND Phương Tú và QTDND Trần Cao, ta có thể thấy rõ hơn những thiếu sót trong việc giám sát, kiểm tra của BHTGVN. Từ đó, cần có những biện pháp nhằm nâng cao vai trò này. Trong chương tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ trình bày cụ thể các biện pháp đó.

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM sát của tổ CHỨC bảo HIỂM TIỀN gửi đối với các tổ CHỨC tín DỤNG tại VIỆT NAM (Trang 85 - 90)