7. Cấu trúc luận văn
4.3.1. Nhận thức mới về vị trí, đối tượng, nhiệm vụ của lý luận văn học
Sự thay đổi của đời sống văn học đặt ra cho lý luận không ít vấn đề cần giải quyết rốt ráo. Trước hết, lý luận cần nhận diện lại đối tượng, nhiệm vụ, bản chất của chính mình, sao cho hệ thống và phạm trù được phong phú, chặt chẽ, toàn diện.
Thật ra, không riêng lý luận văn học mà bất kể ngành khoa học nào muốn đứng vững đều phải xác định cho đúng đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu
của mình. Kể từ khi Nghệ thuật thơ ca của Aristote ra đời đến nay lịch sử lý
luận văn học thế giới đã trải qua hàng ngàn năm, nhưng cũng có không ít lần phải băn khoăn về đối tượng, nhiệm vụ, bản chất của mình. Với tư cách là một ngành khoa học độc lập, lý luận văn học Việt Nam tính đến nay đã hơn năm mươi năm tuổi. Cố nhiên đấy không phải là quãng thời gian dài. Tuy vậy, người nghiên cứu lý luận cũng không ít phen trăn trở, tự vấn về con đường mình đi, về đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Bởi vì nếu không xác định được những vấn đề này lý luận có nguy cơ đánh mất mình, tan rã trong các lĩnh vực khoa học văn học khác. Và cố nhiên khi ấy, người làm lý luận không thể tập trung khám phá đối tượng và “tiếng nói” của lý luận như thế tất yếu là không đáng tin cậy, thậm chí bị lạc đi giữa nhiều “tiếng nói” khác to hơn, vang xa hơn.
Thời đổi mới, giới nghiên cứu có dịp ngoái nhìn lại chặng đường lý luận văn học nước nhà đã đi qua, nhiều người không khỏi băn khoăn về “hình dạng” của nó, thậm chí hoài nghi về vai trò, nhiệm vụ của lý luận đối với hoạt động sáng tác, phê bình văn học nước nhà. Rồi người ta cũng nhìn ra và thừa nhận: lý luận ở nước ta quả thật đa năng. Nó vừa là lý luận lại vừa là phê bình mà cũng na ná như cái gì đó ở ngoài thế giới văn học. Tuy vậy, cái quy luật tồn tại của một ngành khoa học xem chừng chưa “chạm” tới lý luận văn học
Việt Nam những năm trước đổi mới. Bởi vì nhiệm vụ của lý luận văn học lúc này không phải là phát hiện, khái quát quy luật chung của văn học, mà làm mũi nhọn tiên phong trong cuộc đấu tranh ý thức hệ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Lý luận văn học được chính trị “bảo kê”. Nó nghiễm nhiên đứng ngoài quy luật tồn tại của một ngành khoa học theo lẽ thường.
Thời thế thay đổi kể từ năm 1986. Văn học vươn mình lên tầm cao mới. Điều đó đồng nghĩa với việc đối tượng và nhiệm vụ của lý luận văn học không còn như trước. Chính trị trả lại cho các ngành khoa học quyền học thuật, trong đó có lý luận văn học. Nghĩa là trong mối quan hệ với văn học lý luận buộc phải thay đổi từ vai trò “người tuyên huấn” sang vai trò “người bạn đường”, nếu nó không muốn bị đào thải. Đây chính là lúc lý luận cần nghiêm túc kiểm thảo bản thân. Nói cách khác, lý luận văn học cần trả lời câu hỏi kiểu như: “Ta là ai?” trước khi đi tìm lời đáp trọn vẹn cho câu hỏi “Ta vì ai?”.
Tham bác các bài báo, các công trình khoa học và cả các giáo trình lý luận văn học ở nước ta trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy nỗ lực tích cực của những người nghiên cứu nhằm xác định, khoanh vùng đối tượng, nhiệm vụ của ngành lý luận văn học. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử,
trong bài viết Lý luận văn học: khủng hoảng và lối thoát, cho rằng: lý luận
văn học là lĩnh vực khoa học thứ phát, tức đặt nền tảng trên những ngành khoa học nguyên phát như triết học, chính trị, khoa học (tự nhiên – LTG). Ông viết: “Là lý luận khoa học thứ phát, lý luận văn học luôn bị phụ thuộc vào tình trạng, địa vị của các lý luận nguyên phát mà nó dựa vào”[65]. Lý luận văn học mác xít chẳng hạn, ông viết tiếp, “khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa thay đổi mô hình xã hội, lý luận mác xít phổ thông phải xem xét lại, thì lý luận văn học mác xít trở nên bơ vơ, hầu như không nơi nương tựa”. Về bản chất, lý luận văn học là ngành khoa học xã hội nhân văn, thể hiện trình độ nhận thức của con người đối với một
lĩnh vực của cái đẹp là văn học. Do đó, nó phải lấy văn học với những hiện tượng điển hình của nó làm đối tượng nghiên cứu chính. Về vấn đề này, giáo
trình Lý luận văn học năm 1986, do Phương Lựu chủ biên, sớm xác định rõ:
Lý luận văn học “lấy phương diện cấu trúc, những đặc điểm rất chung của văn học, hoặc những đặc điểm của hiện tượng văn học phát triển đến mức điển hình làm đối tượng chủ yếu” [41, tr.12]. Đối tượng của lý luận văn học một lẫn nữa được nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung xác định trong bài viết có tên Vị trí và chức năng của lý luận văn học trong hệ thống khoa nghiên cứu văn học: “Lý luận văn học vừa nghiên cứu các phạm trù và nguyên lý văn chương lại vừa là siêu khoa học của khoa học văn học, lấy chính khoa học văn học làm đối tượng nghiên cứu” [9, tr.17]. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử
khi biên soạn giáo trình Lý luận văn học, tập 1: Bản chất và đặc trưng văn
học (bản dành cho hệ đào tạo cao đẳng sư phạm) cũng không quên nhắc nhở
người học vấn đề đối tượng của lĩnh vực khoa học này. Ông viết: “Lý luận khoa học về văn học lấy các hiện tượng văn học như tác phẩm, thể loại, nhà văn, quá trình sáng tác, sự tiếp nhận, quá trình phát triển của văn học… làm đối tượng nghiên cứu” [64, tr.9].
Cùng với việc khoanh vùng đối tượng nghiên cứu, lý luận văn học Việt Nam thời đổi mới, trong đó có giáo trình lý luận văn học, cũng đồng thời xác
định nhiệm vụ nghiên cứu đặc thù của mình. Giáo trình Lý luận văn học
(1986) cho rằng nhiệm vụ của lý luận văn học là phải từ những hiện tượng điển hình của văn học mà khái quát cho được những vấn đề có tính chất trừu tượng, qua đó định hướng – về mặt phương pháp – cho tất cả các ngành hoạt động văn học, bao gồm cả sáng tác. Trương Đăng Dung, trong bài viết nói trên, cũng nêu rõ: “Mục đích và nhiệm vụ của lý luận văn học là phát hiện, phân tích, giải thích và đánh giá những vấn đề thuộc quy luật chung của văn học. Bên cạnh đó, với đối tượng là khoa học văn học, lý luận văn học phải
vượt lên trên chính hệ thống khoa nghiên cứu văn học để nghiên cứu những vấn đề phương pháp luận bên trong của khoa học văn học” [9, tr.19]. Trần Đình Sử nhấn mạnh thêm: “Lý luận văn học có nhiệm vụ khái quát bản chất, đặc trưng, cấu tạo, quy luật tồn tại và phát triển của văn học, giúp cho con người hiểu được mọi hiện tượng văn học từ tác phẩm, tác giả, loại thể, trào lưu, phong cách… cung cấp một hệ thống các khái niệm, phạm trù khoa học chặt chẽ với tư cách là những công cụ, để người đọc và các nhà phê bình, các nhà văn học sử có thể vận dụng để nghiên cứu văn học một cách hữu hiệu” [64, tr.10-11].
Qua nhận định nói trên của các nhà nghiên cứu cho chúng ta thấy đối tượng của lý luận văn học rất rộng, vừa thống nhất lại vừa đa dạng và luôn thay đổi. Nhiệm vụ khái quát quy luật trừu tượng của văn học, tức trả lời câu hỏi “Văn học là gì?”, do đó không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi ở người nghiên cứu một trình độ tư duy khái quát hóa cao trên cơ sở thông hiểu hệ thống quan niệm triết học nền tảng. Điều này cũng có nghĩa đổi mới lý luận văn học là một công việc nặng nhọc, và càng khó khăn hơn ở nơi mà tư duy của người làm nghiên cứu một thời gian dài đã quen hoặc buộc phải “nấp” mình dưới bóng quyền lực chính trị như ở Việt Nam chúng ta. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng, ý nghĩa khoa học lớn lao của những người làm công tác nghiên cứu thời đổi mới khi mà họ đã dũng cảm “dứt” lý luận ra khỏi quyền lực bên ngoài nó, tuyên bố văn học độc lập tương đối với chính trị và thừa nhận nó là một ngành khoa học về một lĩnh vực nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu sáng tạo, chiếm lĩnh ngôn từ với tư cách là đối tượng thẩm mỹ, là trung tâm tạo nghĩa. Một cách khác, lý luận văn học thời đổi mới nỗ lực xác lập vị trí của mình trong mối quan hệ với các hoạt động của đời sống xã hội, với con người và với văn học. Khi được xác định là một khoa học của nghệ thuật ngôn từ lý luận văn học buộc người nghiên cứu phải tuân thủ quy tắc điểm
nhìn: tiếp cận những vấn đề bản thể của đối tượng không tách rời phương thức tồn tại của nó. Điều này giúp loại trừ việc áp chế quyền lực bên ngoài lên văn học, hạn chế những giáo điều lý luận xơ cứng, quá khích của một trường phái lý thuyết. Có như vậy, lý luận văn học mới thực sự là một ngành khoa học – khoa học về một lĩnh vực của cái đẹp và mới có hy vọng thực hiện trọn vẹn vai trò là “người bạn đường” vừa ghi nhận nỗ lực đổi mới của sáng tác vừa định hướng cho sáng tác, đồng thời định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc yêu văn chương.