Lý tưởng thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 63 - 70)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Lý tưởng thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật

Trên bình diện triết học, với tư cách là thái ý thức xã hội, văn học phản ánh hiện thực là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng xét trên bình diện thẩm mỹ, phản ánh hiện thực không phải là nhiệm vụ chính, là đích đến cuối cùng của văn học. Hiện thực với văn học là một con đường mà qua đó nó bộc lộ lý tưởng thẩm mỹ của mình.

Khi nghiên cứu những vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học, giáo trình lý luận văn học thời đổi mới đã dần “bắt mạch” được lý tưởng thẩm mỹ của lĩnh vực nghệ thuật này. Từ đặc thù lý tưởng, các tác giả phân tích những yếu tố thẩm mỹ trong cấu trúc tác phẩm như là những đặc trưng trong phản ánh hiện thực của văn học. Dĩ nhiên, sự chuyển biến nhận thức về vấn đề này là một quá trình lâu dài.

Ra đời vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX, thời điểm đất nước và

văn học có nhiều biến đổi, giáo trình Lý luận văn học, năm 1986, do Phương

Lựu chủ biên, vẫn kế tục nhiều vấn đề, luận điểm của những giáo trình trước đó. Xét về mức độ đổi mới tư duy, so với các giáo trình cùng thời, công trình này chưa thể sánh bằng. Tuy nhiên, người đọc có thể tìm thấy ở đây những dấu hiệu đổi mới trong cách đặt và kiến giải vấn đề. Về lý tưởng thẩm mỹ của

văn học nghệ thuật chẳng hạn. Tác giả Trần Đình Sử, người chấp bút chương VI, Văn nghệ, một hình thái ý thức xã hội đặc thù, không đặt ra một mục riêng để bàn sâu về đặc thù lý tưởng thẩm mỹ trong văn học nghệ thuật. Nhưng khi tác giả đi vào phân tích các phương diện thẩm mỹ như đối tượng, nội dung, hình tượng, điển hình nghệ thuật, ta bắt gặp ở đấy những quan điểm mới. Tựu trung, tác giả có ý nhấn mạnh cội nguồn bản chất thẩm mỹ của văn học nằm ở quan niệm của nó về chân lý đời sống và chân lý về cái đẹp. Trong đó, chân lý về cái đẹp luôn được gắn liền với cái tốt, cái thật. Ông viết: “Đặc điểm của nội dung văn nghệ là khát vọng thiết tha muốn thể hiện một quan niệm về chân lý đời sống, một chân lý về cái đẹp, cái tốt, cái thật thể hiện trong các hiện tượng tự nhiên và xã hội, trong các quan hệ giữa người và người, trong tính cách con người” [41, tr.128]. Đó là loại chân lý không phải từ sự áp đặt của hệ ý thức khác, mà chính từ sự thể nghiệm của nhà văn trong cuộc sống. Qua tác phẩm nghệ thuật, nhà văn “muốn nói to lên cho mọi người, muốn thuyết phục họ và chia sẻ với họ” chân lý thẩm mỹ do mình tiên nghiệm. Cho nên, theo tác giả, nội dung của văn học nghệ thuật không phải là cuộc sống như nó vốn có, mà là “cuộc sống được ý thức về mặt tư tưởng và

giá trị”, được tái hiện “trong tương quan với lý tưởng, khát vọng, tình cảm

của con người” [41, tr.128]. Nghĩa là như nó cần phải có.

Quan điểm này tiếp tục được giáo trình Văn học, nhà văn, bạn đọc

(2002) khẳng định, phát triển. Tác giả Nguyễn Nghĩa Trọng, trong phần Nội

dung tình cảm xã hội thẩm mỹ, cho rằng tự bản chất văn học luôn hướng đến một lý tưởng và ước mơ cao đẹp, vượt lên trên cái đẹp của cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, khác với các hình thái ý thức như chính trị, đạo đức, triết học,… văn học đi đến lý tưởng của mình bằng con đường tình cảm. Lý tưởng của văn học là lý tưởng về một xã hội cao thượng, nhân văn, nên tình cảm trong văn học cũng khác tình cảm thông thường. Nó là tình cảm xã hội thẩm

mỹ. Nói cách khác, bằng con đường tình cảm thẩm mỹ, văn học xây dựng lý tưởng của nó sao cho vừa bám trụ với hiện thực cuộc sống lại vừa thể hiện một hình mẫu khác đời sống. Ông viết: “Nghệ thuật không thoát ly nhưng cần làm cho tâm hồn con người được nâng cao hơn so với tình cảm thực tế hàng

ngày trong mọi lĩnh vực cuộc sống” [42, tr.64]. Đối tượng trung tâm phản ánh

của văn học dĩ nhiên là cái đẹp, cái cao cả, nhưng cũng không xa lánh cái thấp hèn. Trái lại, văn học trực diện, đấu tranh với cái xấu xa thấp hèn trong thế “đối sánh nó theo một lý tưởng và ước mơ cao đẹp” [42, tr.64]. Ngay cả ở những tình huống như vậy cũng là văn học đang “gián tiếp gắn bó với cái đẹp”. Tác giả Nguyễn Nghĩa Trọng cũng cho rằng, với tâm điểm là cái đẹp hoàn thiện, lý tưởng thẩm mỹ của văn học “tuy không đồng nhất, nhưng là thống nhất với chân lý và đạo lý” đời sống [42, tr.64]. Nói cách khác, cái đẹp trong quan niệm thẩm mỹ của văn học bao gồm cái chân thật và cái thiện. Mặt khác, ông cũng thấy rằng, văn học là một dạng ý thức, tình cảm. Văn học thông qua phản ánh hiện tượng cuộc sống bằng hình thức trực quan mà bộc lộ khao khát, ước mơ. Vì vậy, dù hiện tượng văn học phản ánh là gì đi nữa thì đấy cũng “chỉ là bóng dáng của cuộc đời, chứ không phải là bản thân cuộc đời đích thực” [42, tr.62]. Mặt khác, ông cho rằng, văn học cũng như nghệ thuật “không hề bày ra một quyền lợi thiết thực nào cả, cho dù rất tự nhiên và chính đáng đi nữa. Văn nghệ là một thứ hoàn toàn “hình thức”, hiểu theo nghĩa rất rộng về mặt triết học của từ này” [42, tr.62]. Đến với văn học, bất luận là sáng

tác hay thưởng thức, phê bình đều “phải thật “vô tư”, không vướng víu bởi

những quyền lợi và đòi hỏi quá thiết thực, cho dù có cần thiết và cấp bách đến đâu” [42, tr.62]. Như vậy, cách lập luận của tác giả cho thấy, bản chất của văn học là cái đẹp dưới dạng tinh thần. Việc văn học phản ánh hiện tượng đời sống xã hội là tất yếu nhưng cũng là dạng phản ánh thẩm mỹ và bộc lộ tình

cảm trong chiều kích thẩm mỹ của riêng nó. Mọi quy chiếu hiện thực từ tác phẩm ra đời sống và ngược lại đều bóp chết giá trị nghệ thuật của văn học.

Trong các giáo trình thời đổi mới, Lý luận văn học (nhập môn) (2010)

của Huỳnh Như Phương có lẽ là cuốn giáo trình trình bày được nhiều điểm mới mẻ hơn cả, đồng thời giải quyết vấn đề cũng nhuần nhị hơn. Công trình là kết quả của quá trình nhiều năm tiếp nhận, chọn lọc, tổng hợp lý thuyết mỹ học, văn học hiện đại thế giới, cùng những suy ngẫm khoa học và kinh nghiệm giảng dạy của ông.

Trong những vấn đề bản thể của văn học, tác giả nhìn nhận bản chất thẩm mỹ cũng quan trọng, thiết yếu như bản chất xã hội và bản chất ngôn ngữ. Trong quan niệm của Huỳnh Như Phương, văn học được xem không phải như một phương tiện phản ánh hiện thực và bộc lộ ý thức chính trị, mà “như một sự khám phá và sáng tạo thẩm mỹ”. Dẫu rằng, văn học nghệ thuật không phải là lĩnh vực duy nhất có yếu tố thẩm mỹ, nhưng “là lĩnh vực mà trong đó ý thức thẩm mỹ được thực hiện trọn vẹn nhất, là hình thái cao nhất của sự biểu hiện ý thức thẩm mỹ” cả trên bình diện xã hội lẫn trên bình diện

cá nhân [59, tr.70]. Khám phá và sáng tạo thẩm mỹ, văn học hướng đến mục

đích xây dựng một “vương quốc” hoàn mỹ. Ở vương quốc ấy, cảm quan của con người về cái đẹp, về sự hài hòa trong đời sống thiên nhiên và xã hội được phát triển tự do và hoàn thiện nhất.

Cần thiết phải phân biệt giữa lý tưởng xã hội, lý tưởng đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ, để có cái nhìn bao quát, sâu sát đối tượng, tránh đi những ngộ nhận như lý luận trước năm 1986. Mặt khác, giải quyết đúng đắn vấn đề này, có thể chứng minh một cách thuyết phục về bản chất và đặc trưng của văn học, đồng thời xác lập vị thế của hình thái ý thức này trong tồn tại xã hội.

Giáo trình Lý luận văn học (nhập môn) (2010) đã làm được điều này. Tác giả

học, ở chỗ phải xác định cho được mục tiêu, lý tưởng đặc thù của văn học nghệ thuật. Ông xác định: mục tiêu cơ bản của vận động xã hội là lý tưởng xã hội; mục tiêu cơ bản của chuẩn mực đạo lý là lý tưởng đạo đức; mục tiêu cơ bản của nghệ thuật là lý tưởng thẩm mỹ. Lý tưởng thẩm mỹ “hướng tới cái đẹp trong ước mơ và khát vọng của con người, nó nêu bật hình ảnh về những giá trị và quan hệ thẩm mỹ hoàn chỉnh mà con người cho rằng cần phải có, cần nên có” [59, tr.89]. Là đại diện cho tính tất yếu phổ quát của cái đẹp, lý tưởng thẩm mỹ bao hàm trong nó những nội dung chủ yếu của lý tưởng xã hội và lý tưởng đạo đức.

Quan niệm của Huỳnh Như Phương trong giáo trình này một lần nữa cho thấy, rõ ràng bản chất thẩm mỹ đã được lý luận văn học xác tín trở lại (lần đầu có lẽ vào thập niên 30 của thế kỷ trước, đặc biệt ở cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật). Nói cách khác, lý luận văn học Việt Nam thời đổi mới nói chung, giáo trình lý luận văn học bậc đại học nói riêng, không coi yếu tố thẩm mỹ là phương tiện trung chuyển mà là mục đích tự thân của nghệ thuật. Nói như vậy, không có nghĩa nghệ thuật xa rời đời sống, co mình trong khu tự trị. Lý luận thời đổi mới thừa nhận văn học nghệ thuật bái vọng cái đẹp viễn tượng, nhưng dù thế nào nó vẫn luôn giữ cho “đôi chân” chạm đất. Bằng cách thông qua phản ánh hiện thực, nó tạo ra hình ảnh cụ thể cảm tính về cái đẹp cần phải có, cái đẹp trong ước mơ để mọi người có thể cảm nhận được.

Một vấn đề khác liên quan đến lý tưởng thẩm mỹ được đặt ra – vấn đề vai trò của nhà văn trong tương quan với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và đời sống xã hội. Từ những lập luận ở trên, có thể thấy, cùng với việc thay đổi quan niệm về bản chất thẩm mỹ, quan niệm về vai trò của nhà văn trong hoạt động sáng tạo cũng được giáo trình lý luận văn học thời đổi mới nhìn nhận lại. Nhà văn, anh ta không chỉ là người tri nhận được chân lý đời sống, chân

lý đạo đức,… mà còn sớm tri nhận được chân lý nghệ thuật – một thứ chân lý mà vốn dĩ trong nó đã bao hàm chân lý của những hình thái ý thức khác. Do vậy, việc nhà văn sáng tạo tác phẩm nghệ thuật không phải là việc ghi nhận các sự kiện, hiện tượng đời sống và mê dụ người đọc bằng lối kể chuyện sinh động. Nhà văn, trong quan niệm của giáo trình từ năm 1986 đến nay, là người gìn giữ và sáng tạo cái đẹp lý tưởng, là người đưa lý tưởng thẩm mỹ đến với đời sống nhân loại và khơi gợi trong tiềm thức nhân loại lòng khao khát cái đẹp hoàn thiện, bằng cách xây dựng hình tượng cụ thể cảm tính về nó. Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo tinh thần của anh ta và anh ta đã dùng nó để “chăn dắt” phần tinh thần của nhân loại. Tuy vậy, điều này cũng không có nghĩa tác phẩm văn học chỉ miêu tả cái đẹp, xa lánh cái xấu xa thấp hèn. Một thời gian dài trong lịch sử văn học Việt Nam, nhất là những năm đất nước bị bom đạn tàn phá, lý luận, phê bình thiên về cái cao cả, mà quên rằng cái bi, cái hài, cái tầm thường cũng là đối tượng phản ánh của văn học nghệ thuật. Dù quả thực, khi tinh thần dân tộc trỗi dậy, thì không chỉ người làm lý luận mà chính những nhà văn cũng dễ rung động bởi cái cao cả. Nhưng khi sự chú ý đó đi quá ngưỡng, lý luận bị lệch khỏi “đường ray” mà lẽ ra cần chạy và đã để lạc những “hành khách” nó cần đón. Những người nghiên cứu và công chúng yêu văn học vẫn còn nhớ biết bao câu chuyện buồn của làng văn Việt Nam về những tác giả, tác phẩm văn học ra đời giữa thời chiến. Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt,…là những trường hợp như thế.

Ngay khi có điều kiện, lý luận văn học thời đổi mới, trong đó có giáo trình lý luận văn học bậc đại học, đã kịp thay đổi nhận thức của mình. Khái niệm thẩm mỹ được hiểu với nội hàm rộng hơn cái đẹp. Theo đó, đối tượng của văn học cũng được thừa nhận không chỉ có cái đẹp, cái cao cả mà còn có cái bi, cái hài. Và nhà văn, anh ta xây dựng hình tượng không phải chỉ để phản ánh hiện thực như nó vốn có, đang có mà như là nó cần phải có trong lý

tưởng thẩm mỹ của anh ta. Tác giả Huỳnh Như Phương viết, trong Lý luận văn học (nhập môn) (2010): “Nhà văn là người thay mặt cho xã hội nói lên những điều không bằng lòng, những mối bất hòa với thực tại, đồng thời diễn đạt những ước mơ, khát vọng của con người bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Khi ước mơ và khát vọng đó không thực hiện được, trở nên xa vời, tác phẩm sẽ thấm đẫm một nỗi buồn về lý tưởng” [59, tr.90]. Lúc này, nhà văn giải quyết mâu thuẫn giữa hiện thực và lý tưởng “không phải bằng cách biến lý tưởng phải phục tùng hiện thực mà bằng cách miêu tả hiện thực với tinh thần phê

phán” [59, tr.90]. Cuộc sống có muôn màu, nhưng không phải lúc nào, với ai (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

cũng tròn đầy. Thử thách nhiều mà hạnh phúc thì chỉ như một tấm chăn hẹp, kéo bên nào cũng lệch. Chính vì vậy mà lý tưởng thẩm mỹ hun đúc, hình

thành trong tư tưởng con người. Nó là khát vọng và ước mơ của con người về

một tương lai tươi đẹp. Khi được thể hiện trong nghệ thuật, một thực thể có “đôi mắt” không ngừng hướng về cái đẹp viễn tượng và “đôi chân” không ngừng chạm đất, “lý tưởng thẩm mỹ trở thành phương thức dự báo sự vận động tiến hóa của xã hội, phương thức bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người” [59, tr.90].

Văn học, với tư cách là ngành nghệ thuật ngôn từ, “là một trong những con đường tuyệt diệu nhất để diễn đạt lý tưởng thẩm mỹ và làm cho mọi người có thể cảm nhận được”. Trong tác phẩm văn học, nhà văn vừa khám phá cái đẹp thực tại, vừa sáng tạo cái đẹp mới và “chiêm nghiệm mình trong một thế giới do mình sáng tạo nên” [59, tr.71] , dưới dạng hình tượng cụ thể cảm tính. Do vậy, viết là một quá trình, nói như tác giả Huỳnh Như Phương, là “tái tạo và sáng tạo thế giới các đối tượng”, chứ không thuần túy là miêu tả cái đẹp hiện tồn theo tính tất yếu lịch sử như quan niệm của giáo trình lý luận trước đổi mới. Bản chất của quá trình viết ấy là sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, mà thông qua đấy, nhà văn với vai trò chủ thể, là người đi trước trong

kinh nghiệm khám phá thẩm mỹ, “truyền bản chất của mình cho các đối

tượng” khách quan. Đến lượt mình, “những đối tượng ấy lại truyền cái bản

chất người (tác giả nhấn mạnh) cho công chúng quan tâm thưởng ngoạn” [59,

tr.71]. Bằng cách ấy, nhà văn thuyết phục bạn đọc cả về phương diện lý trí lẫn

phương diện cảm xúc. Vì vậy, tác giả Huỳnh Như Phương cho rằng: “Trong khi những hiện tượng đời sống được miêu tả ở góc nhìn tích cực hay tiêu cực, nhà văn cũng luôn gợi lên trong người đọc sự đồng cảm với lý tưởng thẩm mỹ của mình, kêu gọi công chúng trở thành người đồng hành và người kế tục lý tưởng mà mình đề cao” [59, tr.91]. Nói văn học có chức năng giáo dục tức là giáo dục thẩm mỹ như thế.

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 63 - 70)