Bình diện ý thức nghệ thuật

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 104 - 109)

7. Cấu trúc luận văn

4.2.1. Bình diện ý thức nghệ thuật

Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất. Non sông hợp nhất một dải. Hoàn cảnh không bình thường của đời sống dân tộc đã khép lại. Nhiệm vụ hàng đầu mà Đảng giao cho văn học là “vũ khí” đấu tranh chống quân thù xâm lược trên “mặt trận văn hóa” nay đã có thể tạm gác lại. Dù vậy, trong khoảng mười năm kể từ khi đất nước thống nhất đến trước đổi mới (1986), văn học vẫn mải miết chạy theo quán tính. Kết quả là văn học đánh mất độc giả của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc kể lại: “Thoạt đầu những người cầm bút hoang mang. Nhưng rồi dần dần họ cũng nhận ra được nguyên nhân: cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, mà văn học thì vẫn cứ như trước” [53, tr.169]. Nghĩa là, nhà văn vẫn loay hoay viết về hình ảnh một cuộc chiến đã qua với tinh thần sử thi, vẫn ngợi ca những bóng hình ảo ảnh và những giáo điều định sẵn. Nghĩa là văn học quay lưng lại với cuộc sống đời thường, quay lưng lại với những trăn trở, lo lắng vụn vặt nhưng là bức xúc thường trực của con người trong thời bình. Và khi con người tìm đến với văn chương như tìm đến một nơi để sẻ chia, đồng cảm thì họ chỉ thấy ở đấy tiếng hát ngợi ca một thời chiến trận dù chưa xa nhưng đã khép lại trong dĩ vãng.

Trong tình hình đó, những năm đầu thập niên 80, một số nhà văn đã có ý thức phản tỉnh về con đường họ đang đi. Nguyễn Minh Châu được nhắc đến

như là một người “mở đường tinh anh và tài năng”. Trong bài Hãy đọc lời ai

điếu cho một giai đoạn văn học minh họa, ông ví người cầm bút ở nước ta một thời gian dài đã “đánh mất cái đầu” thẩm mỹ của mình, chấp nhận làm kẻ tôi đòi cho mục tiêu chính trị, mà đã vô tình hay cố ý tô hồng thực tại, quay lưng lại với nỗi đau của đời sống. Ông kêu gọi nhà văn hãy trở lại là chính mính, cất tiếng nói theo lý lẽ của lương tri và cái đẹp. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu sáng tác trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan

trọng đối với thời kỳ văn học đổi mới ở nước ta. Bức tranh, Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa,…là những tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng văn học mới: khuynh hướng nhận thức lại và khuynh hướng triết luận.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương gọi những hiện tượng như vậy là những tín hiệu về “một nền văn học đang tự vấn”. Nghĩa là văn học ngoái nhìn lại chính mình trong vai trò, vị trí, chức năng đối với xã hội, trong quan niệm và cách nhìn của nó đối với hiện thực. Nói cách khác, đấy là sự sống dậy của ý thức nghệ thuật trong “lương tri” văn học. Có thể ở đâu đó chúng ta sẽ nghe câu hỏi kiểu như: văn học sẽ thế nào nếu nó không nhìn lại chính mình? Câu trả lời chắc chắn là văn học vẫn tồn tại. Bởi vì, nó là nhu cầu muôn thuở và thiết yếu của loài người. Nhưng, đúng như nhà nghiên cứu

Huỳnh Như Phương đã chiêm nghiệm và chia sẻ trong một bài viết có tên Một

nền văn học đang tự vấn: “Một nền văn học có thể tồn tại mà không cần soi rọi vào chính nó, không cần phải tự tra vấn về số phận và ý nghĩa của nó. Nhưng đã là một nền văn học trưởng thành về mặt ý thức thì không thể dựa dẫm vào những sự bảo trợ ở bên ngoài mình mà không tự kiểm thảo về chính mình để biết mình đang ở đâu trên con đường đi của văn minh nhân loại” [57,

tr.150]. Việc một nền văn học nhìn lại mình, theo ông, là đi tìm lại khuôn mặt,

tiếng nói, tâm hồn của chính nó, đồng thời cũng là văn học tìm những khuyết tật ngay trên cơ thể mình. Điều này đòi hỏi nền văn học phải đạt đến độ chín nhất định về mặt tư duy, đồng thời phải có được “cú hích” quan trọng từ điều kiện xã hội. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ VI (1986) và những nghị quyết sau đó của Đảng về văn hóa văn nghệ chính là “cú hích” cần thiết, tạo cho văn học nghệ thuật độ mở nhất định về tự do, dân chủ để sáng tạo.

Khi có được điều kiện cần là sự thay đổi đường lối lãnh đạo của Đảng và sự biến đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội, văn học nước ta giai đoạn sau

năm 1986, tiếp nối, phát triển những vấn đề mà những người tiên phong như Nguyễn Minh Châu đã gợi mở trước đó vài năm; nhìn nhận lại vai trò, vị trí, chức năng của mình đối với đời sống xã hội; nhìn nhận lại vai trò của nhà văn và mối quan hệ giữa văn học với hiện thực và quan niệm nghệ thuật về con người. Đấy là một hành trình không đơn giản với không ít thử thách, bởi sự ngăn cản của những cá nhân nhân danh quyền lực cộng đồng và tín niệm lỗi thời. Nhưng một nền văn học trưởng thành có thể không phải là nền văn học có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, song đấy ắt hẳn là nền văn học có đủ dũng khí thừa nhận khuyết điểm trên khuôn mặt của chính mình, soi rọi lại mình trong nhu cầu tiến bộ của xã hội, nhu cầu bộc lộ của mỗi cá nhân. Nói khác đi, khi đối diện với chính mình, văn học phải trả lời cho được câu hỏi: viết để làm gì? viết cái gì? Nếu trước đấy, đi theo tiếng gọi của Đảng, văn học viết để đấu tranh chống kẻ thù trên mặt trận văn hóa, thì nay văn học xác định là một hình thái ý thức xã hội, độc lập tương đối với chính trị và các hình thái ý thức khác. Như thế nghĩa là người cầm bút thời đổi mới đã có ý thức về nghề văn. Họ không muốn mãi đi trong một “hành lang hẹp”, độc tấu bài ca đường lối chính trị. Bởi vì, cuộc sống thường ngày với muôn hình vạn kiểu trái ngang đang gõ cửa lương tâm người nghệ sĩ. Bởi vì, những con người từng lấm lem bùn đất và ngai ngái mùi thuốc súng trong văn thơ của họ năm nào nay đã khác. Và bởi vì chính người nghệ sĩ mỗi ngày cũng đang phải đối mặt với câu hỏi cơm áo gạo tiền– chuyện tưởng tầm thường nhưng đủ sức trĩu nặng một đời người. Chế Lan Viên, nhà thơ từng vươn mình “đứng ngang tầm chiến lũy”, từng hô hào cho cách mạng và vinh danh những anh hùng trận tuyến:

Vinh quang nhất là những người nổ súng Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu”

nay cuối đời, sống giữa thời bình lại không khỏi day dứt vì nỗi ưu phiền rất chân thật của người bạn lính:

Quên rằng giờ chiến thắng mười năm Anh vẫn khổ

Con vào trường không có chỗ Đến bệnh viện không có tiền Ra đường không ai nhớ Về làng người ta quên”

(Một người thường)

Và lòng không khỏi ngậm ngùi khi:

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời Tôi ú ớ

….

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay, Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể mỉm cười.”

(Ai? Tôi!)

Bước qua chiến tranh, Bảo Ninh cũng có những trăn trở như thế về người đời, đời người, về đường hướng của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật. Trong tiểu

thuyết Nỗi buồn chiến tranh (1990), ông đã để cho nhân vật Kiên – một “nhà

văn phường” trăn trở với tâm trạng như của chính ông và đồng nghiệp khi ấy, rằng phải viết như thế nào về cuộc sống thực tại giữa những tín niệm sâu bền của một thời và sự dâng tràn của cảm xúc đầy hoài nghi. Bản thảo dày lên mỗi ngày mà tư tưởng dang dở, rối rắm như chẳng bao giờ đến hồi kết. Giờ đây, Kiên hay chính là Bảo Ninh và những đồng nghiệp của ông “bên cạnh niềm hy vọng và lòng tin vào thiên chức của mình” cũng “luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình”, và rồi “không còn dám chắc vào bản ngã” nữa

[56, tr.56]. Vì rằng “cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản thân mình; cứ nhìn kỹ vào nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao” [56,

tr.242]. Vì rằng “sự thanh bình này, cuộc sống này, cảnh trời yên biển lặng

này là cả một nghịch lý quái gở” [56, tr.242]. Đấy, nhà văn cật vấn, “cứ nhìn

mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy” [56, tr.242]. Trước những thôi thúc của thực tại, của lương tâm, nhà văn, anh ta không cam lòng đi mãi trong một “hành lang hẹp”, mà muốn phá vỡ những lối đi cũ, bước ra khu vườn, ngước nhìn trời xanh bao la, để trái tim đập nhịp đời thường và đôi tai lắng nghe tiếng đời đang réo gọi. Từ đây, anh ta hiểu trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho nhân loại, văn học cần đi con đường của riêng mình: con đường nghệ thuật thẩm mỹ, để xứng đáng là chỗ dựa tinh thần, là nơi dìu dắt con người đến vương quốc cái đẹp lý tưởng. Để thực hiện trọn vẹn thiên chức đó, nhà văn cần làm điều như Kiên đã làm, “không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bên nhất của anh” [56, tr.56]. Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít những nhà văn đã sớm làm sống dậy ý thức nghệ thuật trong các sáng tác của mình, đồng

thời cảnh tỉnh bạn văn. Truyện ngắn Tướng về hưu của ông được đánh giá cao

trong ý nghĩa như thế. Nó gửi đến giới cầm bút thông điệp nghề nghiệp: hãy viết khác trước.

Cuộc sống đã thay đổi, văn học cũng cần đổi thay. Nhà văn không thể cứ “đứng ngang tầm chiến lũy” mãi, mà hãy cúi nhìn xuống cuộc sống đời thường, bằng trái tim nhạy cảm và giàu vị tha, cảm thương cho những lo toan tủn mủn nhưng là bức xúc thường trực của mỗi con người. Còn chiến tranh, vả chăng khi cần viết, thì hãy viết sao cho khác trước, “viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nỗi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện

của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ, của quá khứ…” [56, tr.63].

Cứ thế, từ những trăn trở ban đầu của một số nhà văn cấp tiến về con đường văn học đã làm sống dậy một trào lưu ý thức nghệ thuật trong giới cầm bút Việt Nam những năm giữa thập niên 80, đầu thập niên 90. Kết quả là chúng ta đã có một thời kỳ văn học sôi động, ấn tượng, cuốn hút với những tên tuổi mà nhiều năm sau nhắc lại người đọc vẫn không khỏi xúc động, yêu mến. Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu, Dương Hướng, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn,… chẳng hạn. Sự dậy sóng của ý thức nghệ thuật trong sáng tác còn mang chứa một thông điệp quan trọng

khác. Đó là tiếng nói đòi dân chủ, đòi quyền tự do sáng tạo cho người cầm

bút. Tiếng nói ấy buộc các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà phê bình và những ai nhân danh quyền lực phải thừa nhận sự tồn tại của văn học ở vị thế là một lĩnh vực nghệ thuật có phương thức phản ánh hiện riêng và sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, chứ không phải theo quy luật của vận động lịch sử. Từ đấy, lý luận cần phải nhìn lại, hoài nghi, xới lật hệ thống khái niệm, phạm trù của chính nó. Còn giáo trình lý luận văn học, dĩ nhiên không thể làm thinh trước những đòi hỏi chính đáng ấy.

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 104 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)