7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Hình tượng nghệ thuật
Trước năm 1986, các tác giả thường bàn về hình tượng nghệ thuật như là một phương thức phản ánh thực tại đặc thù của văn học, và là phương tiện chuyên chở ý thức chính trị, tình cảm xã hội của nhà văn. Tác giả Nguyễn
Lương Ngọc viết trong Sơ thảo nguyên lý văn học (1961): “Hình tượng nghệ
thuật là hình thức đặc biệt của văn học nghệ thuật để phản ánh hiện thực, phản ánh cuộc sống của con người, do nghệ sĩ nhận thức được, và biểu hiện lên. Văn học nghệ thuật diễn đạt tư tưởng, tình cảm bằng hình tượng” [51, tr.209].
Hai tác giả Lê Bá Hán, Hà Minh Đức cũng có nhận định tương tự trong Cơ sở
lý luận văn học năm 1976. Trang 134, giáo trình có đoạn viết: Hình tượng “đó là sự nhận thức, phản ánh thực tại với “hình thức của đời sống”, là sự tái hiện thực tại bằng hình thức trực tiếp, cụ thể - cảm tính và truyền cảm”. Mục đích của văn học nghệ thuật là, “bằng phương tiện của mình”, “dựng lên những bức tranh của đời sống” hoặc khơi dậy trong lòng người đọc “những ý nghĩ đối với đời sống” [82, tr.136]. Nhờ đó, “bản chất xã hội của nghệ thuật được bộc lộ” [82, tr.134].
Năm 1980, khi đã có độ lùi thời gian nhất định để chiêm nghiệm, tác
giả Bùi Ngọc Trác, trong Cơ sở lý luận văn học, nhận thấy ở hình tượng nghệ
thuật không chỉ có hiện thực được phản ánh, mà còn hàm chứa trong nó nội
dung thẩm mỹ. Ông nhấn mạnh: “Hình tượng nghệ thuật không chỉ là một phạm trù nhận thức luận mà còn là một phạm trù thẩm mỹ nữa” [52, tr.280]. Là một loại hình ý thức xã hội thẩm mỹ, văn học phản ánh hiện thực nhưng “không phải là bức ảnh chụp hiện thực, mà là sự tái hiện hiện thực một cách sáng tạo” [52, tr.285]. Do vậy, chúng ta “cần phải gạt bỏ cách hiểu những khái niệm “miêu tả” và “biểu hiện” như trước đây nhiều người quan niệm là làm hiện ra rõ rệt bức tranh của hiện thực. Bởi vì, theo ông: “Ý nghĩa thẩm mỹ của khái niệm “miêu tả” và “biểu hiện” vượt ra ngoài khuôn khổ của sự bộc lộ có tính chất hình thức lẻ tẻ, rời rạc của những khái niệm này” [82, tr.285]. Ông giải thích: “Ở đây nói đến tính biểu hiện là nói đến khuynh hướng tư tưởng – cảm xúc của hình tượng. Còn nói đến tính miêu tả là nói đến sự tồn tại cảm tính nhất thiết phải có của hình tượng, mà thông qua sự phù hợp của nó với những hiện tượng thực tế, nó sẽ biến trạng thái chủ quan và sự đánh giá của nghệ sĩ thành hiện thực đối với người cảm thụ” [82,
tr.285]. Như vậy, miêu tả hiện thực là một phương thức để nhà văn biểu hiện
cảm xúc, khuynh hướng tư tưởng thẩm mỹ của mình. Cụ thể là “bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động một cách gợi cảm đến người đọc người nghe, giáo dục họ bằng thẩm mỹ, khơi dậy ở họ những cảm xúc yêu ghét một số hiện tượng này hoặc khác của đời sống” [82, tr.287]. Nhờ đấy, văn học trở thành “cơ thể sống”, mà “bất cứ sự tách rời thô bạo nào đối với chúng đều dẫn đến sự phá hoại tính nghệ thuật” [82, tr.287]. Là một cơ thể sống mang tư tưởng thẩm mỹ, văn học “không cần đến những người thợ khéo tay” (Nam Cao) chỉ giỏi bắt chước tự nhiên. Tác giả Bùi Ngọc Trác viết tiếp: “Kẻ bắt chước giỏi lắm cũng chỉ tô vẽ thêm đối tượng miêu tả, chứ không thể tạo ra
được những giá trị thẩm mỹ mới” [82, tr.286]. Giá trị thẩm mỹ chỉ có được khi người viết biết “tái hiện” hiện tượng đời sống “một cách sáng tạo”. Nghĩa là thông qua đối tượng miêu tả, nhà văn bằng cảm quan thẩm mỹ, biểu hiện “khát vọng vươn tới cái đẹp” lý tưởng, tinh thần hướng thượng. Ông viết: “Nghệ thuật với tư cách là một hiện tượng thẩm mỹ bắt đầu ở nơi mà sự miêu tả không biến thành mục đích tự thân, mà trở thành một phương tiện biểu hiện
những tư tưởng nhân đạo cao cả” [82, tr.286]. Chỉ bằng cách ấy, văn học nghệ
thuật mới không “mất hơi thở sự sống” và không “biến thành nghĩa địa của những từ ngữ, màu sắc, âm thanh,…” [82, tr.286].
Như vậy, có thể hiểu quan điểm của tác giả Bùi Ngọc Trác: văn học phản ánh hiện thực nhưng ý nghĩa của nó không dừng lại ở hiện tượng được phản ánh, mà tiến đến “lãnh địa” khác – lãnh địa thẩm mỹ. Cho nên, chính là yếu tố thẩm mỹ, niềm khao khát vươn tới cái đẹp, chứ không phải yếu tố hiện thực xã hội, làm cho văn học trở thành thực thể có linh hồn, có sức hấp dẫn và số phận riêng. So với các giáo trình lý luận văn học xuất bản vào những năm 1960 thì đây rõ ràng là điểm tiến bộ, phần nào cho thấy dấu hiệu trưởng thành trong tư duy lý luận của người nghiên cứu.
Tuy vậy, ra đời năm 1980, Cơ sở lý luận văn học (Nguyễn Lương Ngọc
chủ biên), vẫn chưa thể thoát ra khỏi tầm tư duy của thời đại. Thừa nhận vai trò của yếu tố thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng rốt cục góc nhìn của tác giả Bùi Ngọc Trác cũng chỉ giới hạn trong khung thẩm mỹ chung của mỹ học mác - xít. Nghĩa là, cái đẹp mà nhà văn phát hiện, tái hiện trong tác phẩm không gì ngoài cái đẹp của đời sống. Nhà văn, ông ta sống, trải nghiệm và tái hiện cái đẹp của cuộc sống bằng một hình thức sáng tạo là những hình tượng. Trang 287, tác giả viết: “Hình tượng nghệ thuật sẽ mất đi những phẩm chất cơ bản của nó nếu không chứa đựng tư tưởng - thẩm mỹ mà cuộc sống cung cấp cho”. Mặt khác, ông nhấn mạnh: “Hình tượng nghệ thuật không phải là sự
bừng sáng đột xuất trong tâm hồn nhà văn. Nó không nảy sinh một cách bất ngờ, chớp nhoáng. Nó ra đời là do sự nỗ lực hoạt động sáng tạo của nhà văn trong quá trình thâm nhập, phản ánh nội dung khách quan của cuộc sống và biểu hiện suy nghĩ, tình cảm của mình về cuộc sống đó”. Điều này có nghĩa, giá trị thẩm mỹ phải được đặt trên cơ sở giá trị nhận thức. Và, nhà văn, như cách hiểu của Bùi Ngọc Trác, chỉ là một người kể chuyện đời sống một cách thông minh, sinh động với lối nói hình tượng. Ông ta bằng tài năng kể chuyện và lối miêu tả sinh động của mình, tái hiện trước người đọc một bức tranh đời sống với vẻ đẹp như nó vốn có, để người đọc thẩm thấu điều đó bằng con đường lý trí và tình cảm. Qua đấy, văn học gợi lên ở người đọc lòng khao khát cái đẹp, tinh thần hướng thượng. Đây là một trong những đặc điểm của lý luận văn học mác – xít ở nước ta trước năm 1986, trong đó có giáo trình lý luận văn học.