Điển hình nghệ thuật

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 59 - 63)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Điển hình nghệ thuật

“Màu sắc” mỹ học mác – xít trong giáo trình lý luận văn học trước 1986 được thể hiện rõ hơn trong quan niệm về điển hình nghệ thuật. Nếu hình tượng là khái niệm chỉ đặc trưng tư duy nhận thức và phản ánh của văn học thì điển hình nghệ thuật, trong quan niệm của các giáo trình trước 1986, là khái niệm chỉ “chất lượng của sự phản ánh” của hình tượng. Nó “chỉ sự sâu sắc, sự rộng lớn và sức mạnh của hình tượng” [51, tr.221] và phải “nói lên được tính quy luật của cuộc sống” [51, tr.320]. Điển hình là hướng phát triển chung của hình tượng nhưng không phải tác phẩm nghệ thuật nào cũng đạt được điều này. Tác giả Bùi Ngọc Trác viết: “Về nguyên tắc, tác phẩm văn học nào cũng phải lấy việc xây dựng hình tượng làm lý do tồn tại, nhưng vị tất mọi hình tượng của nó đều được công nhận là điển hình, bởi vì điển hình là

thành quả có ý nghĩa sáng tạo đặc biệt của nhà văn trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống” [52, tr.322].

Gọi là điển hình nghệ thuật, nhưng trên thực tế, các tác giả nhấn mạnh tính điển hình hơn tính nghệ thuật của hình tượng. Quan niệm điển hình nghệ thuật là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa cái cá biệt cụ thể với cái chung, các tác giả trước năm 1986 cho rằng cách nhà văn xây dựng hình tượng điển hình cho

thấy thế giới quan và ý thức chính trị của ông ta. Giáo trình Cơ sở lý luận văn

học (1976) viết: “Điển hình hóa bao giờ cũng gắn liền quan điểm chính trị và

xã hội của nhà văn”; “Quá trình điển hình hóa là quá trình thâm nhập, đồng hóa hiện thực bằng nghệ thuật, là quá trình thể nghiệm sâu sắc ý thức chính trị của nhà văn trong sáng tác. Vai trò của thế giới quan có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc điển hình hóa” [82, tr.174]. Vì vậy, muốn xây dựng được điển hình nghệ thuật, nhà văn trước hết phải xây dựng cho mình một thế giới tiến bộ là đứng về phía cuộc chiến bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bởi vì, như Nguyễn Lương Ngọc đã nói: “Chỉ có đứng trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chỉ có một thế giới quan và nhân sinh xã hội, mới phản ánh được nó bằng hình tượng điển hình và qua đó mới đề ra được nguyên nhân và phương pháp giải quyết những mâu thuẫn xã hội một cách đúng đắn và triệt để, khiến cho tác phẩm văn học trở thành một sức mạnh cải tạo xã hội” [51, tr.246].

Như vậy, trong quan niệm của các tác giả giáo trình lý luận văn học trước năm 1986, vấn đề bản chất xã hội bao trùm mọi vấn đề khác của văn học, trong đó có bản chất thẩm mỹ. Nói cách khác, cái thẩm mỹ suy đến cùng cũng chỉ là một phương thức phản ánh đặc thù của văn học, phân biệt với phương thức phản ánh tồn tại xã hội của những hình thái ý thức xã hội khác.

Thực ra, mấu chốt của cách luận giải về bản chất thẩm mỹ của văn học nằm ở chỗ người nghiên cứu lý luận quan niệm thế nào về lý tưởng thẩm mỹ

và lý tưởng đời sống. Chúng tôi cho rằng, hai khái niệm này có độ chênh nhất định về nội hàm. Lý luận văn học Việt Nam trước 1986 thường đặt nặng vấn đề bản chất xã hội, vai trò của văn học với thực tiễn, do đó mọi vấn đề khác đều bị quy về một mối. Đây là xu hướng chung của những người theo mỹ học

mác – xít, coi cái đẹp phải là cái thực tồn và phải gắn liền với cái có ích, cái

thiện.

Nếu ở các giáo trình lý luận của thập niên 60, nội dung chân lý nghệ

thuật chưa được trình bày cụ thể, bài bản, thì ở Cơ sở lý luận văn học (1980),

vấn đề này đã được đưa ra trình bày như một nội dung thẩm mỹ của văn học. Tuy nhiên, cũng chính ở đây chúng ta nhận thấy rõ ràng chân lý nghệ thuật bị đánh đồng với chân lý đời sống. Trang 354, tác giả khẳng định: “Chỉ có thể đạt tới chân lý nghệ thuật, khi nhà văn mạnh dạn hư cấu, sáng tạo trên cơ sở trung thành với chân lý cuộc sống”. Một cách diễn đạt khác, ông viết: “Xét

trên những nét cơ bản, chân lý nghệ thuật chính là sự thật của bản thân đời

sống được biểu hiện bằng hình tượng nghệ thuật” [52, tr.354]. Vì vậy, muốn xác định độ tin cậy của lý tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật, hãy nhìn

vào những sự kiện cuộc sống được miêu tả”.

Một lần nữa, quan niệm của các tác giả giáo trình giai đoạn trước 1986 về bản chất thẩm mỹ của văn học lại cho ta thấy, nhà văn cùng lắm cũng chỉ là một trong những người sớm tri nhận được chân lý đời sống và biết cách mê dụ người khác bằng lối kể chuyện hình tượng, chứ tuyệt nhiên không sáng tạo hay phát kiến ra cái đẹp nào khác.

Việc lý luận văn học Việt Nam trước năm 1986, trong đó có giáo trình lý luận văn học, đồng nhất lý tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật với lý tưởng đời sống và biến văn học trở thành “tên hề đồng” không thể coi là sự tiến bộ tư duy. Nhưng ở vào thời điểm điều kiện chính trị và hiện tình văn học còn nhiều khó khăn, chưa có bứt phá mạnh, thì một số nỗ lực đổi mới quan niệm

về bản chất thẩm mỹ như trong giáo trình Cơ sở lý luận văn học năm 1980 cũng có thể coi là một thành tựu đáng ghi nhận. Đây là bước đệm quan trọng để những giáo trình sau năm 1986 kế thừa, phát huy.

2.2. Quan niệm về bản chất thẩm mỹ của văn học trong giáo trình lý luận văn học sau năm 1986

Từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, nhiều vấn đề căn bản của lý luận văn học được đưa ra bàn luận và sửa đổi. Vấn đề bản chất của văn học được chú ý đặc biệt. Văn học làm gì cho cộng đồng nhân loại nếu không còn hô hào cho cuộc chiến súng đạn và tuyên truyền cho lý tưởng chính trị? Trong điều kiện xã hội mới, con người mới, hoạt động sáng tác đang chuyển mình mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi những người nghiên cứu phải đổi mới tư duy, đổi mới góc nhìn, cách nghĩ về đối tượng của mình. Việc xác định bản chất văn học lại được đặt ra. Người ta hoài nghi về mô hình lý thuyết cũ – một mô hình lý thuyết đặt tiêu chí chính trị, xã hội cao hơn tiêu chí nghệ thuật. 25 năm sau đổi mới, nhìn lại chặng đường lý luận văn học đã đi qua, chúng ta có thể nhận ra nhiều nét chuyển biến đáng ghi nhận xung quanh vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học. Không phủ nhận vai trò xã hội, nhưng lý luận thời kỳ này cũng không còn cách hiểu “ngây thơ” như trước. Ngày nay, những người nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã nhìn ra sự khác biệt giữa chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống. Nghệ thuật hẳn nhiên không thể là “tên hề đồng” gõ mãi một nhịp của xã hội. Bởi, đúng như Yuri Lotman đã

nói,nghệ thuật là mô hình của đời sống. Sự khác biệt giữa mô hình và đời

sống là rất lớn. Tội ác trong nghệ thuật là sự tìm hiểu về tội ác, còn trong cuộc sống thì chỉ có tội ác mà thôi. Một đằng là miêu tả sự vật, đằng kia là bản thân sự vật (Yuri Lotman). Nghệ thuật là do con người sáng tạo nên, dĩ nhiên nó không thể tách biệt khỏi cuộc sống con người. Nhưng nghệ thuật có lý tưởng, có mục đích của riêng mình, mà có lúc tương đồng, có khi mâu thuẫn với lý

tưởng đời sống chính trị, xã hội. Chính nhờ có lý tưởng thẩm mỹ mà dẫu không ít lần phải chịu thương đau, văn học nghệ thuật vẫn vượt qua mọi điều kiện xã hội hà khắc, xác lập tiếng nói và diện mạo riêng, tương tác nhưng độc lập với các hình thái ý thức khác.

Giáo trình thời đổi mới đã từng bước ghi nhận, tổng kết thành quả của quá trình vận động đổi mới tư duy lý luận văn học nước nhà. Ở các giáo trình, hệ thống vấn đề bản chất thẩm mỹ đã được đặt ra, kiến giải căn bản, nhuần nhị.

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)