Giáo trình Dẫn luận thi pháp học (2005)

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 86 - 89)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Giáo trình Dẫn luận thi pháp học (2005)

Dẫn luận thi pháp học, như tên gọi của nó, không phải là giáo trình trình bày nội dung những vấn đề nguyên lý văn học nói chung, mà tập trung bàn về những vấn đề của thi pháp học – một ngành khoa học nghiên cứu văn học quan trọng ở thế kỷ XX. Cần nói thêm, đây là giáo trình chuyên đề thi pháp học đầu tiên ở nước ta, dành riêng cho hệ đại học. Mặc dù người biên soạn có ý thức chỉ trình bày những phương diện cơ bản nhất, phù hợp với trình độ sinh viên (hệ đào tạo từ xa), nhưng cuốn sách vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với nền học thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay. Có thể tìm thấy ở đây nhiều quan điểm, nhận định mới mẻ, thú vị, vốn được tác giả rút ra từ kết

quả nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy chuyên đề nhiều năm ở các trường

đại học trong cả nước. Vì vậy, sẽ là thiếu sót đáng tiếc nếu chúng ta không đề

cập đến Dẫn luận thi pháp học của tác giả Trần Đình Sử khi nghiên cứu vấn

đề bản chất và đặc trưng ngôn ngữ của văn học trong các giáo trình lý luận Việt Nam thời đổi mới.

Thi pháp học là một lĩnh vực mới (nhưng không xa lạ) trong khoa nghiên cứu văn học. Gần một thế kỷ qua, ở các nước phương Tây đã có không ít công trình lý thuyết và ứng dụng thành công thi pháp học vào nghiên cứu văn học. Dù vậy, nội hàm khái niệm thi pháp học vẫn chưa được thống nhất.

Người ta còn nhiều hoài nghi về tính độc lập khoa học của nó. Một số nhà nghiên cứu khẳng định: thi pháp học là lĩnh vực khoa học văn chương chuyên biệt, ngang hàng với nghiên cứu lịch sử, phê bình, lý luận văn học. Một số khác lại cho rằng, thi pháp học là một nhánh của lý luận văn học. Nghiên cứu vấn đề này, Trần Đình Sử thừa nhận thi pháp học có phần giao thoa với lý luận, ở chỗ “nó tập trung khám phá các cấu trúc thể hiện bản chất nghệ thuật của văn học” [62, tr.8]. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “đồng nhất thi pháp học với lý luận văn học có lẽ là không hợp lý” [62, tr.10]. Bởi vì, lý luận văn học bao gồm nhiều lĩnh vực lý thuyết khác nhau như xã hội học văn học, triết học văn học, tâm lý học văn học, tiếp nhận văn học, văn hóa học văn học,… Trong khi đó, thi pháp học chỉ bao gồm các phương diện nghệ thuật như các thủ pháp và kỹ thuật văn học, đặc trưng tư duy và phong cách nghệ thuật. Như vậy, thi pháp học gắn liền mỹ học văn học và triết học nghệ thuật. Mặt khác, ông không tán thành quan điểm của R. Jakobson chỉ đặt thi pháp học trong phạm vi ngôn ngữ học. Cách làm này, theo ông, là khiến phạm vi của thi pháp học bị thu hẹp cực độ, không có khả năng bao quát bản chất văn học nghệ thuật ở góc độ là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ”.

Vậy, thi pháp học là gì? Nghiên cứu lịch sử vấn đề, Trần Đình Sử tán thành định nghĩa của nhà lý luận văn học Nga V. Girmunxki, gọi: “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi ca (văn học) với tư cách là một nghệ thuật” [62, tr.8].

Xuất phát của thi pháp học là đặc trưng ngôn ngữ nhưng không dừng lại ở đó, mà tiến đến khám phá, khái quát bản chất nghệ thuật của văn học từ đặc trưng hình thức ở các cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, từ cụ thể đến trừu tượng.

Từ điểm nhìn thi pháp, Trần Đình Sử phê phán những công trình lý luận “chỉ xem ngôn ngữ văn học như một phương tiện bề ngoài, một phương

tiện giản đơn để truyền đạt cái hình tượng có sẵn” và cho rằng ngôn ngữ văn học “không quan trọng bằng chi tiết” [62, tr.199]. Thực tế cho thấy, nếu không xuất phát từ đặc trưng ngôn từ thì không thể giải quyết thỏa đáng tính đa nghĩa và những đặc tính khác của hình tượng. Hình tượng văn học, do đó, không thể rời bỏ thế giới ngôn ngữ. Bên cạnh đó, ông cũng không tán đồng “quan niệm về tính độc lập tuyệt đối của sáng tác văn học, tức là xem giá trị, bản chất của văn học chỉ nằm trong văn bản ngôn từ, phân tích ngôn từ được thực hiện thay thế cho phân tích nội dung cuộc sống được thể hiện trong đó”

[62, tr.200]. Vì dẫu rằng văn học sử dụng ngôn ngữ, nhưng ký hiệu của văn

học và ký hiệu của ngôn ngữ có nhiều điểm khác biệt. Do đó, sẽ là thô thiển nếu suy trực tiếp từ đặc điểm ngôn ngữ sang đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật. Ngôn từ trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo theo quy luật cái đẹp. Văn bản nghệ thuật, vì vậy, truyền đạt một ý nghĩa mà không một phát ngôn đồng nghĩa nào có thể thay thế được. Cho nên, như M. Bakhtin đã nói, sẽ là ấu trĩ nếu cho rằng nhà văn chỉ cần một ngôn ngữ như của nhà ngôn ngữ học, và kỳ thực cũng chỉ có nhà ngôn ngữ học mới nghiên cứu ngôn ngữ như chính nó. Còn với các nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong tác phẩm phải được nhìn nhận như là hình thức của cái đẹp. Hai quan niệm trên đối nghịch nhau và đều là hai trạng thái cực đoan trong khoa học văn học.

Cuối cùng, Trần Đình Sử kết luận: văn học và ngôn từ không tách rời nhau. Việc sử dụng tri thức ngôn ngữ vào nghiên cứu bản chất nghệ thuật của văn học và sử dụng tính văn học để khám phá đặc thù ngôn ngữ là cần thiết, có ý nghĩa. Ở góc độ lý luận, ngôn ngữ cần được xem không chỉ là phương tiện mà còn là đối tượng chiếm lĩnh của nhà văn. Nhờ hoạt động chiếm lĩnh ấy mà văn học khắc phục được giới hạn của ngôn ngữ thông thường, vượt qua

thế giới hình tượng của ngôn từ, làm thăng hoa tư tưởng thẩm mỹ về con người, về một hiện thực như nó cần phải có.

Như vậy, những vấn đề Trần Đình Sử đặt ra, mặc dù ở góc độ thi pháp học nhưng có ý nghĩa khắc phục hướng tiếp cận cũ chỉ coi ngôn ngữ thuần túy là chất liệu của sáng tạo, đồng thời gợi mở những khía cạnh quan trọng để tiếp cận bản chất ngôn ngữ của văn học.

Một phần của tài liệu vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học trong giáo trình lý luận văn học việt nam từ những năm 1960 đến nay (Trang 86 - 89)