Các nguồn lực tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển bao gồm vị trí địa lý vùng biển, ven biển và các tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Các nguồn lực này có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề phát triển kinh tế biển của tỉnh.
2.1.1.1. Vị trí địa lý, đặc điểm vùng biển, ven biển
Đối với việc phát triển kinh tế biển của một quốc gia hay địa phương thì vị trí địa lý và đặc điểm vùng biển, ven biển có ý nghĩa rất lớn. Vùng biển, ven biển là “cửa ngõ” thông thương hàng hóa của tỉnh với các địa phương khác trong vùng, trong cả nước, đồng thời nó còn là môi trường chứa đựng nhiều tiềm năng về thủy sản, du lịch, khoáng sản, .. để phát triển các ngành kinh tế biển.
Bến Tre là một trong 8 tỉnh giáp biển của vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, có ba mặt giáp đất liền, một mặt giáp biển Đông, với đường bờ biển dài 65km và một hệ thống sông rạch dày đặc. Bến Tre lại nằm giữa con đường vận tải từ trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh của vùng Đông Nam Bộ đến Thành phố Cần Thơ – trung tâm kinh tế lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí đó, Bến Tre có nhiều lợi thế để phát triển giao thông vận tải đường thủy, đường biển, việc vận chuyển, trao đổi nguyên liệu, hàng hóa của các huyện trong tỉnh đến các
địa phương khác một cách dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm. Bên cạnh đó, Bến Tre còn nằm gần đường vận tải biển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Băng Cốc, Singapo,.. nên trong tương lai, Bến Tre có nhiều khả năng thông thương kinh tế với các nước trong khu vực một cách chủ động.
Bến Tre có một vùng biển rộng lớn với diện tích vùng lãnh hải hơn 20.000
km2, là địa bàn tiềm năng để khai thác nguồn lợi hải sản dồi dào của biển Đông.
Qua đó, góp phần hình thành và phát triển ngành đánh bắt hải sản, nhất là hải sản xa bờ, đem lại giá trị kinh tế cao.
Bờ biển Bến Tre bị chia cắt bởi các cửa sông của hệ thống sông Cửu Long. Đồng thời, xu thế lấn biển đang diễn ra mạnh theo hướng Tây – Tây Nam tại các cửa sông Ba Lai, Cổ Chiên, Cửa Đại do các tác động tổng hợp giữa các dòng hải lưu ven bờ và phù sa sông đổ ra biển. Vì thế, ở vùng ven biển đã hình thành nhiều bãi bồi rộng. Các bãi bồi có thành phần chủ yếu là bùn và cát, khi thủy triều rút, bãi
bồi nổi trên mặt nước, trãi rộng ra phía biển hàng nghìn mét. [8]. Ngoài ra, nhiều
cồn cũng xuất hiện vùng cửa sông ven biển do sự lắng đọng phù sa. Các cồn này chủ yếu còn ngập nước, chỉ hiện rõ khi nước triều thấp. Các bãi bồi và cồn ven biển là địa bàn lí tưởng nuôi các loại thủy, hải sản nước mặn như nghêu, sò, tôm,….
Dọc bờ biển Bến Tre tuy không có những bãi biển nổi tiếng như ở Bà Rịa – Vũng Tàu hay Nha Trang nhưng cũng có một số bãi biển được khai thác phục vụ hoạt động du lịch nghỉ ngơi, dã ngoại,..như bãi biển Cồn Hố (An Thủy – Ba Tri),
biển Thừa Đức, biển Thới Thuận (Bình Đại).
Vùng biển và ven biển Bến Tre còn cung cấp các nguồn lợi khác như năng
lượng biển, hóa chất từ nước biển, nước biển để làm muối,...
Ngoài ra, ven biển của tỉnh có nhiều giồng cát, là kết quả tác động của dòng sông và sóng biển trong quá trình lấn biển của vùng cửa sông, thành phần chủ yếu là cát mịn và cát pha. Các giồng cát này có độ cao từ 3 – 5m, chạy dài 5 – 7 km, hướng song song với bờ biển, phân bố tại các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đây là nơi địa hình cao ráo, thuận lợi cho việc cư trú tập trung của dân cư, hình thành các làng chài ven biển. Các khu dân cư tập trung, có lịch sử lâu đời
này là nơi cung cấp lực lượng lao động tại chỗ chủ yếu cho việc phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh.
Tóm lại, vị trí địa lý và đặc điểm vùng biển, ven biển Bến Tre có nhiều lợi thế để phát triển mạnh ngành kinh tế hải sản, giao thông vận tải biển và du lịch biển.
2.1.1.2.Tài nguyên thủy hải sản
Do ở vùng cửa sông ven biển, bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, có
vùng lãnh hải rộng hơn 20.000km2 nên tài nguyên thủy, hải sản của Bến Tre rất
phong phú từ vùng nước mặn, vùng nước lợ đến vùng nước ngọt. Công tác điều tra, thống kê nguồn lợi thủy hải sản của tỉnh, bước đầu đã thống kê được Bến Tre có
185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy. [8]
Về tài nguyên cá: có 120 loài cá thuộc 43 họ. Căn cứ vào điều kiện sinh thái có thể chia thành 3 nhóm: cá nước mặn, cá nước lợ, cá nước ngọt. Nhóm cá nước mặn gồm các loài cá có giá trị kinh tế như cá bạc má, cá nục, cá mối vạch, cá chuồn đen, cá chích tròn, cá thu vạch,…Đây là đối tượng đánh bắt chủ yếu hiện nay của ngư dân trong tỉnh. Nhóm cá nước lợ có cá kèo, cá bống cát, cá đối,…chủ yếu sống ở vùng cửa sông ven biển. Nhóm cá nước ngọt gồm cá mè Vinh, cá mè Dãnh, cá trê vàng, cá rô đồng, cá sặc,..chủ yếu sống ở sông rạch, thường xâm nhập vào vùng lợ
vào mùa mưa, khi lượng nước sông đổ ra biển tương đối lớn.[6]
Tài nguyên tôm: đã phát hiện 12 loài tôm biển, trong đó có giá trị gồm tôm thẻ, tôm sú, tôm gân, tôm đất và 8 loài tôm nước ngọt, trong đó có giá trị nhất là
tôm càng xanh. [6]
Tiềm năng khai thác hải sản của Bến Tre không chỉ nằm trong phạm vi vùng biển của tỉnh mà gắn liền với vùng biển Nam Bộ - nơi có trữ lượng hải sản cao nhất cả nước. Phạm vi hoạt động khai thác của ngư dân rất rộng, trải dài từ vùng biển Bà Rịa Vũng Tàu đến vịnh Thái Lan, gắn liền với các bãi cá, bãi tôm, bãi mực với trữ lượng lớn. Trong vùng biển Nam Bộ có 6 bãi cá, 5 bãi tôm và 3 bãi mực tốt nhất Việt Nam với 50% sản lượng cá biển (khoảng 150 triệu tấn), 70% trữ lượng tôm
Do đặc điểm các bãi cá, bãi tôm, mực có trữ lượng lớn, phần lớn phân bố gần bờ, lại tập trung chủ yếu ở vùng biển Nam Bộ - địa bàn khai thác chính của ngư dân Bến Tre nên nhìn chung việc khai thác nguồn lợi hải sản trên biển của ngư dân trong tỉnh có nhiều thuận lợi.
Về tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản: tỉnh có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản với diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản ước đạt 50.000 ha. Ven biển Bến Tre có nhiều bãi bồi trãi dài ra biển hàng nghìn mét, nhiều cửa sông kết hợp mạng lưới kênh rạch chằng chịt là điều kiện để nuôi thủy hải sản ở cả ba môi trường nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Bên cạnh đó, vùng ven biển Bến Tre có diện tích rừng ngập mặn khoảng 7.500 ha, là điều kiện tốt để phát triển mô
hình lâm – ngư kết hợp, tăng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Năm 2010,
toàn tỉnh có 3.359 ha diện tích rừng – tôm mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, tỉnh còn có tiềm năng nuôi trồng thủy sản khá lớn từ việc chuyển đổi sản xuất, kết hợp nuôi xen canh một vụ lúa – một vụ tôm ở vùng ven biển. Năm 2010, toàn tỉnh ước đạt 6.600 ha mô hình xen canh lúa – tôm, quy hoạch đến năm 2020 tăng lên 8.900
ha. [9]
Bên cạnh đó, các bãi bồi ven biển Bến Tre còn có khả năng nuôi nhiều đặc sản có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao khác như cua biển, sò huyết, nghêu,.. Hiện tại, Bến Tre có các bãi nghêu giống chất lượng cao tại Thạnh Phong (Thạnh Phú), Bảo Thạnh (Ba Tri), Thới Thuận (Bình Đại), là nguồn tài nguyên quý để phát
triển nghề nuôi nghêu xuất khẩu. Đặc biệt từ năm 2009, sản phẩm nghêu của tỉnh
Bến Tre được chứng nhận MSC về sản phẩm được khai thác, quản lý bền vững của Hội đồng quản lý Biển quốc tế góp phần tạo động lực và cơ hội rất lớn cho sản phẩm nghêu xuất khẩu của Bến Tre trên thị trường.
2.1.1.3.Tài nguyên rừng
Trên khu đất ngập mặn ven biển, tỉnh Bến Tre có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn vùng cửa sông phong phú và quý giá. Khi xưa, diện tích rừng chiếm trên 20.000 ha. Hiện tại, do bị tàn phá trong chến tranh, khai thác rừng bừa bãi, phá rừng nuôi tôm nên rừng ngập mặn chỉ còn 7.500 ha (2002), chủ yếu phân bố ở 3 huyện
ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Rừng ngập mặn Bến Tre có thành phần loài phong phú gồm 119 loài thuộc 45 họ, trong đó, chiếm ưu thế là các loài mắm
trắng, đước, đưng, bần trắng, dừa nước,…[8]
Rừng ngập mặn của Bến Tre có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của dân cư vùng ven biển.
Trước hết, rừng ngập mặn là nơi cư ngụ, nơi sinh sống và sản xuất của người
dân vùng ven biển. Đồng thời, rừng ngập mặn còn cung cấp cho người dân địa
phương nhiều loại sản phẩm có giá trị như gỗ, củi, than, lá dừa nước (để lợp nhà); các loại thủy, hải sảm như cá, tôm, cua, nghêu, sò huyết,…
Thứ hai, rừng ngập mặn góp phần bảo vệ bờ biển. Cây rừng góp phần giảm nhẹ hoạt động của sóng biển, gió chướng, hạn chế xói lở bờ biển. Bên cạnh đó, cây rừng ngập mặn chủ yếu mọc trong vùng bùn lỏng mới bồi như mắm, đước, bần,… với bộ rễ thở đặc trưng sẽ có tác dụng tích tụ phù sa, góp phần tăng diện tích bãi bồi.
Thứ ba, rừng ngập mặn có tác dụng lọc sạch nước biển. Cây rừng thông qua quá trình hấp thụ, chuyển hóa chất trong nước đã lọc sạch những chất gây ô nhiễm môi trường từ phía đại dương vào đất liền hoặc trong đất liền thải ra biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ven biển, đảm bảo phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản và du lịch biển.
Thứ tư, rừng ngập mặn góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Rừng ngập mặn là nơi cư trú, sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Đây là “cửa ngõ” cho các loài sinh vật biển xâm nhập sâu vào vùng nước lợ, nước ngọt: nhiều loài thủy sản như tôm càng xanh sống ở môi trường nước ngọt, lợ nhưng sinh sản trong rừng ngập mặn; các loài tôm biển như tôm thẻ, tôm sú sinh sản ở vùng biển nhưng tôm con thường di cư vào rừng ngập mặn để sinh sống, kiếm ăn, đến thời kì sinh sản, tôm lại di cư ngược ra biển. Các vùng bãi bồi là nơi cư trú của các loài cua, sò huyết,.. Rừng ngập mặn còn là nơi cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản. Các cành lá cây khô trong rừng rụng xuống nước, được vi sinh vật phân hủy thành
mùn bả hữu cơ, kết hợp với các chất hữu cơ từ sông đưa ra và các phiêu sinh vật là nguồn thức ăn dồi dào cho ấu trùng tôm, cá,..
Thứ năm, rừng ngập mặn còn là nơi cư trú, sinh sản của tài nguyên chim, thú rừng, là “ngân hàng lưu trữ nguồn gien” góp phần bảo vệ đa dạng sinh học. Theo thống kê, trong rừng ngập mặn của tỉnh có 27 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư, 16 loài thú, hơn 60 loài chim. Trong đó có sân chim Vàm Hồ là một trong các sân chim nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điều kiện để phát triển ngành du lịch
sinh thái, tham quan, nghiên cứu.
Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có thể phát triển mô hình lâm – ngư kết hợp, nuôi tôm, cua trong rừng ngập mặn đạt hiệu quả cao.
Rừng ngập mặn là yếu tố rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo cho việc phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh, nhất là ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch sinh thái rừng – biển.
2.1.1.4.Tài nguyên du lịch biển
Bến Tre là miền đất được mệnh danh “vùng văn minh sông nước”, cũng là nơi nổi tiếng với tên gọi “quê hương Đồng Khởi”. Nơi đây hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.
Du lịch biển là các hoạt động du lịch gắn liền với việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch, môi trường vùng biển, ven biển. Bến Tre có tài nguyên du lịch biển khá đa dạng bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên:
Bến Tre có địa hình bằng phẳng, thấp, có xen kẻ các dạng địa hình khác nhau như cù lao, cồn, giồng cát, bãi biển, bãi bồi ven biển,..Sự đa dạng của địa hình tạo nên sự thích thú cho du khách. Các cù lao, cồn ven sông, ven biển là nơi thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh. Các bãi biển thích hợp tổ chức các hoạt động ngoài trời như dã ngoại, tắm biển, liên hoan, vui chơi giải trí,…
Rừng ngập mặn ven biển là tài nguyên du lịch có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch biển của Bến Tre, thích hợp khai thác các hoạt động du lịch tham
quan, học tập, nghiên cứu, vui chơi giải trí, thưởng thức các đặc sản trong rừng như tôm, cua, cá, ong mật,.. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái sân chim Vàm Hồ thuộc hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân (Ba Tri) và dự án kêu gọi đầu tư xây dựng khu bảo tồn rừng ngập mặn Khâu Băng (Thạnh Phú) rộng 1000ha và khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ (Ba Tri) rộng 67ha.
Dọc bờ biển của tỉnh không có những bãi tắm đẹp và nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang do có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển, lượng phù sa lớn làm đục nước biển, nhiều bãi bồi nông, thành phần chủ yếu là bùn và cát nên dọc bờ biển Bến Tre ít thuận lợi để xây dựng các bãi tắm, khu du lịch biển đẹp, quy mô lớn. Đây cũng là tình trạng chung của phần lớn các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoại trừ Kiên Giang có khu vực Hà Tiên và đảo Phú Quốc có nền địa chất, địa hình phù hợp xây dựng các bãi tắm đẹp. Tuy nhiên, Bến Tre cũng có một vài bãi biển được khai thác phục vụ du lịch, chủ yếu là khách nội tỉnh. Các bãi biển điển hình là bãi biển Cồn Hố (An Thủy – Ba Tri), bãi biển Thừa Đức, bãi biển Thới Thuận (Bình Đại).
Bãi biển Cồn Hố thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri đang thu hút đầu tư thành khu du lịch biển với diện tích 50 ha bằng nguồn vốn nước ngoài, tổng vốn đầu tư là 75 triệu đô la Mỹ. Bãi biển Thừa Đức thuộc xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, cùng với bãi biển Thới Thuận thuộc xã Thới Thuận, huyện Bình Đại được khai thác từ lâu, chủ yếu phục vụ nhu cầu tắm biển, vui chơi giải trí của người dân địa phương, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Hiện nay, bãi biển Thừa Đức đang được quy hoạch, xây dựng thành khu du lịch sinh thái biển với diện tích 6,3 ha, do công ty Cổ phần Thủy sản Ba Lai làm chủ đầu tư, nguồn vốn 59 tỉ đồng. Bãi biển Thới Thuận thuộc xã Thới Thuận, huyện Bình Đại đang quy hoạch phát triển bãi biển này thành khu du lịch sinh thái biển với diện tích 60 ha.
Ngoài ra, các cồn như cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Chài Mười, cồn Ngô Năm,..có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái.
Về tài nguyên du lịch nhân văn:
Vùng ven biển Bến Tre có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, trong đó, nổi bật là các di tích lịch sử văn hóa gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các lễ hội văn hóa vùng biển.
Tính đến năm 2010, Bến Tre có 13 di tích lịch sử văn hóa được công nhận di