BHXH ra đời, phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam từ năm 1945, sau khi Cách mạng tháng 8 thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. BHXH được coi là lĩnh vực có quá trình phát triển lâu đời nhất trong hệ thống bảo đảm xã hội ở Việt Nam. Trong những năm qua, BHXH đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm xã hội cho người lao động.
BHXH được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1945 và đã trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi đặc biệt trong các năm 1961, 1985 và 1995. Năm 1961, một Nghị định của Chính phủ được ban hành để cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội cho tất cả các cán bộ, viên chức làm việc trong ngành nội chính, giáo dục, y tế, các doanh nghiệp Nhà nước, nội vụ. Hệ thống này chỉ chịu trách nhiệm bảo hiểm cho khoảng 600.000 - 700.000 người trên tổng số dân là 17 triệu người của miền Bắc Việt Nam (theo số liệu năm 1962). Năm 1964 Nghị định 218 thực hiện BHXH cho quân nhân.
Từ năm 1975, chính sách BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước. Chế độ BHXH bao gồm: trợ cấp hưu trí, mất sức lao động và tử tuất, cùng với các chế độ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng góp.
Trước năm 1995, BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý thực hiện về các chế độ trợ cấp dài hạn (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp đối với người nghỉ việc), Tổng Liên đoàn Lao động chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các khoản chi trả trợ cấp ngắn hạn (trợ cấp đau ốm, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người đang làm việc).
Từ tháng 01/2005, Bộ Luật Lao động có hiệu lực, trong đo có chương XII về BHXH để hướng dẫn thực hiện Bộ Luật lao động. Ngày 16/02/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập hệ thống BHXH Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH. Ngày 26/01/1995 Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 12/CP về điều lệ BHXH đối với dân sự với 5 chế độ BHXH: chế độ trợ cấp ốm đau; trợ cấp thai sản; trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp tử tuất. Và ngày 15/07/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 quy định về BHXH đối với quân sự (quân đội, công an). Trong 2 nghị định của Chính phủ có quy định về hình thành quỹ BHXH trên cơ sở thu BHXH bao gồm người sử dụng lao động đóng 15% quỹ tiền lương và người lao động đóng 5% tiền lương hàng tháng. Quỹ này được sử dụng để chi cho 5 chế độ trên. Quỹ BHXH được bảo tồn, tăng trưởng và được Nhà nước bảo hộ.
Ngày 24/01/2002, Chính phủ có Quyết định số 20/2002/QĐTTg chuyển hệ thống BHYT trực thuộc Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam và ngày 06/12, Chính phủ ra Nghị định 100/NĐCP quyết định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của BHXH (bao gồm cả BHYT).
Hiện nay, theo Nghị định 01/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016 của Chính phủ thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam gồm các nội dung sau:
- BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT theo quy định pháp luật.
- BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.
- BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm có
+ Ở Trung ương là BHXH Việt Nam.
+ Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
+ Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH huyện) trực thuộc BHXH tỉnh.