II/ CÁC CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
2. Quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con
a, Quan hệ giữa vợ và chồng
- Quyền và nghĩa vụ nhân thân (Điều 18,19 Luật HN&GĐ): + Vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thuỷ với nhau;
+ Vợ chồng phải quý trọng lẫn nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững;
+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình;
+ Vợ chồng có quyền chọn nơi cư trú;
+ Vợ chồng có quyền lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội;
+ Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của người kia.
- Quyền và nghĩa vụ tài sản
+ Quyền sở hữu tài sản: Tài sản của vợ chồng gồm tài sản chung (Điều 27 Luật HN&GĐ) và tài sản riêng (Điều 32 Luật HN&GĐ). Đối với tài sản chung của vợ chồng thì vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Đối với tài sản riêng của vợ hoặc của chồng thì vợ hoặc chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt độc lập không phụ thuộc vào ý chí của người kia.
+ Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng: chỉ đặt ra khi họ không cùng chung sống mà một trong hai bên do mất khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình ;
+ Quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng: Khi một bên vợ hoặc chồng chết trước, người còn sống sẽ được thừa kế tài sản của vợ hoặc chồng mình đã chết.
b, Quan hệ giữa cha mẹ và con
- Căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con:
(1) Dựa trên sự kiện sinh đẻ: Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh không phụ thuộc vào hôn nhân của cha mẹ là hợp pháp hay không hợp pháp.
(2) Dựa trên sư kiện nhận nuôi con nuôi
- Quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa cha mẹ và con (Điều 34 Luật HN&GĐ):
+ Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con;
+ Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
+ Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập;
+ Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề, tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con;
+ Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật;
+ Trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con: Khi cha, mẹ bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân cơ quan tổ chức quy định tại Điều 42 Luật HN&GĐ ra quyết định không cho cha, mẹ trong nom, chăm sóc giáo dục con trong thời hạn từ một năm đến năm năm.
- Quyền và nghĩa vụ của con:
+ Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.
+ Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp chính đáng, tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội không lệ thuộc vào ý chí của cha mẹ.
- Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa cha mẹ và con (Điều 36 Luật HN&GĐ)
+ Cha mẹ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con kể từ khi con mới sinh cho đến khi con thành niên. Nếu con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi minh thì cha mẹ vẫn phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng con, không phân biệt giữa các con;
+ Các con đã thành niên có nghĩa vụ ngang nhau trong việc nuôi dưỡng cha mẹ. Con từ đủ 15 tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ, có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình;
+ Đối với tài sản riêng của con, nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc hờ cha mẹ quản lý. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Đối với những tài sản riêng của con do cha mẹ quản lý thì cha mẹ có nghĩa vụ giữ gìn và sử dụng hợp lý tài sản của con vì lợi ích của con và phải tham khảo ý kiến của con nếu con đã từ đủ 9 tuổi trở lên;
+ Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự