Văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và kiểm tra theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời xác định trách nhiệm của cơ quan cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.
Nội dung kiểm tra, giám sát gồm:
1. Sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
2. Sự phù hợp của hình thức văn bản và nội dung của văn bản;
3. Sự phù hợp của nội dung văn bản và thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản; 4. Sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của cùng một cơ quan.
BÀI 4
QUY PHẠM PHÁP LUẬTI/ Khái niệm, đặc điểm quy phạm pháp luật I/ Khái niệm, đặc điểm quy phạm pháp luật
1. Quy phạm xã hội
Các quy tắc xử sự được sử dụng nhiều lần trong đời sống xã hội được gọi là quy phạm. Quy phạm xã hội là những quy tắc xử sự được hình thành trong quá trình hoạt động của con người được dùng để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người như: hoạt động sản xuất, hoạt động quản lý sản xuất, hoạt động phân phối sản phẩm, hoạt động trao đổi…
2. Quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội do đó quy phạm pháp luật mang đầy đủ những đặc điểm chung của quy phạm xã hội:
- Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự là khuôn mẫu cho các hành vi của con người, chỉ dẫn cho con người cách xử sự trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Từ đó, quy phạm pháp luật xác định phạm vi xử sự của con người cũng như hậu quả bất lợi mà con người phải gánh chịu nếu vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy phạm pháp luật.
- Quy phạm pháp luật là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con
người. Nghĩa là thông qua quy phạm pháp luật có thể biết được hoạt động nào được pháp
luật điều chỉnh, hoạt động nào pháp luật không điều chỉnh; hoạt động nào là hợp pháp, hoạt động nào là không hợp pháp.
Bên cạnh đó quy phạm pháp luật có những đặc điểm riêng như:
- Quy phạm pháp luật gắn liền với nhà nước:
+ Quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận
Nhà nước có thể thừa nhận các quy tắc xử sự vốn có trong xã hội, phù hợp với bản chất của pháp luật nâng chúng trở thành pháp luật có tính bắt buộc chung đối với tất cả mọi người. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới, nhà nước ban hành các quy tắc xử sự mới đó là quy phạm pháp luật.
+ Quy phạm pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế
Các loại quy phạm xã hội đa phần được bảo đảm thực hiện bằng ý thức tự giác của chủ thể hoặc dư luận xã hội hoặc các biện pháp ít cương quyết…chỉ có quy phạm pháp luật mới được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước vì thế việc thực hiện và tuân thủ các quy phạm pháp luật nghiêm khắc và hiệu quả hơn so với các loại quy phạm xã hội khác.
+ Quy phạm pháp luật thể hiện ý chí của Nhà nước
Quy phạm pháp luật chứa đựng những tư tưởng, quan điểm chính trị - pháp lý của Nhà nước, của lực lượng cầm quyền để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước áp đặt ý chí của mình trong các quy phạm pháp luật bằng cách xác định những đối tượng nào, trong những điều kiện, hoàn cảnh nào thì chịu sự tác động của quy phạm pháp luật; quyền, nghĩa vụ và biện pháp cưỡng chế mà họ buộc phải gánh chịu nếu vi phạm.
- Quy phạm pháp luật vừa mang tính xã hội vừa mang tính giai cấp
Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội do đó quy phạm pháp luật trước hết là những quy tắc xử sự của xã hội, bảo vệ lợi ích nói chung của xã hội. Song pháp luật nói chung và quy phạm pháp luật nói riêng do Nhà nước - đại diện cho giai cấp thống trị trong
xã hội ban hành nên những quy phạm pháp luật cũng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội đó.
- Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung
+ Quy phạm pháp luật được ban hành không phải chỉ áp dụng cho một tổ chức, cá nhân cụ thể mà áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật đó điều chỉnh, trong mọi trường hợp khi xuất hiện những điều kiện hoàn cảnh đã được dự liệu trước trong các quy phạm pháp luật;
+ Quy phạm pháp luật được đặt ra không chỉ để điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể mà để điều chỉnh một quan hệ xã hội chung. Các quy phạm pháp luật không thể điều chỉnh từng quan hệ xã hội riêng lẻ vì các quan hệ này rất đa dạng và phong phú, với tính khái quát hoá quy phạm pháp luật sẽ điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ nói chung. Tức là những quan hệ xã hội riêng lẻ có những đặc điểm hay nội dung giống nhau sẽ được điều chỉnh bởi một hay nhiều quy phạm pháp luật.
VD: quan hệ mua bán hàng hoá, quan hệ giữa cha, mẹ và con, quan hệ giữa vợ - chồng…
Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh những quan hệ xã hội theo những định hướng nhằm đạt được những mục đích nhất định.