Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý công tác can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ tại quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An (Trang 86 - 89)

- Thang đánh giá hành vi thích ứng ABSS

3.2.6.Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá

3.2.6.1. Mục tiêu của giải pháp

Để đảm bảo được công tác can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ có đạt hiệu quả hay không cần phải thực hiện các biện pháp kiểm tra và đánh giá trẻ. Thông qua biện pháp này chúng ta có thể kiểm soát được đầu ra của trẻ, kiểm tra và đánh giá đúng trình độ chuyên môn của giáo viên cũng như chuyên viên trực tiếp làm công tác can thiệp này.

3.2.6.2. Nội dung của giải pháp

Các giải pháp này bao gồm: Xây dựng các mẫu hồ sơ và lưu trữ hồ sơ; kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình; kiểm tra và đánh giá giờ lên lớp.

3.2.6.3. Tổ chức thực hiện giải pháp

Xây dựng các mẫu hồ sơ và lưu trữ hồ sơ

Bên cạnh các biện pháp khác, biện pháp xây dựng mẫu hồ sơ và lưu trữ hồ sơ trong công tác CTS cũng đóng vai trò không kém quan trọng, góp phần vào thành công của công tác CTS. Các biện pháp cụ thể là:

- Xây dựng các mẫu hồ sơ, gồm:

• Phiếu điều tra sơ bộ: phiếu được sử dụng lần đầu tiên gặp trẻ và gia đình, bao gồm các thông tin chung về hoàn cảnh gia đình trẻ, đặc điểm chung về trẻ, quan sát sơ bộ về các kỹ năng của trẻ.

• Hồ sơ khám sức khỏe: bác sĩ nhi khoa sẽ sử dụng để thu thập thông tin về tiểu sử sức khỏe của gia đình trẻ, tình trạng sức khỏe của trẻ và đề xuất các xét nghiệm cần thiết cho trẻ như Karyotype, MRI, XQ, đo thính lực, …nếu có.

• Bảng báo cáo đánh giá kỹ năng trẻ: sau khi đánh giá trẻ, giáo viên sẽ báo cáo mức độ phát triển của từng kỹ năng của trẻ.

• Phiếu đề xuất can thiệp bổ sung: dựa trên kỹ năng trẻ mà các giáo viên, chuyên viên, chuyên gia đề xuất can thiệp thêm các lĩnh vực khác cho trẻ. Ví dụ như: Nhóm ngôn ngữ trị liệu tiến hành can thiệp cho 1 trẻ có khó khăn về giao tiếp, nhận thấy trẻ cần được can thiệp thêm về vật lý trị liệu, thì nhóm ngôn ngữ trị liệu sẽ điền các thông tin sơ bộ về kỹ năng ngôn ngữ, và về kỹ năng vận động trẻ vào phiếu đề xuất can thiệp bổ sung.

• Kế hoạch giáo dục cá nhân dài hạn: thể hiện mục tiêu và các hoạt động can thiệp trẻ trong khoảng 1 - 3 tháng.

• Kế hoạch giáo dục cá nhân ngắn hạn: thể hiện mục tiêu, các hoạt động và đồ dùng trong từng buổi dạy, mức độ đạt được mục tiêu. Giáo viên và cha mẹ trẻ cùng phối hợp quan sát và đánh giá.

• Phiếu giám sát, dự giờ: đánh giá của cán bộ giám sát chương trình về các khía cạnh: sắp xếp môi trường, sử dụng đồ dùng, thời gian thực hiện, hướng dẫn hoạt động, thực hiện theo kế hoạch - mục tiêu.

• Bảng họp trường hợp trẻ: họp bàn về đánh giá và lên kế hoạch can thiệp cho trẻ. Hoặc thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc tiến hành CTS.

• Biên bản họp giáo viên định kỳ.

- Ngoài ra, việc các hồ sơ liên quan về công tác CTS cần phải được cấu trúc và lưu trữ một cách có hệ thống bằng cách:

Mỗi trẻ có một tập file riêng: chứa đựng tất cả các hồ sơ, thông tin liên quan đến cá nhân trẻ và gia đình, bao gồm: phiếu điều tra sơ bộ, hồ sơ khám nhi khoa, các xét nghiệm (nếu có, như Karyotype, ….). Thang đánh giá kỹ năng trẻ, bảng báo cáo kỹ năng hiện tại của trẻ, nội dung các buổi họp bàn trường hợp trẻ, kế hoạch giáo dục cá nhân, các hồ sơ liên quan mà trẻ đã từng khám hay can thiệp trước đây (nếu có), các sản phẩm nhỏ gọn mà trẻ làm ra như tô màu, xé dán có ghi chú ngày trẻ thực hiện cụ thể để sau này lấy ra so sánh mức độ tiến bộ của trẻ trong từng mốc thời gian nhất định, v.v…Trong đó, trang đầu của tập file có kèm một ảnh của trẻ và tên cán bộ giám sát, tên chuyên viên, giáo viên hỗ trợ trẻ để tiện cho việc theo dõi và trao đổi thông tin giữa các thành viên.

Kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình

Xây dựng các mẫu hồ sơ và lưu trữ hồ sơ là cơ sở để tiến hành hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình bao gồm:

- Giúp giáo viên nắm vững chương trình, nội dung CTS để giúp giáo viên có định hướng cụ thể trong việc thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc

thực hiện nội dung, chương trình và có biện pháp xử lý đối với giáo viên không thực hiện đúng.

- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân.

- Theo dõi việc thực hiện chương trình hàng tuần, hàng quý và hàng năm để nắm rõ tình hình thực hiện của giáo viên, nhằm có các biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức buổi đánh giá chung về tình hình thực hiện nội dung chương trình của giáo viên.

Kiểm tra và đánh giá giờ lên lớp

- Phân công việc giảng dạy phù hợp với trình độ của giáo viên: một số giáo viên có trình độ và năng lực khác nhau, một số giáo viên có khả năng tốt trong việc hướng dẫn và can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ thì được phân công dạy trẻ tự kỷ; giáo viên có kỹ năng tốt trong việc giúp phát triển kỹ năng diễn đạt cho trẻ Down thì được bố trí dạy trẻ Down; v.v….

- Kiểm tra hồ sơ, giáo án của giáo viên: biên soạn kế hoạch giáo dục cá nhân dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn, và việc ghi chép nhận xét việc thực hiện KHGDCN.

- Thường xuyên tổ chức dự giờ và các buổi thao giảng rút kinh nghiệm về chuyên môn nhằm đưa ra những góp ý giúp giáo viên phát triển thêm kỹ năng của mình.

- Khuyến khích cha/mẹ trẻ phối hợp với giáo viên trong giờ dạy trẻ trong trường hợp hỗ trợ cá nhân trẻ nhằm giúp họ nắm rõ cách thức can thiệp cho trẻ cũng như hợp tác với giáo viên.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý công tác can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ tại quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An (Trang 86 - 89)