Làng Vạn Phúc giai đoạn 1904 đến 1945 nghề dệt được quan tâm chú trọng phát triển , cư dân làng Vạn Phúc thời kỳ này chủ yếu sống bằng nghề dệt.
Ngay từ rất sớm nghề dệt làng Vạn Phúc đã nhanh chóng được các vua quan và các tầng lớp nhân dân ưa chuộng. Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến
Bảo Đại đều sai người về làng Vạn Phúc mua sa, gấm, lụa đem về triều đình cho vua quan dùng may trang phục, trang trí. Giới sành ăn mặc ở thành thị và giới thượng lưu giàu có ưa chuộng lụa Vạn Phúc, đặc biệt là gấm Vạn Phúc. Ông tổ nghề dệt gấm ở Vạn Phúc là ông Đỗ Văn Sửu. Ông đã dệt bức trướng rất đẹp thêu bốn chữ “Hoàng Vương Thọ Khảo” để dâng lên vua Tự Đức. Đến năm 1906, thực dân Pháp mở hội chợ đấu xảo ở Mác-xây giới thiệu nghề thủ công của các nước thuộc địa nhằm thu hút vốn đầu tư của tư bản Pháp thì nghề gấm ở Vạn Phúc mới được phục hồi và phát triển. “Người ta tìm gặp được ông Đỗ Văn Ái là cháu nội của ông Đỗ Văn Sửu. Ông Ái chỉ là một thợ thủ công bình thường ở làng Vạn Phúc. Nghèo khổ, không gia sản, ông Ái chỉ vỏn vẹn mấy cái đồ nghề dùng để dệt gấm của người ông để lại tận đáy một chiếc hòm bị mọt, mối đục. Ông Ái được sự giúp đỡ cần thiết để khôi phục lại công nghệ quý giá này”. [58; tr7]. Năm 1921 có thể coi là năm chấn hưng nghề dệt gấm ở làng Vạn Phúc. Làng đã có hai xưởng dệt gấm đi vào sản xuất. Một do ông Đỗ Văn Ái điều khiển, một do ông Nguyễn Mạnh Khang cũng người làng Vạn Phúc phụ trách.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nghề dệt từ những năm 30 đến trước chiến tranh thế giới thứ II (1939), số lượng khung dệt của làng tăng lên nhanh chóng. Làng Vạn Phúc đã mở thêm nhiều khung dệt, cải tiến từ khung thô sơ, dậm chân, năng suất thấp lên thành khung cửi, giật dây; từ dệt lụa vuông khổ 40 - 60cm đến dệt lụa tấm khổ 80cm. Từ chiếc khung cửi dùng người kéo hoa được thay thế bằng khung cửi dùng đầu máy Zatka Hồng Kông. Nhờ đó mà năng suất và chất lượng hàng dệt được nâng lên. Năng suất tăng từ 3 thước khổ nhỡ lên 8 thước khổ rộng trong một ngày của một khung dệt.
Bảng 2.7: Số lượng khung dệt làng Vạn Phúc
THỜI GIAN SỐ LƯỢNG KHUNG TĂNG (so với trước) Trước 1930 320
Từ 1930 – 1935 500 1,56 lần Từ 1936 – 1940 1500 3 lần
(Nguồn : UBND phường Vạn Phúc)
dệt ở làng Vạn Phúc ở những thời điểm hưng thịnh giai đoạn 1936 – 1940 lên tới khoảng 3000 thợ dệt, số thợ dệt này đã tăng lên hơn 4 lần so với con số khoảng 700 thợ dệt trước 1904. Trong 4 năm, từ năm 1930 đến 1935, số lượng khung tăng từ 320 khung lên 500 khung, tăng thêm 180 khung, gấp 1,56 lần so với trước năm 1930. Trong 5 năm tiếp theo, từ năm 1936 đến 1940 tăng thêm 1000 khung, nâng tổng số khung dệt của làng lên 1500 khung, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn (1930 – 1935). Tại làng La Khê (Hà Đông) đã vinh dự được vua Thiệu Trị phong thành Cục chức tạo chuyên dệt lụa cho Nhà nước vào năm 1884, thì cũng chỉ có từ 600 đến 700 khung dệt [46; tr121]. Làng Vạn Phúc không chỉ nhập nguyên liệu từ nhiều địa phương trong nước, mà còn mở rộng quan hệ mua tơ tằm với các nước như: Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc,… trung bình mỗi năm tiêu thụ hàng chục tấn tơ.
Làng Vạn Phúc lúc đầu chuyên dệt the, về sau dệt cả vân, satanh và dệt lụa hoa, the Vạn Phúc còn dùng để may quần áo ngủ xuất sang Pari. Trong 2 năm 1935, 1936 Vạn Phúc dệt thêm đũi, các mặt hàng ngày càng thêm phong phú, đa dạng. Trai gái trong làng từ 16 tuổi trở lên đều biết nghề dệt. Người tinh ý thì 13 tuổi đã có thể dệt được tấm lụa đầu tiên. Mặc dù vậy hàng năm vẫn có tới 3000 người từ các địa phương khác đến học nghề và làm thợ cùng với 3000 dân Vạn Phúc.
Quy trình sản xuất của nghề dệt ở làng Vạn Phúc
Khi làm được một tấm lụa, người thợ dệt phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều công sức với rất nhiều công đoạn. Có thể chia thành các khâu chính như : Khâu tơ, khâu hồ, khâu dệt, khâu chuội và nhuộm.
Khâu tơ : Mục đích chính là chọn những sợi dọc và sợi ngang để dệt. Khâu tơ bao gồm các bước, như chọn tơ, đẽo tơ, móc tơ.
Đầu tiên người thợ dệt mua về những “lô tơ” (tơ được guồng thành từng nọn). Thời kỳ này, phần lớn chỉ có tơ thủ công là tơ kéo bằng tay, nên sợi không đều, đoạn to, đoạn nhỏ, nhiều mấu. Loại tơ mấy (tức tơ công nghiệp) đều sợi, ít mấu cục, thời này rất hiếm và đắt, được đưa từ Trung Quốc hay Nhật Bản sang…
Vì là tơ thủ công nên bước đầu tiên là phải chọn sợi. Người ta chọn và phân tơ thành 4 loại ở 4 ống : sợi mành, sợi mắc, mốt son, mốt cục. Một khung cửi cần có 2-3 người quay tơ phục vụ.
Khâu hồ:
Sợi ngang sau khi suốt là xong, chỉ việc gài vào thoi đem dệt. Riêng đối với sợi dọc, sau khi chập đôi xong phải hồ rồi mới dệt. Hồ nhằm làm cho sợi dệt khi dệt không bị xơ xước, có độ bền và độ bóng cao. Hồ sợi là một nghệ thuật, không có làng nào ở Hà Đông có kỹ thuật hồ tốt như ở Vạn Phúc. Người thợ hồ ở đây nấu hồ hết sức công phu, từ khâu chọn gạo đến khâu quấy hồ đều làm rất cẩn thận, khi nấu hồ người ta thường thêm một ít sáp ong, đồng thời sử dụng bí quyết riêng làm cho sợi hồ vừa dẻo dai lại vừa bóng.
Khâu dệt: Dệt là khâu quan trọng nhất của nghề dệt lụa thủ công ở Vạn Phúc. Có hai hình thức dệt chính là dệt hàng trơn và dệt hàng hoa.
Dệt hàng trơn là dệt các mặt hàng không có hoa, bao gồm các hàng dệt lụa (hàng không thủng) và loại hàng thủng. Loại hàng nền lụa như: lụa trơn, lĩnh, sa tanh được dệt bằng go thẳng, còn muốn dệt hàng thủng phải có go võng.
Để tạo nên được nhiều mặt hàng khác nhau, người thợ dệt phải luôn thay đổi những yếu tố: số lượng sợi dọc nhiều hay ít, độ to của sợi ngang (chập đôi, chập ba hay bốn sợi); cách thăm go: thăm thuận, thăm nghịch, thăm một miệng go hay hai miệng go; cách dận chân đòn, chân nào trước chân nào sau; dùng go vòng hay go thẳng… Cùng một khung cửi, chỉ cần thay đổi những yếu tố kỹ thuật trên, người thợ dệt có thể tạo ra nhiều mặt hàng khác nhau.
Dệt hàng hoa các thao tác dệt giống như mặt hàng trơn, nhưng trước khi dệt hoa thì phải có kiểu hoa đó vẽ lên giấy, đặt lên một miếng vải sa thưa, sau đó mới đặt lên bàn khâu hoa (như khung thêu) để khâu. Dùng kim khâu đếm từng sợi dọc sợi ngang - tính xem số lượng (hoa) bao nhiêu sợi. Khâu xong người ta vỗ nước, rút hết sợi dọc và sợi ngang của miếng vải ra. Như thế ta được một “vốn
hoa”. Khi đã có vốn hoa bước tiếp theo là “vào hoa” để dệt.
Thao tác dệt hàng hoa phức tạp hơn dệt hàng trơn. Dệt hàng hoa đòi hỏi phải có hai người: một người dệt, một người kéo hoa. Các động tác khi dệt của hai người phải nhịp nhàng ăn khớp với nhau.
Trong tất cả các sản phẩm hàng hóa ở Vạn Phúc thì gấm là mặt hàng quý nhất, đắt nhất. Gấm là bà chúa của mọi mặt hàng. Hàng gấm thời phong kiến chỉ có vua quan và tầng lớp thượng lưu mới được dùng. Nghề dệt gấm đòi hỏi người thợ không những phải có kỹ thuật tinh xảo mà còn phải có cả óc thẩm mỹ tuyệt vời trong cách bố trí hoa văn và màu. Vì thế không phải bất cứ ai học là biết dệt. Đã có không ít người sau bao nhiêu năm theo học mà vẫn không thành công lại phải quay về với công việc quay tơ, hồ sợi. Dệt gấm cũng cần phải có hai người, một người dệt, một người kéo hoa. Người thợ dệt phải nhớ thứ tự các màu khi lao thoi, có khi dệt tới 7 màu. Cách dận chân đòn cũng rất khó. Một khung cửi dệt gấm có 16 chân đòn (8 chân đòn ngang và 8 chân đòn dọc): 8 chân đòn ngang ăn với 8 bàn go lân, 8 chân đòn dọc cứ một chân đòn buộc với hai bàn go đè. Khi dận một chân đòn dọc thì một chân đòn ngang kéo xuống, một bàn go lên kéo lên và một bàn go đè, đè xuống. Người dệt phải luôn luôn theo dõi xem hàng có bị sai màu và hoa của người kéo có đúng màu không. Nghề dệt gấm tinh xảo là vậy và dệt gấm cũng là nghề cao quý nhất trong các mặt hàng dệt ở làng Vạn Phúc.
Khâu chuội: Các mặt hàng tơ lụa sau khi dệt xong phải đem chuội cho nó mềm mại và bóng. Chuội có nhiều phương pháp khác nhau nhưng phương pháp cổ truyền phổ biến rộng rãi trong dân làng Vạn Phúc là chuội bằng gio rơm nếp . Cách thức chuội như sau: gio rơm nếp cho vào rá vo gạo, bên dưới để cái xoong, dội nước lã vào rá (không được xát), lấy lượng nước vừa đủ với số lượng vải cần chuội. Vải lụa ngâm vào nước lã cho ngấm ướt đều, sau đó cho vào nồi nướ gio đã lọc đun sôi 15 phút, lấy đũa lật nhẹ rồi lại đun sôi 15 phút nữa là được. Sau đó đem lụa giặt sạch bằng nước lã. Tấm vải có màu mỡ
gà và bóng mịn, trông rất đẹp mắt.
Nhuộm thâm: Lụa dệt xong có mầu mỡ gà, nếu không thích vải màu mỡ gà thì đem vải nhuộm thâm. Cách thức làm đơn giản như sau: vải lụa nấu sạch hồ bằng nước bồ hòn, sau đó nhúng vào nước lá băng, lá sồi, đun sôi nhiều lần trong một ngày. Tiếp đó đem dấm bùn nhuyễn, cứ làm thế trong ba ngày thì được. Sau cùng đem tấm hàng giặt sạch rồi nhúng vào nước thóc nếp rang cháy đem đun sôi cho bóng vải, ta sẽ có được tấm hàng thâm bên màu và bóng.
Tổ chức sản xuất
Trước cách mạng tháng Tám 1945, dân cư Vạn Phúc chủ yếu sống bằng nghề dệt lụa. Hoạt động sản xuất diễn ra trong phạm vi gia đình. Phần lớn các gia đình ở đây chỉ làm nghề dệt, một số khác kiêm thêm nghề nông, các gia đình chỉ làm thuần nông hầu như không có. Số lượng khung dệt thường xuyên khoảng hơn 200 cái, có những năm nghề dệt phát triển số lượng khung dệt nhiều hơn, một gia đình có khoảng 13 khung dệt. Mỗi năm làng Vạn Phúc tiêu thụ hơn 10 tấn tơ tằm, nhưng không trồng dâu, nuôi tằm lấy kén mà hoàn toàn nhập tơ tằm từ các địa phương khác. Bởi vì, người dân Vạn Phúc coi việc trồng dâu, nuôi tằm hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên hay bị hỏng, diện tích đất trồng dâu ít, không thuận lợi cho việc sản xuất tơ tằm phục vụ cho nghề dệt lụa, nên toàn bộ sản phẩm tơ tằm đều nhập từ bên ngoài. Đó cũng là nguyên nhân làm cho nghề dệt lụa Vạn Phúc không chủ động được nguyên liệu đầu vào, thường bị thương nhân bán buôn đẩy giá tơ tằm lên cao.
Đối với những gia đình làm nghề dệt, lực lượng sản xuất chính trong gia đình là bố, mẹ, các con và thuê thêm thợ dệt. Trong gia đình, có sự phân công lao động rõ ràng như: Ông chủ nhà (hoặc bà chủ nhà nếu chống chết) là người cai quản, quán xuyến mọi công việc trong nhà, đồng thời là người đi bán hàng, mua tơ và chi tiêu trong gia đình. Bà vợ lúc còn khỏe tay, tinh mắt thì dệt vải, khi về già sức yếu thì hồ sợi, mắc sợi, công việc dệt cửi thì do thợ hoặc con cháu đảm nhận. Trẻ nhỏ thường làm công việc quay tơ, suốt, đẽo.
người ở nơi khác. Vào mùa dệt hàng năm, người chủ gia đình đi đón thợ về giúp việc.
Đối với những gia đình vừa làm nghề dệt, vừa làm nghề nông thì thời gian chính tập trung cho nghề dệt. Khi mùa màng đến (tháng 5 và tháng 10) toàn bộ công việc đều thuê thợ nông làm, cử một người trông nom cai quản. Chỉ có một số rất ít gia đình cho cấy rẽ chia hai hoặc chia ba. Tức là sau khi thu hoạch xong, người chủ ra tận ruộng lấy thóc thì được 1/2 số lúa thu được, còn muốn thợ gánh về đến nhà thì chỉ được 1/3 số thóc.
Như vậy, trong tổ chức sản xuất đã có sự phân công cụ thể trong nội bộ gia đình, theo từng công đoạn của một quy trình sản xuất ra một tấm lụa thành phẩm, kể cả khâu đem bán. Việc tổ chức sản xuất đã mở rộng vượt ra khỏi phạm vi gia đình và công việc dệt không còn là chức trách riêng của người phụ nữ. Người đàn ông thực sự đóng vai trò trụ cột trong sản xuất, nhất là trong chế tạo, sửa chữa công cụ, tạo dáng hoa văn, buôn bán… Các gia đình chính là những đơn vị tổ chức sản xuất chủ yếu. Hình thức tổ chức sản xuất này không chỉ thấy riêng ở làng Vạn Phúc mà còn phổ biến trong các làng thủ công truyền thống ở Việt Nam thời Pháp đô hộ nước ta.
Một số sản phẩm tiêu biểu của dệt Vạn Phúc
Mặt hàng dệt Vạn Phúc đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại như: lụa, gấm, vân, the, lĩnh, băng quế, đoạn sa, kỳ cầu, tít so, đũi… nhưng lụa và gấm là hai mặt hàng nổi tiếng nhất. Lụa Vạn Phúc mịn màng với đủ các màu và nhiều loại hoa văn, kỹ thuật dệt lại rất tinh xảo, hoa có cái chìm, cái nổi, vừa nhìn thấy ngay, vừa phải soi lên ánh sáng mới thấy hết cái hay cái đẹp, cái tinh túy. Các sản phẩm truyền thống chính của làng Vạn Phúc như:
Về gấm, là mặt hàng có nền dày bóng như satanh. Nền gấm thường là các màu lam, hồng, cánh chấu, huyền. Hoa có màu tươi, sặc sỡ, được dệt như thêu trên nền sa tanh. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là 5 màu hay 7 màu, còn được gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang và sợi dọc mỗi góc nhìn khác
nhau, thấy có những sắc màu khác nhau. Đứng ở góc này thấy gấm màu hồng rực rỡ, đứng ở góc khác lại thấy gấm màu xanh lơ hay xanh lam. Gấm có vẻ đẹp rực rỡ và lộng lẫy, được coi là bà hoàng của các sản phẩm dệt.
Về vân, là mặt hàng lụa mỏng hơn satanh. Mặt hàng này bao giờ cũng có hai kiểu hoa dệt trên một tấm lụa: hoa nổi và hoa chìm. Hoa nổi bóng mịn trông rất đẹp, còn hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Nét độc đáo của hàng vân là ở chỗ hoa chìm (dệt thưng) nhưng khi dệt không bị xô, bị dạt bởi vì khi dệt được dệt bằng go võng,c ác sợi của cánh hoa được bện chặt với nhau thành từng đố. Vân là mặt hàng xếp thứ hai sau gấm.
Về lụa, lụa có hai loại, gồm lụa trơn và lụa dệt bằng hoa tơ nõn. Đây là mặt hàng dệt theo kiểu đan “lóng mốt” cho sợi dọc và sợi ngang khít vào nhau tạo nên vẻ mịn màng óng ả, có độ dày vừa phải.
Về the, lương, sa, xuyến, băng, quế là những mặt hàng dệt thưng. Sợi dệt the bóng và mảnh. Sợi dọc ít từ 3000 đến 3500 sợi, nên the thưa. Dệt the là bố trí các sợi dọc, ngang không khít nhau, tạo nên hình thưng theo hàng ngang. Có loại the trơn và the hoa. Sa tựa như the nhưng dệt rất mỏng. Dệt xuyến thì cứ dệt sợi ngang mấy sợi mau lại đến mấy sợi thưa, trông mỏng và thoáng tựa như mành mành, mỏng hơn the trơn, có khi đắt hơn cả the hoa. Băng, quế cũng là mặt hàng thưng nhưng lại mỏng hơn the, sa, trông tựa như mắt dần, trong suốt, có cài hoa lác đác. Băng sử dụng 3000-3500 sợi dọc, nhẹ chỉ bằng 0,7 lần the. Mỗi mặt hàng