Quá trình hình thành và phát triển của làngVạn Phúc

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội của làng Vạn Phúc, Hà Đông (1904 – 1945) (LA tiến sĩ) (Trang 29 - 31)

Làng Vạn Phúc có vị trí địa lý rất đẹp, là một hình thoi trải dài giữa hai đường giao thông, đường thủy và đường bộ. Phía Đông giáp sông Nhuệ, phía Tây giáp đường quốc lộ 70, cung đường quốc lộ 70 bao quanh phía Tây Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều làng nghề thủ công lâu đời quanh kinh thành Thăng Long. Phía nam giáp hai làng Ngọc Trục, Đại Mỗ.

Trước khi Pháp và xâm lược Việt Nam, Hà Nội có diện tích rộng lớn sau này chia tách thành tỉnh Hà Đông, Hà Nam và thành phố Hà Nội. Ngày 26-12- 1896, Toàn quyền Đông Dương Fourès thay mặt Toàn quyền Đông dương ký ký nghị định chuyển tỉnh lỵ Hà Nội về làng Cầu Đơ. Ngày 3-5-1902 [5; tr19-20], Toàn quyền đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Ngày 6-12-1904 [6; tr1500]. Nghị định số 3308 của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông.

“Hà Đông khi mới thành lập là một tỉnh lớn ở Bắc Kỳ với diện tích toàn tỉnh là 154.870ha; dân số 904.737 người (chiếm 7,6% dân số của đồng bằng sông Hồng” [19; tr23]. Hà Đông là vùng đất cổ xưa của đồng bằng Bắc Bộ, nằm tiếp giáp với Hà Nội và có nền kinh tế hàng hóa sớm phát triển. Nơi đây cũng là mảnh đất trăm nghề nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống như: Làm nón, đúc lưỡi cày, lưỡi bừa, làm mộc, pháo, tiện gỗ, khảm chai...đặc biệt nổi tiếng với nghề diệt lụa và thêu ren: Làng Vạn Phúc ngày nay là phường Vạn Phúc nằm trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội khi xưa có tên gọi là Vạn Bảo thuộc tổng Thiên Mỗ bao gồm 7 xã thôn: Thiên Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Bảo, Mỗ Lao, Ngọc Trục, Hồng Đô, Phùng Quang thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây. Sang thời Nguyễn xã Thượng Thanh Oai có bốn thôn là Cầu Đơ, Kiều Trì, Văn Quán, Vạn

Bảo, riêng làng Vạn Bảo nằm ở bên kia sông Cầu Am nên khi chia lại địa giới hành chính đổi sang thuộc tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến đầu thế kỷ XX do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889-1906) là Bảo Lân nên mới đổi thành Vạn Phúc. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công làng Vạn Phúc là đơn vị hành chính thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

Các cụ lớn tuổi làng Vạn Phúc kể lại, từ xưa, người Mỗ Lao ở bên kia sông Nhuệ đã chuyển sang bên này sông lập trại sinh sống. Khi mới định cư, người Vạn Phúc chỉ sống bằng nghề trồng cây lương thực và chăn nuôi. Hoàn cảnh kinh tế tự cấp, tự túc đã đưa người dân làng Vạn Phúc đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Trong quá trình phát triển, bên cạnh nghề nông, nghề dệt dần dần trở thành nguồn sống chính của làng.

Tư liệu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong [157]. Trong điều kiện tư liệu còn ít ỏi về sự phát triển của làng Vạn Phúc trong thời kỳ phong kiến thì 11 đạo sắc phong này cũng đưa lại cho chúng ta một số nét về sự phát triển của làng. Đạo sắc phong năm Bảo Hưng thứ nhất (1801) đời Tây Sơn thấy ghi duệ hiệu Đức thánh có đến hơn hai mươi mỹ tự mà theo quy định xưa thì mỗi đợt gia phong thường chỉ là hai đến ba mỹ tự. Đến triều Nguyễn, mặc dù đã có tiền lệ ban cấp sắc phong từ đời Lê, Tây Sơn nhưng các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1821-1840), Thiệu Trị (1841- 1847) đều không ban sắc phong cho thành hoàng làng Vạn Phúc. Mãi đến năm Tự Đức thứ 6 (1853) đình làng Vạn Phúc mới tiếp tục nhận được sắc phong. Theo quy chế ban cấp sắc phong thời xưa, một địa phương không được cấp sắc chỉ có hai lý do. Một là vị thần mà dân làng tôn thờ không phải là chính thần mà thuộc loại tà thần, dâm thần không được phép thờ. Hai là dân làng không chịu tuân theo giáo hóa của triều đình. Theo các cụ cao tuổi làng Vạn Phúc thì nghiêng về lí do thứ hai. Thời Tây Sơn, dân làng Vạn Phúc dốc sức ủng hội phong trào. Nghĩa cử ủng hộ phong trào Tây Sơn ấy đã gây mối phản cảm đối với các vua đầu triều Nguyễn vì thế nên không có sắc phong.

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội của làng Vạn Phúc, Hà Đông (1904 – 1945) (LA tiến sĩ) (Trang 29 - 31)