Vĩnh Long thời gian qua
Như ở phần thực trạng năng lực cạnh tranh cũng đã chỉ rõ những yếu kém trong sản xuất nông sản của Vĩnh Long.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá thành cao
Đa phần các mặt hàng nông sản của tỉnh Vĩnh Long (trái cây, thuỷ sản, lúa gạo, nấm rơm, khoai lang, rau sạch…) đều là sản phẩm thô vì nông dân còn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán theo qui mô hộ gia đình, chưa có vùng nguyên liệu tập trung. Bình quân đất canh tác của cả nước là 0,78ha/hộ, bình quân đất canh tác của Vĩnh Long là 0,43ha/hộ. Đây là một thách thức lớn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cơ giới hoá, tích tụ đất đai phát triển các trang trại quy mô lớn.Do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hạn chế nhiều đến việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư cơ giới hoá theo hướng sản xuất lớn; năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm thấp, không đồng đều, tổn thất sau thu hoạch và giá thành sản xuất còn cao, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản so với khu vực và thế giới thấp. Mặt khác, tỉnh cũng chưa có vùng nguyên liệu lớn nên cũng không có khả năng cung ứng theo hợp đồng với số lượng lớn, trừ mặt hàng gạo, nên lợi thế cạnh tranh còn rất yếu.
Chất lượng nông sản thấp, chủ yếu xuất khẩu thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp
Nhìn chung, chất lượng hàng hoá nông sản của tỉnh chưa cao, mặt hàng còn đơn điệu, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đa số nông sản xuất khẩu ở dạng thô hoặc chỉ mới qua sơ chế, bao bì mẫu mã thiếu sức hấp dẫn với khách hàng. Chưa hình thành những vùng chuyên canh nông sản lớn, một số vùng chuyên canh quy mô nhỏ và vừa đã hình thành nhưng chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định.
Ngoại trừ cam sanh, bưởi Năm roi là đặc sản truyền thống có chất lượng khá, song độ đồng nhất của sản phẩm chưa cao. Nguyên liệu cá tra, cá ba sa cho chế biến xuất khẩu thường bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, thiếu sự gắn kết giữa người sản xuất và nhà chế biến và tình trạng dư lượng thuốc kháng sinh; trái cây là mặt hàng có thế mạnh nhưng còn ở dạng tiềm năng, xuất khẩu còn rất ít do chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Công nghiệp chế biến lạc hậu, tính cạnh tranh của nông sản thấp. Một số nông sản có lợi thế chưa được đầu tư cơ sở chế biến (rau quả, trái cây), xuất khẩu chủ yếu từ sản phẩm thô nên giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông sản so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới thường thấp hơn. Tỷ trọng một số sản phẩm công nghiệp chế biến còn thấp so với nguyên liệu hiện có, mẫu mã, thương hiệu và chất lượng sản phẩm sau chế biến chậm được cải thiện nên chưa tạo ra nhiều nông sản có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và tính cạnh tranh còn thấp.
Thương hiệu
Thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Vĩnh Long chưa nhiều, thiếu liên kết. Thời gian qua, hệ thống phân phối nông sản trong tỉnh còn mang tính tự phát, ảnh hưởng rất lớn đến sự biến động của giá cả thị trường. Mối quan hệ buôn bán giữa người sản xuất và người thu mua, doanh nghiệp chưa xây dựng trên cơ sở pháp lý dẫn đến sự bất ổn về nguồn cung ứng hàng hoá, gây khó khăn cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Hệ thống phân phối yếu kém
Chợ đầu mối chuyên cho sản phẩm nông sản nhỏ bé, sơ khai không làm đúng chức năng của chợ đầu mối là tập trung số lượng lớn, chất lượng cao, giá phù hợp 3 kênh tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và nguyên liệu cho chế biến.. Chưa hình thành được
hệ thống phân phối, kênh tiêu thụ phù hợp với nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại và yêu cầu hội nhập, mở cửa thị trường.
Mạng lưới phân phối, vận chuyển và tiêu thụ hiện nay ở các tỉnh đều do tư thương đảm nhận qua trung gian các chợ đầu mối. Mạng lưới tiêu thụ này đã được hình thành từ lâu đời và hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, do hoạt động thu lợi nhuận từ tiêu thụ phân phối là chính nên thường có hiện tượng ép giá nông dân. Đây là một trong những hạn chế trong vấn đề phát triển hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước.
Thị trường tiêu thụ
Việc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho người dân ở thị trường trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu luôn ở thế bị động, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu tính ổn định và còn để quy luật cung cầu tự điều tiết, nên một số hàng nông sản được mùa nhưng lại mất giá, ngay cả với loại mặt hàng quan trọng số một là gạo xuất khẩu nhiều năm còn gặp khó khăn.
Trong những năm vừa qua nông dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và chế biến nhất là vào chính vụ. Sự biến động giá cả thất thường do cung cầu đã có ảnh hưởng nhất định làm hạn chế đến hiệu quả, việc mở rộng phát triển qui mô sản xuất. Việc thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ chưa mạnh và đều khắp, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân về tiêu thụ nông sản chưa nhiều.
2.3.3. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Vĩnh Long