Ảnh hưởng của kinh tế thị trường đến sản xuất hàng hoá

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của nông sản hàng hoá tỉnh vĩnh long giai đoạn 2010 2020 (Trang 54 - 56)

Ảnh hưởng của kinh tế thị trường trong nước

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, đã mang lại nhiều thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực. Kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế Vĩnh Long nói riêng có bước tăng trưởng đáng kể trên nhiều lĩnh vực; trong đó sản xuất nông nghiệp liên tục tăng dưới tác động của các quy luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kinh tế thị trường có cả mặt tích cực và mặt hạn chế cần phải biết vận dụng để khắc phục đưa nông nghiệp phát triển một cách bền vững.

Ảnh hưởng tích cực:

Sản xuất nông sản hàng hoá theo quy luật cung- cầu, lợi nhuận và thu nhập cao sẽ hấp dẫn người nông dân tăng vụ, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hoá vốn luôn cạnh tranh quyết liệt. Cụ thể ở Vĩnh Long là việc tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (nhãn, xoài, bưởi, cam, quýt), trồng rau thực phẩm chuyên canh hoặc luân canh lúa- khoai lang, tăng đàn heo, đàn bò, vịt chuyên trứng. Giờ đây, người nông dân có ý thức chọn sản phẩm hàng hoá là các loại cây trồng có lợi nhuận, thu nhập cao trên một đơn vị diện tích để sản xuất và biết tính toán kinh tế

khi sản xuất, biết đầu tư tiến bộ khoa học-kỹ thuật và tư liệu sản xuất để tăng năng suất và hiệu quả của đồng vốn.

Thông qua hoạt động kinh tế thị trường trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân và trang trại sản xuất giỏi đã trở nên giàu có, phân công lại lao động xã hội theo hướng chuyên môn hoá (các dịch vụ nông nghiệp ra đời: làm đất, tuốt lúa, bơm nước, bảo hiểm cây trồng vật nuôi, sản xuất cây con giống ngày một phát triển hơn) và phân vùng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

Quá trình sản xuất người nông dân đã cần đến thông tin thị trường để bố trí cơ cấu mùa vụ, tạo sản phẩm ra trái vụ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường, đồng thời từng bước hình thành các vùng cây trồng, vật nuôi chuyên canh (nhãn ở cù lao 4 xã huyện Long Hồ, bưởi ở Bình Minh, cam sành, quýt đường ở Tam Bình và một số xã huyện Trà Ôn, khoai lang, rau ở huyện Bình Tân,...)

- Quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới (Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO), tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi người sản xuất phải cải tiến quy trình, mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại...nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, có như thế mới mong đem lại hiệu quả cao cho sản xuất.

 Những mặt hạn chế của kinh tế thị trường:

- Do thông tin thị trường không đầy đủ, một bộ phận nông dân chưa tiếp cận được nên sản xuất một số cây trồng, vật nuôi còn theo ” phong trào” dễ dẫn đến dư thừa, ”được mùa, dội chợ, mất giá”. Gia tăng tích tụ đất đai, phân hoá giàu nghèo trong nông thôn sẽ tăng mạnh hơn, tình hình lao động thiếu việc làm sẽ gay gắt hơn, xuất hiện tình trạng kinh doanh cạnh tranh thiếu lành mạnh (hạ cấp nông sản, ép giá) gây thiệt hại cho nông dân khi thị trường cung vượt cầu...v.v.

Tóm lại, sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và phát triển cơ cấu nông sản hàng hoá. Chúng ta phải đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, thu thập phân tích sâu sắc những thông tin về thị trường, lợi thế cạnh tranh của các nông sản ở thị trường trong nước và quốc tế để có phương án sản xuất kinh doanh tối ưu, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thị

trường gây ra. Đồng thời, phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dân trí và kiến thức khoa học, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, đa dạng hoá sản phẩm, để sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao, chủ động hội nhập vào kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của nông sản hàng hoá tỉnh vĩnh long giai đoạn 2010 2020 (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)