Nguồn lực tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của nông sản hàng hoá tỉnh vĩnh long giai đoạn 2010 2020 (Trang 38 - 44)

2.1.2.1. Tài nguyên đất

Đất đai của tỉnh Vĩnh Long được hình thành do kết quả trầm tích biển lùi Holocene (cách nay khoảng 5.000-11.200 năm) dưới tác động của sông Mê Kông. Theo kết quả điều tra khảo sát thổ nhưỡng của Chương trình Đất tỉnh Vĩnh Long năm 1990-1994, Vĩnh Long có 4 nhóm đất chính: nhóm đất xáo trộn (đất líp) có diện tích 50.613 ha (chiếm 33.81% diện tích tự nhiên) xếp thứ 2 sau Tiền Giang thích hợp cho trồng cây ăn trái đặc sản và dưới mương vườn có thể nuôi thủy sản nước ngọt., nhóm đất phèn: 59.505 ha (chiếm 39,75%), nhóm đất phù sa: 20.844 ha (chiếm 13,95%) và nhóm đất cát chỉ có: 147ha (chiếm 0,1%).

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1/1/2010, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh có 147.912,7 ha được chia ra 5 loại đất sử dụng như sau (tỉnh không có đất lâm nghiệp): Đất nông nghiệp 116.180,6 ha, chiếm 78,6%; Đất chuyên dùng 9.163,9 ha, chiếm 6,2%; Đất ở nông thôn 5.502,3 ha, chiếm 3,7%; Đất ở đô thị 656,8 ha, chiếm 0,44%; Đất chưa sử dụng, 105,3 ha, chiếm 0,07%.

Đất Vĩnh Long có độ phì nhiêu cao bao gồm: đất líp, đất phù sa,đất phèn tiềm tàng sâu có diện tích 121.992 ha, chiếm 81,5% diện tích tự nhiên đây là tỉ lệ cao nhất ở ĐBSCL. Đặc biệt đất ở các cù lao và ven sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên hoàn toàn chủ động nước ngọt, ngập nông nên thích hợp cho trồng cây ăn trái đặc sản, nuôi tôm, cá dưới mương vườn và trồng luân canh lúa- rau màu, đây chính là thế mạnh của Vĩnh Long.

Nhìn chung đất của Vĩnh Long có độ phì nhiêu tiềm tàng khá cao, nhất là tầng canh tác cho phép áp dụng kỹ thuật thâm canh cây trồng, phát triển trồng trọt toàn diện, đa canh, luân canh hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.1.2.2. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt:

Vĩnh Long thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, được bao bọc bởi sông Hậu (ranh giới phía Tây Nam dài 43 km), sông Tiền (ranh giới phía Bắc dài 20 km) và sông Cổ Chiên (ranh giới phía Đông Bắc dài 52 km); ngoài ra còn có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt dẫn nước từ sông chính vào nội đồng. Do vậy, tài nguyên nước ở Vĩnh Long rất dồi dào và chất lượng rất tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, có ưu thế nhất so với các tỉnh thành trong cả nước.

Với 91 sông, kênh, rạch trên địa bàn nguồn nước mặt của Tỉnh Vĩnh Long được phân bổ đều khắp trong tỉnh. Ba con sông lớn cung cấp nước cho hệ thống kênh rạch này là:

- Sông Cổ Chiên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, có chiều rộng từ 800-2500m, sâu từ 20-40m với khả năng tải nước cực đại lên tới 12.000-19.000m³/s.

- Sông Hậu chảy theo hướng Đông Bắc Tây Nam, song song với sông Cổ Chiên, chạy dọc theo phía Tây Nam của Tỉnh, sông có chiều rộng từ 1500-3000m, sâu từ

15-30m, khả năng tải nước cực đại lên tới 20.000-32.000m³/s.

- Sông Măng Thít : gồm 1 phần kênh thiên nhiên, 1 phần kênh đào nối từ sông Cổ Chiên tại Quới An sang sông Hậu tại Trà Ôn, sông dài 47km, có bề rộng trung bình từ 110-150m, lưu lượng cực đại chảy ra và vào tại 2 cửa sông như sau:

Phía sông Cổ Chiên: 1500-1600m³/s; Phía sông Hậu: 525-650m³/s.

Chất lượng nước tại 3 con sông lớn này hoàn toàn ngọt, chế độ thuỷ văn điều hoà, lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, ít chịu chi phối của thuỷ triều, tuy bị ô nhiễm nhẹ nhưng hoàn toàn dùng cho sinh hoạt được khi đã qua công trình xử lý nước, như vậy với tất cả các đô thị, khu dân cư có 3 con sông này chảy qua đều có thể lấy nước mặt (xử lý đạt tiêu chuẩn) để phục vụ cho nhu cầu nước ăn uống, sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất công nghiệp, du lịch, đây là những thuận lợi lớn mà ít tỉnh nào có được.

Nguồn nước ngọt dồi dào về số lượng và phân bố quanh năm, chất lượng nước tốt (pH : 6,8-7,0) riêng mùa lũ hàm lượng phù sa trong nước từ 250 – 450 gram/m3). Đảm bảo đủ nước cung cấp cho sản xuất trong lĩnh vực trồng. Ngập lũ cũng mang lại nguồn phù sa vào cải tạo và làm giàu dinh dưỡng cho đất lúa.

Nước ngầm:

Theo kết quả nghiên cứu của một số công trình thăm dò thì nguồn nước ngầm ở Vĩnh Long rất hạn chế và chỉ phân bố ở một số khu vực nhất định. Các tầng nước ngầm của Vĩnh Long như sau:

- Tầng nước ngầm ở độ sâu trung bình 86,4 m, nước nhạt phân bổ chủ yếu ở vùng ven sông Hậu và sông Tiền, bề dày tầng chứa nước không lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 46.169 m3/ngày.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 150 m, nước nhạt phân bổ khu vực ven sông Hậu và một số xã phía Nam tỉnh Vĩnh Long. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 86.299 m3/ngày.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 333,2 m, chất nước kém không thể khai thác.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 425 m. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 31.669 m3/ngày.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình từ 439 m trở xuống. Nước nhạt chỉ phân bổ ở khu vực thành phố Vĩnh Long (ven sông Tiền). Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Đặc biệt đây là tầng chứa nước khoáng. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 19.520 m3/ngày

Chế độ thủy văn

Toàn tỉnh chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông, thông qua 2 sông chính là sông Cổ Chiên (cửa Cung Hầu) và sông Hậu (của Đinh An, Trần Đề), trong một ngày có hai đỉnh triều và hai chân triều không đều nhau, biến động qua các tháng trong năm.

Biên độ triều trên sông Hậu (tại Cần Thơ) dao động từ 104-172 cm, đỉnh triều 104-161 cm, chân triều thấp nhất -22cm đến -178cm; Trên sông Tiền (Mỹ Thuận) biên độ giao động từ 75-142 cm ( tương ứng đỉnh triều 79 – 159cm, chân triều thấp nhất -4cm đến -169cm), tại một số điểm trên sông Mang Thít như Quới An có biên độ triều cực đại 224cm, Trà Ôn 221cm, Trà Ngoa 220, Long Dức 222cm. Đặc biệt, cường độ truyền triều qua 2 sông Hậu Giang và Sông Cổ Chiên xếp vào loại nhất nước ta (tốc độ 18-24 km/giờ), tốc độ dòng chảy ngược cao. Mực nước và biên độ triều khá cao, cường độ truyền triều mạnh, biên độ triều vào mùa lũ khoảng 70-90 cm và vào mùa khô dao động từ 114 – 140cm, kết hợp với hệ thống kênh rạch khá chằng chịt (mật độ 67,5 m/ha) nên tiềm năng tưới tự chảy cho cây trồng khá lớn, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng điện cũng như xăng, dầu. Khả năng tiêu rút nước tốt hơn so với các tỉnh khác của khu vực ĐBSCL, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá. Song gần cuối mùa lũ, đặc biệt vào tháng 10, do cường độ lũ mạnh, triều dâng cao kết hợp với mưa nhiều trong nội đồng đã có ảnh hưởng ngập úng gây khó khăn trong việc bảo vệ vườn cây ăn trái và vụ lúa Thu Đông.

Vĩnh Long không phải đối mặt với lũ ở mức cao như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An,...phải ngừng trệ sản xuất. Một nơi ít ảnh hưởng lũ như Vĩnh Long sẽ là cơ hội để tập trung vào sản xuất tạo ra sản phẩm mà thị trường cần, đặc biệt là sản xuất giống: cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản cho phát triển sản xuất nông nghiệp ngay sau lũ và nông sản hàng hoá cung cấp cho thị trường cho các tỉnh bị lũ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng nông nghiệp Vĩnh Long thành hậu phương vững chắc, khai thác tối đa quy luật cung- cầu của thị trường.

2.1.2.3. Khí hậu

Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ấm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào. Theo Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2007 (Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long), tình hình khí hậu của tỉnh như sau:

* Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình cả năm từ 27 – 280C, Nhiệt độ tối cao 37,20C, nhiệt độ thấp 19,4o

C. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7- 80

C.

* Bức xạ: Bức xạ tương đối cao, bình quân số giờ nắng/ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp/năm 79.560 kcal/m2. Bức xạ quang hợp/tháng 6.630 cal/cm2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.181 – 2/676 giờ/năm. Điều kiện dồi dào về nhiệt và nắng là tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng vụ.

* Ẩm độ: ẩm độ không khí qua các tháng trong năm biến thiên từ 74 -83%, trong đó năm 2002 và 2003 có tháng ẩm độ xuống chỉ còn 74%, ẩm độ không khí cao nhất tập trung vào tháng 9 và tháng 10 giá trị đạt trung bình 86 – 87% và tháng thấp nhất là tháng 3 ẩm độ trung bình 74 – 79%.

* Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi bình quân, hàng năm của tỉnh khá lớn khoảng 1.400 – 1.500 mm/năm, trong đó lượng bốc hơi/ tháng vào mùa khô là 116 – 179 mm/tháng.

* Lượng mưa và sự phân bố mưa: Lượng mưa bình quân qua các năm từ 2000 đến 2007 chênh lệch khá lớn và có xu hướng giảm dần qua cách năm ( năm 2000 là 1.893 mm, năm 2004 là 1.186 mm, năm 2007 là 1.518 mm). Do đó ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi các đặc trưng của đất đai cũng như điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, lượng mưa năm của tỉnh phân bố tập trung vào tháng 5-11

dương lịch, và nhiều nhất vào tháng 8-10 dương lịch, kết hợp với chế độ triều cường trên sông thường gây ra tình trạng ngập úng kéo dài.

So với khí hậu cả nước, Vĩnh Long có nhiều ưu đãi về điều kiện khí hậu, rất ít khi có khí hậu cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Các yếu tố khí hậu nói chung thuận lợi cho nông nghiệp trong điều kiện đủ nước tưới, phân bón và giống cây trồng tốt cho phép sản xuất trồng trọt áp dụng kỹ thuật thâm canh, tăng vụ để đạt năng suất cao, đáp ứng yêu cầu hàng hóa suốt 12 tháng trong năm của thị trường; vấn đề là bố trí cơ cấu mùa vụ sao cho đạt hiệu quả quang hợp tối ưu nhất. Đặc biệt với Vĩnh Long là làm vụ lúa Đông Xuân sớm và vụ màu Xuân- Hè sao cho vừa tận dụng được điều kiện đất-nước-khí hậu, vừa tranh thủ được thời điểm thị trường rất cần, mà ở vùng khác không sản xuất được do lũ lụt ở ĐBSCL hoặc chưa vào mùa mưa là vụ sản xuất chính ở Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên do lượng mưa thường tập trung vào mùa mưa, trùng với mùa lũ, tạo ra ngập úng ở nơi có địa hình thấp trũng (vùng phía Bắc Quốc lộ 1A), gây hạn chế và thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp (sản xuất 3 vụ lúa, phát triển cây ăn quả).

2.1.2.4. Tài nguyên sinh vật

Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) thông qua chọn lọc tự nhiên, đã tạo thành một hệ thống cây trồng phong phú, một số chủng loại cây thích nghi lâu đời có khả năng chống chịu tốt với ngoại cảnh, cho năng suất và chất lượng cao đã trở thành cây đặc sản truyền thống của tỉnh Vĩnh Long.

- Lúa là cây trồng có số lượng giống nhiều nhất, theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh các giống lúa phổ biến hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long: OM 4900, OM 6162, OM 5472, MTL 547, OM 2514, MTL 232, OM 6976,OMCS 2000,…đồng thời với giống lúa thơm Jasmin 85,…v.v.

- Khoai lang: giống chủ lực hiện nay của tỉnh là giống khoai tím Nhật, ngoài ra còn có các giống: Tàu ngạn, Bí đường, Dương Ngọc, Bí nghệ, Bí sữa,…

- Giống cây lâu năm: Ngoài các giống dừa (dâu xanh, dâu vàng, dừa lửa, dừa bị, dừa xiêm), Vĩnh Long có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, trước hết là bưởi năm roi, cam sành, nhãn có 17 giống (nổi tiếng là xuồng cơm vàng, tiêu lá bầu), sầu riêng có

15 giống (nổi tiếng là sầu riêng hạt lép và sầu riêng Mon Thong, Ri 6), xoài 5 giống (nổi tiếng là xoài cát Hoà Lộc và xoài cát Chu). Ngoài ra còn có cam giấy, quýt tiều, quýt hồng, quýt đường, chanh, mận, Sapoche, ổi, đu đủ, táo, chuối, măng cụt, bòn bon,…

Tóm lại, cây trồng vật nuôi Vĩnh Long rất đa dạng, một số có đặc tính tốt, sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao và thị trường chấp nhận tiêu thụ. Đây là nguồn cây con đầu dòng rất quan trọng để chọn lọc, bình tuyển các cây con tốt cung cấp vật liệu lai tạo giống hoặc nhân ra cho sản xuất đại trà. Đặc biệt nông nghiệp Vĩnh Long phải xem công tác giống vừa là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển vừa là ngành dịch vụ quan trọng, tận dụng điều kiện ít ảnh hưởng lũ để sản xuất cây con giống cung cấp cho vùng lũ (1,8 triệu ha với hơn 10 triệu dân), như Nghị quyết VIII Đảng bộ Vĩnh Long nhiệm kỳ 2005- 2010 đã chọn giống nông nghiệp là một trong những chương trình trọng điểm.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của nông sản hàng hoá tỉnh vĩnh long giai đoạn 2010 2020 (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)