2.1.5.1. Lợi thế và cơ hội
Những lợi thế
Vĩnh Long nằm ở vùng giữa châu thổ ĐBSCL rất phù hợp cho phát triển nông nghiêp hàng hoá theo cơ chế thị trường. Khai thác tổng hợp tài nguyên thiên nhiên trong kinh tế thị trường thì Vĩnh Long có ưu thế nhất so với các tỉnh ĐBSCL về đa dạng hoá cây trồng.
Trong xu thế quốc tế hoá nền kinh tế, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế thị trường, thì vị trí địa lý đã tạo cho Vĩnh Long lợi thế vượt trội so với các tỉnh khác của ĐBSCL là có thể chủ động sản xuất ra nông, thuỷ sản gần như quanh năm (có nước ngọt quanh năm, chịu ảnh hưởng của lũ nhẹ hơn vùng Đồng Tháp Mười). Hàng hoá nông sản (kể cả giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản) từ Vĩnh Long toả đi toàn vùng rất thuận lợi và Vĩnh Long rất có cơ hội trở thành một trung tâm bảo quản-chế biến và giao dịch nông sản hàng hoá lớn của ĐBSCL, nhất là các loại rau, trái cây đặc sản,…
Tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên ở Vĩnh Long (đất, nước, chế độ thuỷ văn, khí hậu, sinh vật,…) ít chịu tác động cực đoan, nên việc đưa khoa học- công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học sẽ có tác động một cách sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp, có đủ điều kiện phát triển một nền nông nghiệp đa canh, đa dạng hoá sản phẩm theo hướng thâm canh, tăng năng suất và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá quanh năm, nhất là giống cây trồng, gia súc và thuỷ sản; thoả mãn tốt nhu cầu của thị trường. Đây là lợi thế vượt trội của Vĩnh Long so với các tỉnh vùng ĐBSCL.
Quá trình phát triển kinh tế- xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đã giúp nông dân Vĩnh Long có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo và phát triển sản xuất cây ăn trái, tiếp thu ứng dụng sáng tạo tiến bộ kĩ thuật vào nông
nghiệp, đã tạo ra các cây trồng đặc sản truyền thống nổi tiếng: bưởi Năm roi, cam sành, quýt đường, khoai lang, …được coi là tài sản quý hiếm trong nhân giống cũng như tạo ra các nông sản hàng hoá đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp (thuỷ lợi, giao thông, điện, cơ giới hoá nông nghiệp) đã được đầu tư khá tốt, đã và đang phát huy tác dụng. Nếu tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh sẽ nâng cao hiệu quả trong việc tăng năng suất và chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng- vật nuôi một cách vững chắc.
Khoa học và công nghệ mới bước đầu được ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp đã đem lại kết quả khả quan. Đã hình thành được một số vùng chuyên canh lúa, khoai lang, bưởi, cam, nhãn, rau thực phẩm…có quy mô khá lớn, với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao, đây là tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp.
Nhiều năm qua, Vĩnh Long đã cố gắng trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm nên đã tạo cho sản xuất nông nghiệp có được những kết quả khả quan trong tiêu thụ sản phẩm và uy tín chất lượng hàng nông sản.
2.1.5.2. Những khó khăn, thách thức đối với sản xuất nông nghiệp
Những thách thức đối với sản xuất nông nghiệp
Vĩnh Long có tỷ lệ dân cư nông thôn cao (84,6%), bình quân đất nông nghiệp thấp và đang có chiều hướng giảm, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế thuần nông còn khá phổ biến. Để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn, thì các yếu tố trên là thách thức lớn.
Giá thành của nhiều loại nông sản như: lúa, trái cây,...ở mức cao, những sản phẩm hàng hoá chính: trái cây, rau thực phẩm, thịt heo, gà, vịt, thuỷ sản...sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn của nhiều nơi khác cùng sản xuất (Đông Nam bộ). Nếu nông nghiệp Vĩnh Long không nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sẽ khó cạnh
tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn tới, trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vẫn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên, xã hội của các tỉnh trong vùng khá tương đồng; nghĩa là, các hướng đầu tư được lựa chọn cũng tương đối giống nhau. Do đó, giữa Vĩnh Long với các tỉnh trong vùng sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ ngoài tỉnh, ngoài nước và thậm chí, nếu không có chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, Vĩnh Long sẽ có nguy cơ bị chảy vốn đầu tư ra các tỉnh lân cận.
Xu hướng giảm lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm dựa trên tài nguyên đất nông nghiệp và nguồn lao động giản đơn giá rẻ. Do vậy, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thì hàng hóa Vĩnh Long sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại sân nhà.