Nguyên nhân dẫn đến sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với các nước trong

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 92 - 94)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1.Nguyên nhân dẫn đến sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với các nước trong

Nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ đến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng: Trước hết là do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng của cơ tầng văn hoá nông nghiệp cổ xưa, sự giống nhau về phong tục tập quán, văn hoá dân gian, các di tích khảo cổ.

Nguyên nhân thứ hai về mặt vật chất là do nhu cầu tìm sản vật địa phương và địa bàn buôn bán mới. Việc lái buôn Ấn Độ thi nhau tìm vàng ở vùng này là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nhanh tốc độ giao lưu giữa hai khu vực. Hơn nữa sự phát triển, giao lưu nói trên lại được điều kiện vật chất kỹ thuật cho phép. Đó là do sự tiến bộ của kỹ thuật hàng hải. Người Ấn Độ đã học được kỹ thuật đi biển, kỹ thuật đóng tàu lớn của người Ba Tư, biết lợi dụng chế độ gió mùa ở Ấn Độ Dương để chạy những thuyền buồm

có sức chở 600 - 700 người và thực hiện được những chuyến đi dài ngày trên biển. Từ Ấn Độ qua Đông Nam Á có thể đi bằng đường bộ qua vùng Assam và Arakan, nhưng đi biển thì nhanh hơn và chở được nhiều hàng hoá hơn.

Như vậy, một nền kinh tế đang phát triển, mở rộng và tìm kiếm thường xuyên thị trường xa, cùng với nó là sự phát triển hàng hải là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự lan rộng của văn hoá Ấn Độ đến Đông Nam Á.

Nguyên nhân thứ ba là về mặt tinh thần: Đó là sự phát triển cao của văn hoá Ấn Độ, các tôn giáo, nhất là Phật giáo. Tư tưởng Ấn Độ nói chung, các tôn giáo Ấn, nhất là Phật giáo nói riêng được truyền bá rất thuận lợi là do bản thân giáo lý của nó. Trước kia, người Ấn Độ theo Bàlamôn giáo rất sợ bị uế tạp vì tiếp xúc với các "chủng tộc dã man". Giáo lý Bàlamôn cấm bất kỳ tín đồ Ấn Độ nào vượt biển ra bên ngoài để tiếp xúc với người nước ngoài mà họ coi là "không trong sạch". Nếu ai vi phạm sẽ bị trừng trị bằng hình phạt nặng nề là bị khai trừ ra khỏi đẳng cấp. Thành kiến ấy phần nào cản trở việc xuất dương của họ. Còn đối với tín đồ đạo Phật, vốn không thừa nhận chế độ đẳng cấp Varna thì điều cấm đoán trên không có tác dụng. Những tín đồ Phật giáo và các tôn giáo khác đã gạt bỏ được những trở ngại về tâm lý nói trên. Nhờ tinh thần truyền giáo và không có thành kiến chủng tộc, Phật giáo đã mở đường cho người Ấn Độ đến Đông Nam Á. Các tôn giáo khác cũng phát triển thuận lợi ở vùng "đất mới". Dần dần, cản trở tâm lý đối với việc xuất dương mất đi, trong số những người Ấn sang Đông Nam Á giai đoạn đầu người ta thấy cả các tu sĩ Bàlamôn.

Như vậy, nguyên nhân chính của truyền bá văn hoá Ấn Độ ra bên ngoài chủ yếu là do hoạt động của các thương nhân, thuỷ thủ và sự truyền bá tôn giáo ở miền ngoại Ấn.

Người ta hình dung lại sự lan rộng của văn minh Ấn Độ về phía Đông vào những thế kỷ đầu Công nguyên như là sự hợp thành của kinh doanh thương mại của các nhà hàng hải, buôn bán đường biển.

Sự tăng trưởng giao lưu kinh tế đã kéo theo sự đẩy mạnh giao lưu văn hoá giữa Đông Nam Á và Ấn Độ.

Theo sau các thương nhân, thuỷ thủ và các nhà tu hành là những người thuộc tầng lớp trí thức thượng lưu, những người thuộc đẳng cấp vũ sĩ Ksatrya bị thất thế, các tăng lữ Bàlamôn, Hinđu giáo vứt bỏ thành kiến xuất dương. Đất đai Đông Nam Á - nơi có một cơ tầng văn hoá gần gũi với Ấn Độ rất trù phú với dân cư hiền lành, mến khách đã hấp dẫn họ. Những địa bàn này dần trở thành nơi cư trú riêng của người Ấn Độ. Tại những nơi này dần dần ra đời các trung tâm kinh tế, văn hoá với những biểu hiện của văn hoá Ấn Độ rõ nét, đồng thời có sự đan xen với văn hoá địa phương

Như nhận xét của J.Nehru trong Phát hiện Ấn Độ: Người Ấn Độ khi vượt qua hàng rào núi cao biển rộng không chỉ mang theo tư tưởng mà cả các lý tưởng khác, nghệ thuật, buôn bán, ngôn ngữ, văn học và các phương pháp cai trị. Họ đã góp phần xây dựng các quốc gia Ấn Độ hoá, hay một nước "Đại Ấn" mà về mặt tinh thần không kém Đại Hy Lạp

3.3.2. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 92 - 94)